Khán giả có thêm sự lựa chọn

(HNM) - Đến giờ phút này có thể điểm ra 3 "gương mặt" tác phẩm điện ảnh đang nỗ lực trên "đường đua" để kịp hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội: "Thái sư Trần Thủ Độ" (Hãng phim truyện I), "Long Thành cầm giả ca" (Hãng phim Giải phóng), "Chiếu dời đô" (Hãng phim Hội Điện ảnh Việt Nam - Hodafilm). Mỗi dự án một vạch xuất phát, song khi đặt chúng cùng nhau dưới cái nhìn của khán giả, ta sẽ thấy nhiều điều.

Bất ngờ "Chiếu dời đô"? Việc Hodafilm sẽ "nhập" vào dòng nóng nhất của điện ảnh cả nước thời điểm này - làm phim kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, quả là điều bất ngờ. Nhất là khi nguồn kinh phí cho dự án phim "Chiếu dời đô" như "nằm mơ" với người trong nghề, gấp 5 lần "Đừng đốt" và nhiều lần những phim nhựa khác. Hơn thế, đây là nguồn kinh phí xã hội hóa 100%. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát trao đổi với Hànôịmới chiều qua "Tổng dự toán kinh phí cho phim này phải 60 tỷ đồng mới làm được. Hiện nay, không phải chúng tôi đã có ngay trong tay 60 tỷ đồng, cũng còn phải gặp gỡ, phải tiếp xúc rất nhiều. Tuy nhiên, đây thực sự là tấm lòng của những doanh nghiệp, cá nhân muốn đóng góp cho Đại lễ". Rõ ràng, điện ảnh Việt Nam đang có những vận động nội tại không nhỏ. Cùng với phim Nhà nước đầu tư đã có một dự án phim "âm thầm" huy động nguồn lực từ xã hội. "Âm thầm" là vì ê-kíp dự án phim đã bắt đầu chuẩn bị từ hơn một năm nay và hiện tại theo như Giám đốc Hodafilm thì "kinh phí vẫn là nỗi lo lớn, làm sao không chỉ đủ mà còn phải kịp thời gian". Nếu "Chiếu dời đô" thành công, đây không chỉ là "công trình chào mừng" mà chắc chắn bộ phim còn góp phần xây dựng dòng phim lịch sử của ta. So với "Thái sư Trần Thủ Độ" và "Long Thành cầm giả ca", thì "Chiếu dời đô" cũng "nhắm" trúng hơn cả vào sự kiện lịch sử đậm nét nhất của Thủ đô nghìn tuổi. Cuộc "tập dượt" cho phim lịch sử Cái khổ nhất của người làm phim ở ta, nhất là phim lịch sử, như chia sẻ của nhiều đạo diễn là "không có trường quay chuyên nghiệp". Hodafilm cho biết, "ngày nào Lưu Trọng Ninh cũng lăn như bi suốt với nhóm của mình. Mấy ngày vừa rồi anh đi Hoa Lư, Thái Bình, Huế… tìm kiếm hoa văn ở các chùa để chuẩn bị cho trang phục, bối cảnh của phim. Anh đã tiếp nối, dồn tâm huyết thực hiện phim lịch sử của mình cho "Chiếu dời đô". Đoàn phim "Long thành cầm giả ca" cũng vừa rong ruổi liên tục nhiều ngày ở khắp các tỉnh để tìm bối cảnh. Nhà biên kịch Văn Lê chia sẻ với Hànôịmới: "Nội cảnh có thể cơ bản là xong, nhưng ngoại cảnh thì chắc phải dựng nhiều: quán Hạnh Ngộ (nơi quân Tây Sơn ghé qua) với quang cảnh vùng Bắc bộ ra sao…; rồi năm 1789 khi quân Tây Sơn ra Bắc đánh giặc, phải đợi vào đúng mùa xuân để có hoa đào mới quay được…". Đạo diễn Đào Duy Phúc (phim "Thái sư Trần Thủ Độ") thì "mơ ước" giá như có nhiều bối cảnh thì có thể thực hiện một lúc nhiều cảnh quay, đẩy nhanh tiến độ phim. Cũng như đạo diễn Tất Bình, nhiều người tiếc khi bối cảnh phim "Thái sư Trần Thủ Độ" dựng xong có thể phải dỡ bỏ. Câu hỏi về "kinh phí, mặt bằng và hướng sử dụng tiếp theo" sẽ phải được bàn đến cho những phim lịch sử sau này. Hai trong số ba dự án phim trên đều sử dụng bối cảnh phim lịch sử của Trung Quốc. Ngày 3-8, "Thái sư Trần Thủ Độ" sẽ bắt đầu phần quay ở Trung Quốc như kế hoạch. Đây cũng là một cơ hội "cọ xát", học tập không nhỏ. Ba dự án trên, mới có "Thái sư Trần Thủ Độ" khởi động, hai dự án còn lại cơ bản đều đang giai đoạn chuẩn bị. Khỏi phải nói nhà sản xuất và các đạo diễn "ngồi trên lửa" thế nào. Nhưng rõ ràng, trong cuộc vận động này điện ảnh của ta sẽ tự "vỡ" ra nhiều điều. Khán giả sẽ là người có lợi, thêm nhiều "món" để chọn và hứa hẹn có những "món" ngon. Thi Thi

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/43/214928/