Khẩn trương dẹp bỏ lò gạch gây ô nhiễm môi trường

Quãng đường vào khu công nghiệp Long Đức, xã An Phước, huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) chỉ có chiều dài chừng 1km, nhưng hai bên có tới hàng chục lò gạch, cơ sở sản xuất gạch ngày ngày xả khói đen kịt gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến cuộc sống của người dân trên địa bàn. Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương kiên quyết đóng cửa những lò gạch gây ô nhiễm môi trường nêu trên.

Lò gạch gây ô nhiễm môi trường

Buổi trưa, đoạn từ Quốc lộ 51 rẽ vào khu công nghiệp Long Đức bốc hơi nóng hầm hập. Không khí khu vực này càng thêm ngột ngạt, khó chịu bởi những luồng khói đen cuồn cuộn phả ra từ những ống khói lò gạch hai bên đường, tràn vào khu dân cư. Từ doanh nghiệp Thanh Hiền Hòa, cơ sở sản xuất gạch Đạt Hùng…, đến xưởng gạch Minh Thiện Phát, các ống khói thi nhau xả dồn dập vào buổi trưa và lúc xế chiều. Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân mà còn gây ra nhiều khó khăn trong tổ chức huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 96 (Binh chủng Pháo Binh).

Một lò gạch thủ công tại xã An Phước, huyện Long Thành.

Theo kết quả điều tra của chúng tôi, các cơ sở này sử dụng nguyên liệu vỏ trấu, vải vụn, bao tải, nhựa phế phẩm… để nhóm lò, rồi dùng gỗ tạp, vỏ cây để nung gạch nên những ngày nắng mùi khói đã khó chịu, ngày mưa ẩm thấp càng khó chịu hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sống trên địa bàn. Những rặng cây gần khu vực lò gạch bị ám khói, dính đầy bụi đen. Các lò gạch đất sét nung phần lớn được xây dựng từ nhiều năm trước. Một số lò đã chuyển sang sử dụng công nghệ lò vòng dã chiến (Hoffman). Kỹ thuật lò đơn giản, lạc hậu, sản xuất thủ công nên khó tránh khỏi tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Bà Trần Thị Lan, 66 tuổi, ngụ tại xã An Phước, huyện Long Thành chia sẻ: “Mỗi khi các lò gạch hoạt động là người già, trẻ em lại khó thở. Môi trường không khí mất đi sự trong lành cần thiết, nên việc đóng cửa hoặc di dời lò gạch là mong muốn của đông đảo người dân chúng tôi”. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Cao, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, khói bụi ô nhiễm ảnh hưởng tới chất lượng không khí. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị bệnh liên quan đến đường hô hấp trong thời gian qua.

Phải xử lý nghiêm minh, dứt điểm

Theo thống kê của Sở Xây dựng Đồng Nai, toàn tỉnh hiện còn 142 lò gạch thủ công, trong đó có 140 lò vòng và 2 lò đứng, tập trung ở TP Biên Hòa và các huyện: Long Thành, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Trảng Bom. Một số lò gạch nằm gần khu dân cư và quy hoạch khu dân cư vẫn đang hoạt động. Bà Võ Niệm Tường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài Nguyên-Môi trường tỉnh Đồng Nai), cho biết: Trong số 142 lò gạch thủ công, mới chỉ có 60 lò gạch có cam kết kế hoạch bảo vệ môi trường. Một số lò gạch vẫn sử dụng các vật dụng là rác thải công nghiệp để nhóm lửa và nung gạch, chi cục đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản xử lý. Sắp tới, chi cục tiếp tục tăng cường kiểm tra, nếu phát hiện trường hợp tái phạm sẽ kiến nghị đóng cửa, cấm hoạt động ngay lập tức.

Lộ trình đóng cửa các lò gạch thủ công đã được UBND tỉnh Đồng Nai triển khai từ vài năm trước. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có việc để các lò gạch chuyển đổi kỹ thuật công nghệ mới, nên đến nay vẫn chưa đóng cửa được cơ sở nào. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê về quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các cấp, các ngành trong toàn tỉnh phải có trách nhiệm trong việc bảo đảm các lò gạch hoạt động theo đúng quy định, đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường và đóng cửa các lò gạch gây ô nhiễm. Những lò gạch nằm trong khu dân cư và những lò sử dụng nhiên liệu hóa thạch phải khẩn trương đóng cửa, chậm nhất là cuối năm 2017. Cơ quan chức năng chỉ được cấp phép hoạt động cho những lò gạch có cam kết kế hoạch bảo vệ môi trường; đồng thời các sở, ngành liên quan đề xuất phương án hỗ trợ chủ lò gạch thủ công chuyển sang làm gạch không nung để giảm sử dụng tài nguyên đất và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Không chỉ ở Đồng Nai, nhiều tỉnh khác tình trạng lò sản xuất gạch gây ô nhiễm môi trường vẫn đang tồn tại. Người dân sinh sống trên địa bàn có các cơ sở sản xuất gạch, rất mong cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tích cực kiểm tra, quy hoạch hợp lý mô hình sản xuất gạch, xử lý thật nghiêm những cơ sở gây ô nhiễm, không chấp hành các qui định của Nhà nước để giữ gìn môi trường sống trong lành cho người dân.

Bài và ảnh: YẾN LONG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/khan-truong-dep-bo-lo-gach-gay-o-nhiem-moi-truong-506795