Khánh Hòa: Đã xác định nguyên nhân thủy sản chết hàng loạt

Tảo Ceratium sp là (hay còn gọi là thủy triều đỏ) là "thủ phạm" khiến cá chết hàng loạt vừa qua tại vùng biển giáp ranh 2 xã Vạn Thọ - Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa).

Cá chết hàng loạt tại vùng biển giáp ranh 2 xã Vạn Thọ, Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) thời gian qua.

Đó là báo cáo kết quả phân tích, kết luận nguyên nhân thủy sản chết hàng loạt tại vùng biển nói trên do Sở NNPTNT gửi UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29.11.

Báo cáo nêu: Vùng này có khoảng 15 hộ nuôi thủy sản lồng bè, mỗi bè nuôi có khoảng 15-20 ô lồng. Đối tượng nuôi chủ yếu là cá bớp, cá bè và tôm hùm.

Qua thực tế quan sát và thu thập thông tin từ người dân khu vực, thời gian xuất hiện thủy sản chết vào khoảng 3h sáng 24.11. Nước vùng nuôi xuất hiện màu đỏ, có mùi hôi và sánh đặc. Các loài thủy sản chết bao gồm các loài thủy sản nuôi và tự nhiên ở tầng mặt và tầng đáy (cá bớp, cá bè, cá bống, tôm, cua, ghẹ, cá chai...), trong đó thiệt hại chủ yếu là thủy sản từ tự nhiên.

Số lượng thủy sản hiện đang nuôi trên các bè trong khu vực không nhiều và người nuôi đã phát hiện sớm, di chuyển lồng bè ra khỏi vùng nước đỏ đến khu vực đảo Hòn Mao nên thiệt hại không đáng kể (500 con cá bớp, cá bè).

Thủy sản không có dấu hiệu bệnh, những con còn sống thì bơi lờ đờ và tấp bờ. Sản lượng thủy sản chết trôi dạt vào bờ ước tính trên 10 tấn và đã được người dân địa phương thu gom.

Theo người dân địa phương, hiện tượng nước có màu đỏ và mùi hôi xuất hiện từ 5-7 ngày trước. Ngày 28-19.11, cá bớp nuôi tại khu vực Đầm Môn, xã Vạn Thạnh, Vạn Ninh bị chết, với dấu hiệu tương tự. Hiện cơ quan địa phương đang thống kê báo cáo.

Theo Sở NNPTNT, tảo Ceratium sp xuất hiện mật độ cao, nở hoa (hay còn gọi là thủy triều đỏ) gây tắc hệ thống mang của cá, làm giảm oxy trong nước, tác động đến quá trình hô hấp của cá.

Sở NNPTNT khuyến cáo người nuôi thủy sản di chuyển lồng bè hoặc thu hoạch sớm khi phát hiện có dòng nước màu đỏ xuất hiện. Trong trường hợp không thể di chuyển thì nên thu hoạch sớm những loài thủy sản đã đạt kích cỡ thương phẩm. Người dân không nên thả giống vào thời điểm thời tiết biến động bất thường, giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, đồng thời thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe thủy sản nuôi trong lồng để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là vào ban đêm.

Khi phát hiện thủy sản nuôi và thủy sản tự nhiên chết hoặc có dấu hiệu bất thường, cần thông báo ngay đến cơ quan quản lý tại địa phương. Sở TNMT sẽ thực hiện giám sát, lấy mẫu giám sát môi trường nước tại các vùng biển Khánh Hòa. Các cơ quan chức năng tăng cường công tác giám sát vùng nuôi, dịch bệnh, theo dõi diễn biến các yếu tố môi trường khi có sự biến động.

Nhiệt Băng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/khanh-hoa-da-xac-dinh-nguyen-nhan-thuy-san-chet-hang-loat-615869.bld