Khăn giấy ướt kém chất lượng 'bủa vây' người tiêu dùng

Người tiêu dùng hiện đang bị "ma trận" khăn giấy ướt gây hoang mang, lo lắng bởi những tác hại do nó mang lại do chất lượng kém, chứa chất cấm, không nguồn gốc...

Theo phản ánh của rất nhiều người tiêu dùng về chất lượng khăn giấy ướt, lau ngứa và nổi mẩn đỏ. Khăn giấy ướt kém chất lượng, chứa chất cấm, không rõ nguồn gốc, mạo danh những thương hiệu khác được bày bán tràn lan trên các tuyến phố tại TP HCM. Giá thành của các loại khăn giấy này luôn thấp hơn so với giá hàng thật trên thị trường nên khá hút người tiêu dùng.

Khăn "bẩn" tung hoành

Trên nhiều tuyến đường tại TP HCM hiện nay ta dễ dàng bắt gặp la liệt bàn ghế hay kệ được kê bày bán khăn giấy ướt với nhiều nhãn hiệu như Teen care, Happy, Happpy smile, Baby care, Baby wipes... Hầu hết là tên tiếng Anh và na ná nhau về màu sắc, hình dáng khó phân biệt thật giả. Không chỉ hình dáng giống nhau mà cả giá cả cũng giống nhau: 15.000 đồng loại 80 miếng, 7.000/ 20 miếng... Thậm chí loại 20 miếng có nơi bán 15.000 đồng 3 bịch. Trong khi đó, giá của các loại khăn giấy chính hãng bán trong các siêu thị, cửa hàng sẽ cao hơn từ 3.000 đến 20.000 đồng tùy vào trọng lượng và thương hiệu. Không chỉ có sự chênh lệch ở trong siêu thị ngoài vỉa hè ngay cả những chỗ bán vỉa hè từ 3.000 đến 5.000 đồng.

Khăn giấy bán tràn lan ở lề đường.

Lý giải cho việc này, anh Tuấn bán trên đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình bộc bạch do giá lấy ở các đại lí có sự chênh lệch như loại 80 miếng có nơi lấy chỉ 8.000 đến 10.000 đồng thì bán 15.000 là vừa nhưng có nơi lấy cao hơn thì bán cao hơn. Nhiều nơi người ta bán lấy số lượng nhiều nên hạ xuống một vài nghìn thì bán được nhiều số lượng thì có khi còn lời hơn.

Chị Hạnh, bán trên đường Phan Huy Ích, Q.Gò Vấp cho biết chị lấy tận gốc (công ty) giá rẻ hơn lấy ở đại lý nhiều nhưng không dám bán rẻ quá vì sợ mọi người nghi ngờ không mua vì "của rẻ là của ôi". Việc gì mình phải bán rẻ, cứ theo giá siêu thị bớt xuống vài nghàn là được. Vừa bán được hàng lại không ai nghi ngờ gì cả.

Không chỉ các điểm bán ở lề đường mà ngay các cửa hàng tạp hóa cũng tiêu thụ một số lượng lớn. Nhiều chủ đại lí cho biết không cần phải đi đến tại cơ sở để lấy. Với lại bên cơ sở cũng "nhiệt tình" lấy 5 -7 thùng thì giao hàng tận nơi, họ cũng nói rõ là không muốn nhiều người đến cơ sở lấy hàng sẽ rất lộn xộn. Chỉ đặt đơn hàng thì họ sẽ mang đến nơi. Loại 10 miếng là 3.000 đồng, 20 miếng là 4.000 đồng, loại 80 miếng thì có nơi 9.000 đồng có nơi 10.000 đồng và giá bán ra thì tùy đại lí tự điều chỉnh lấy miễn sao bán được nhiều thì lợi nhuận nhiều.

Hàng giả giá cả đã thấp là một lẽ nhưng vẫn có nhiều nơi bán lại bày ra chiêu trò "rút ruột" để kiếm thêm lời. Vỏ bao để 80 miếng nhưng xé ra đếm chỉ có 60,70 miếng thậm chí có nơi "ăn dày" chỉ có 50 đến 55 miếng/bịch. Còn các loại 10 đến 20 miếng cũng bị lấy từ 2 đến 5 miếng, chẳng ai biết đấy là bao nhiêu.

Khăn chứa chất cấm

Khoảng cuối tháng 5/2015, Chi cục Quản lí thị trường bất ngờ kiểm tra công ty TNHH đầu tư và phát triển Twin Lotus Việt Nam (ở đường An Dương Vương, phường An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) phát hiện sản xuất một số lượng lớn khăn giấy giả các nhãn hiệu lớn. Công ty này dùng phương pháp sản xuất hoàn toàn thủ công với nguồn nước được lấy từ nhà vệ sinh. Bước đầu, cơ quan chức năng đã xác định ít nhất, có tới 3 công ty liên quan đến đường dây sản xuất khăn giấy ướt giả trên, gồm: Công ty TNHH sản xuất - thương mại Nguyễn Truyền Thanh (in ấn bao bì, giả nhãn hiệu), công ty Twin Lotus Việt Nam (sản xuất khăn giấy ướt giả) và công ty MNK (phân phối hàng giả đi các nơi).

Trên thực tế không có địa chỉ đã ghi trên bao bì.

Bên cạnh đó chúng tôi có tìm hiểu thêm hầu hết các công ty ghi trên bao bì chỉ là địa chỉ ảo. Chúng tôi đã tìm đến các địa chỉ ghi ở đường Lý Thường Kiệt ở Q.10, Lê Đức Thọ ở Q. Gò Vấp, Nguyễn Đinh Chi, P9, Q6 thì hoàn toàn không có cơ sở sản xuất. Điều đáng nói là khi mua thử sản phẩm Day Day Care của công ty có địa chỉ tại Nguyễn Đình Chi (Q6) thì không ghi rõ thành phần nguyên liệu. Điều này đánh lừa tiêu dùng bởi họ hoàn toàn không xác định được những chất đang bị cấm nhưng vẫn được sử dụng và liều lượng có phù hợp hay không?

Ngoài ra, để giữ khăn giấy được lâu buộc phải sử dụng một số loại hóa chất bảo quản để tránh ẩm mốc. Các chất parabens và phenoxyl ethanol, ethylisothiazolinone.... được sử dụng phổ biến với chức năng bảo quản. Tuy nhiên, nếu sử dụng với nồng độ cao sẽ gây nguy cơ ung thư, dị ứng, khối u... Việc sử dụng các chất này đối với các loại khăn giấy trên hiện nay vẫn chưa thể kiểm soát được. Ngay trên bao bì của các bịch khăn giấy đều ghi chứa các chất này nhưng hoàn toàn không có tỉ lệ được sử dụng.

Về việc sử dụng các chất cấm Bộ Y tế đã có văn bản nêu rõ, các sản phẩm có chứa 5 loại paraben chỉ được phép lưu hành trên thị trường đến hết ngày 30/7/2015. Còn đối với sản phẩm sử dụng chất bảo quản Methylisothiazolinone được phép lưu thông trên thị trường đến hết ngày 30/4/2016. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại tất cả các sản phẩm bán trên thị trường ở mục thành phần nguyên liệu chúng ta đều tìm thấy các chất cấm trên. Vậy nên, việc sản xuất tràn lan, sản xuất "chui" và hoàn toàn thủ công thì liều lượng chất cấm này hoàn toàn không thể kiểm soát được. Chỉ khi nào các cơ quan chức năng vào cuộc mới vỡ lẽ là quá liều lượng hoặc không đúng quy định thì đã muộn.

Phạm Quyên/KD&PL

Nguồn GĐ&PL: http://giadinhphapluat.vn/khan-giay-uot-kem-chat-luong-bua-vay-nguoi-tieu-dung-p42142.html