Khẩn trương hoàn thiện cơ chế tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập

Việc đổi mới cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập có tác động nhiều chiều, tuy nhiên, các bộ, ngành xây dựng các dự thảo Nghị định chuyên ngành trình Chính phủ không kịp tiến độ khiến việc hoàn thiện khung pháp lý bị chậm trễ.

 Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp-Bộ Tài chính trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp-Bộ Tài chính trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Đây là nội dung được nêu ra tại Họp báo chuyên đề Bộ Tài chính chiều 26/10.

Ông Phạm Văn Trường, Vụ trưởng Vụ Tài chính Hành chính sự nghiệp-Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính đã xây dựng trình ban hành Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong năm nay, hiện mới có 2 Nghị định được Chính phủ ký ban hành (Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác).

Có 4 Nghị định đang trình Chính phủ trong lĩnh vực: Y tế; giáo dục đào tạo; dạy nghề; văn hóa thể thao và du lịch; thông tin truyền thông và báo chí; khoa học và công nghệ; sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác. Có 1 Nghị định đang lấy ý kiến các bộ, ngành lần 2 (Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục

Ngoài ra việc ban hành các quyết định về danh mục đơn vị sự nghiệp công sử dụng NSNN của từng bộ, cơ quan Trung ương cũng hoàn thành chưa đồng đều.

Như vậy, tiến độ các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao chậm so với thời gian yêu cầu theo Quyết định số 695/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Nghị định 16 đến nay đã ban hành một năm rưỡi song quá trình triển khai Nghị định chậm so với lộ trình. Đáng lẽ trong quý 4 năm 2015, các bộ, ngành đã phải xây dựng xong dự thảo Nghị định chuyên ngành trình Chính phủ”, ông Phạm Văn Trường nhấn mạnh.

Về kế hoạch triển khai tiếp theo, ông Phạm Văn Trường cho biết: Các đơn vị như Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Y tế; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền thông cần ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong từng lĩnh vực cụ thể: giáo dục đào tạo, y tế, dạy nghề, văn hóa thể thao và du lịch, thông tin truyền thông, khoa học và công nghệ.

Các lãnh đạo địa phương cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan tham mưu, khẩn trương xây dựng để ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN của địa phương; ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế-kỹ thuật áp dụng trong các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN thuộc phạm vi quản lý của địa phương; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ sự nghiệp công do địa phương quản lý.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc để thực hiện, đồng thời có trách nhiệm tổ chức, sắp xếp, chuyển đổi, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nguồn ngân sách tiết kiệm sau khi các đơn vị tự chủ sẽ sử dụng vào việc cần thiết hơn. Ví dụ, lĩnh vực y tế sẽ tăng chi công tác dự phòng các chương trình mục tiêu y tế, tiêm chủng, giảm tải….

“Việc triển khai Nghị định 16 không hẳn làm giảm ngân sách chung mà thay đổi đổi kết cấu lại ngân sách hợp lý hơn, các cơ quan cần triển khai với tiến độ nhanh hơn”, ông Trường phát biểu.

Huy Thắng

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/kinh-te/khan-truong-hoan-thien-co-che-tu-chu-don-vi-su-nghiep-cong-lap/289974.vgp