Khẩn trương tìm nguyên nhân cá chết trắng hồ Tây

(HQ Online)- Trong những ngày vừa qua, người dân Hà Nội hết sức bất ngờ và lo lắng trước hiện tượng cá chết ở hồ Tây. Theo nhiều chuyên gia, đây là hiện tượng bất thường.

Công nhân đang thu gom cá chết ở hồ Tây.

Nhiều giả thiết

Theo thông báo của Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến cuối giờ chiều 3-10 đã có gần 200 tấn cá chết ở hồ Tây được thu gom. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu nước và vật phẩm tại hồ để xét nghiệm, điều tra nguyên nhân.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan ngày 4-10, GS Mai Đình Yên, Phó Chủ tịch Hội Sinh thái học Việt Nam cho biết: Trong những năm qua, khi thời tiết giao mùa ở hồ Tây cũng xảy ra hiện tượng cá chết nhưng với số lượng không đáng kể. Đó cũng là hiện tượng bình thường của thời tiết. Nhưng trong những ngày qua số cá chết ở hồ Tây đã lên đến 76 tấn, đây là hiện tượng bất thường.

Theo ông Yên, cá chết bất thường ở hồ Tây có thể do một trong những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, có thể do chất thải công nghiệp được đổ trộm xuống lòng hồ. “Nhưng hiện tượng này cũng ít xảy ra, tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần phải vào cuộc điều tra là rõ”.

Thứ hai, do nội bộ của hồ Tây. “Tức là đã đến lúc phải xử lý nước, lòng hồ và khu vực ven hồ nhưng lại không xử lý kịp thời. Hồ Tây chưa bao giờ được nạo vét, hiện lớp bùn ở hồ đã đến 1 mét. Bấy lâu nay, chúng ta vẫn chần chừ việc xử lý hồ Tây. Những chuyện như vậy, chúng ta cứ nghĩ không có vấn đề gì nhưng hiện đã có vấn đề”.

Ông Yên cũng cho rằng: “Khi hiện tượng ô nhiễm ở hồ Tây quá nặng, có nghĩa là không nuôi cá được nữa và hồ Tây sẽ giống như sông Tô Lịch. Việc này thuộc về sức khỏe của hồ, bao gồm: Nước, khu vực ven hồ, cống nước, nhà máy xí nghiệp... Khi hồ già phải có biện pháp cải tạo lại nước và khu vực xung quanh hồ nhưng các cơ quan chức năng lại chưa làm”.

Theo PGS.TS Hà Đình Đức, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, cá chết ở các hồ của Hà Nội đã xảy ra rất nhiều và nguyên nhân chủ yếu do thời tiết và ô nhiễm nguồn nước. “Tuy nhiên, cá ở hồ Tây chết với số lượng hơn 70 tấn là hoàn toàn khác với những lần cá chết trước đó. Hiện tượng này không thể dễ dàng lý giải được ngay”.

Cần phải xử lý kịp thời

Trước tình trạng cá chết ở hồ Tây, theo ông Yên, cần phải chôn lấp ngay những con cá đã chết, tránh tình trạng ô nhiễm nước và khu vực xung quanh hồ. Đồng thời, phải xem xét có hiện tượng tảo nở hoa ở hồ hay không. “Nếu có tảo nở hoa cần phải vớt tảo để là sạch lại nước, sạch ô nhiễm”, ông Yên lưu ý.

Bên cạnh đó, thực hiện quan trắc chất lượng nước ở hồ Tây. Trong đó, thực hiện quan trắc lượng oxy ở tầng nước mặt, tầng trung và tầng đáy của hồ. Việc này thực hiện vào buổi sáng, trưa, tối và ở các địa điểm khác nhau để xem dao động lượng oxy ở hồ qua mỗi lần quan trắc như thế nào. “Đồng thời, cần đo lại 31 chỉ tiêu nước trong nuôi trồng thủy sản. Trong đó, đặc biệt lưu ý đến kim loại nặng, các loại thuốc trừ sâu, amoniac. Nếu trong quá trình phân tích phát hiện có kim loại nặng cần phải xử lý ngay lập tức mới nuôi cá tiếp”, ông Yên cho biết.

Ông Yên cũng cho biết: “Sau khi nguồn nước trở lại bình thường cần phải phân tích những sinh vật còn sống ở hồ có chứa hàm lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu... hay không. Những sinh vật được lấy hồ Tây để làm thực phẩm cần phải phân tích độc tố, an toàn thực phẩm để đưa ra những khuyến cáo với người dân. Đồng thời, xem xét lại lượng cá đã chết và thả bổ sung lại với số lượng phù hợp. Vì hồ nước không thể không có sinh vật sống. Sau khi giải quyết các vấn đề hiện tại của hồ Tây cần phải có kế hoạch phát triển hồ lâu dài, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ca-chet-ho-tay-la-hien-tuong-bat-thuong.aspx