Khẩn trương quy hoạch tài nguyên nước

Trên địa bàn tỉnh An Giang sử dụng nước mặt chiếm 97% tổng lượng nước khai thác, 3% còn lại là nước ngầm. Tuy trữ lượng nước mưa dồi dào nhưng hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả để trữ và sử dụng hiệu quả.

An Giang là một trong những tỉnh đầu nguồn ở đồng bằng sông Cửu Long và hạ lưu sông Mê Kông (khoảng 60 - 80% nguồn nước từ các quốc gia thượng nguồn chảy vào), có tiềm lực kinh tế lớn, đặc biệt là ngành nông nghiệp, thủy sản, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng và dịch vụ du lịch...

Hiện nhu cầu khai thác, sử dụng nước cho các ngành, lĩnh vực ngày càng tăng, đặc biệt hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chiếm trên 99,6% lưu lượng, đồng thời chất lượng nước thải từ các hoạt động này chưa đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải ra môi trường nên ảnh hưởng đến chất lượng nước của 72/81 đoạn sông, kênh rạch với mức độ trung bình, ô nhiễm nhẹ và ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong điều kiện bình thường sẽ hông có sự thiếu hụt nguồn nước. Nhưng với điều kiện biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, lượng nước từ thượng nguồn về ít (do đập thủy điện, hồ chứa…) thì nguy cơ thiếu nước và không đủ lượng nước cho sử dụng có khả năng xảy ra rất cao ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn (ở các tần suất hạn P = 90% và 75%).

Theo tờ trình số 382/TTr-UBND ngày15/7/2016 của UBND tỉnh An Giang, việc lập “Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh An Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” là nhiệm vụ rất cần thiết và cấp bách để phục vụ công tác quản lý, phân bổ khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước một cách hài hòa, hợp lý, bền vững.

Tại kỳ họp lần thứ 2 HĐND tỉnh An Giang khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tới đây sẽ xem xét thông qua việc thông qua quy hoạch này.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/khan-truong-quy-hoach-tai-nguyen-nuoc-post171010.html