Khám sức khỏe ngân hàng qua con số lợi nhuận nghìn tỷ

Dù cho lợi nhuận trước thuế của một vài ngân hàng tăng vọt, nhưng sức khỏe của nhiều ngân hàng đã bị báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm “bóc mẽ”.

Điển hình là VPBank với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 7.105 tỷ đồng, tăng mạnh so với 4.781 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái; LienVietPostBank với lợi nhuận trước thuế là 865 tỷ đồng tăng so với cùng kỳ năm ngoái là 344 tỷ đồng…

Đâu là sức khỏe thật ?

Tổng hợp từ báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2016 của 12 ngân hàng, cho thấy, lợi nhuận trước thuế chỉ là 32.599 tỷ đồng, tuy nhiên, lãi dự thu cao gần gấp đôi với con số lên tới 61.477 tỷ đồng. Con số này đã nói lên sức khỏe của các ngân hàng.

Lãi dự thu ở NHTM là phần tiền ngân hàng cần phải thu về nhưng chưa nhận và được ngân hàng hoạch toán thành lợi nhuận. Tuy nhiên, trong những năm gần đây quy mô các khoản lãi dự thu của NHTM ngày càng lớn và nhìn xa, nó gây áp lực lên nợ xấu.

Theo nguyên tắc, ngân hàng chỉ tính lãi dự thu (hoạt động tín dụng) đối với nợ nhóm 1, vì nợ nhóm 2 trở lên là đã có nợ quá hạn rồi. Mặc khác, nợ quá hạn từ nhóm 2 có thể gặp rủi ro và lại bị chuyển sang nhóm nợ cao hơn.

Một vài trường hợp cho thấy rủi ro khó thu từ khoản lãi dự thu này. Ví như 9 tháng đầu năm 2016, Techcombank cho vay Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo là 1.888 tỷ đồng.

Hay như BIDV đang cho Hoàng Anh Gia Lai vay là 9.282 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 9.2016), Eximbank là 2.995 tỷ đồng, Sacombank là 925 tỷ đồng, VPBank là 1.600 tỷ đồng… Hiện những khoản cho vay này vẫn đang chờ kết luận từ Chính phủ. Nếu các ngân hàng vẫn tính lãi hàng tháng mà Hoàng Anh Gia Lai trả vào nguồn lãi dự thu, có nghĩa khoản nợ này vẫn được nằm trong nợ nhóm 1.

9 tháng đầu năm 2016 của 12 ngân hàng, lợi nhuận trước thuế chỉ là 32.599 tỷ đồng, trong khi lãi dự thu cao gần gấp đôi với con số lên tới 61.477 tỷ đồng

Tuy nhiên, trong những năm gần đây quy mô các khoản lãi dự thu của NHTM ngày càng lớn và nhìn xa, nó gây áp lực lên nợ xấu. Nếu để con số lợi nhuận và lãi dự thu của nhiều ngân hàng cạnh nhau thì sẽ nói lên nhiều điều, mà theo cách nói của giới chuyên gia tài chính, đó là “tự lấy đá ghè chân mình”.

Ví như SHB có lãi dự thu lên tới 10.170 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 1.672 tỷ đồng; Vietinbank có lãi dự thu lên tới 15.118 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 6.485 tỷ đồng; LienVietPostBank có lãi dự thu là 2.958 tỷ đồng nhưng lợi nhuận trước thuế là 865 tỷ đồng…

Bình luận về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cho rằng do thời gian vừa qua kinh tế khó khăn, nếu ép các doanh nghiệp phải trả nợ ngay thì họ không thể chịu được dẫn đến phá sản. Vì thế các ngân hàng buộc phải giãn, hoặc cơ cấu khoản nợ theo quy định cho phép. Cho nên lãi từ các khoản vay doanh nghiệp này đưa dưới dạng dự thu.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình đào tạo trường Đại học Fulbright Việt Nam, cho rằng cần phải sớm cảnh báo sự nguy hiểm của lãi dự thu đối với hệ thống.

“Nhiều ngân hàng đang phải liên tục huy động tiền gửi mới để lấy tiền trả lãi cho khoản tiền gửi cũ, còn lãi cho vay là tiền thật thì mới chỉ ghi nhận dự thu, chứ chưa thu được trên thực tế. Như vậy, lợi nhuận của ngân hàng chính là được ghi nhận từ nghiệp vụ mang tính kỹ thuật này”, ông Thành phân tích.

Đồng tình với ý kiến trên, nhiều chuyên gia khuyến nghị, các ngân hàng nên xem xét tính toán lại khoản lãi dự thu để đưa ra con số lợi nhuận thực chất, chính xác hơn. Điều này không chỉ để các cổ đông mà chính các ngân hàng đừng ảo tưởng về sức khỏe thật của mình. Hơn nữa, gốc, lãi, chi phí trích lập dự phòng rủi ro, nếu không thu hồi nợ xấu, có thể đến giai đoạn nào đó ngân hàng kiệt quệ, mất khả năng thanh toán.

Nợ xấu tăng trở lại?

Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm cũng ghi nhận nợ xấu của hầu hết các ngân hàng đều tăng lên. 9 tháng đầu năm ghi nhận tổng nợ xấu của 11 ngân hàng (LienVietPostBank không công bố tỷ lệ nợ xấu) là 47.946 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 27.480 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng số nợ xấu.

Một điểm dễ thấy trong kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, đó là sự sụt giảm mạnh về lợi nhuận của Eximbank và SacomBank so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, lợi nhuận 9 tháng đầu năm của Sacombank là 550 tỷ đồng, giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái là 2.140 tỷ đồng; Eximbank đạt lợi nhuận là 202 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, Eximbank chưa tổ chức được ĐHĐCĐ bất thường, còn Sacombank thì chưa tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016 với lý do đợi Ngân hàng Nhà nước. Nếu kéo dài, không biết thành viên “câu lạc bộ lợi nhuận nghìn tỷ” Eximbank, Sacombank sẽ đi về đâu.

9 tháng đầu năm ghi nhận tổng nợ xấu của 11 ngân hàng là 47.946 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) là 27.480 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng số nợ xấu.

BIDV dẫn đầu về cho vay trên hệ thống hiện nay và cũng đang dẫn đầu về con số nợ xấu với hơn 13.600 tỷ đồng. Nếu so sánh cùng quy mô cho vay thì tại VietinBank, ngân hàng này có dư nợ cho vay đạt 625.000 tỷ đồng, thấp hơn một chút so với BIDV nhưng tổng số nợ xấu tại BIDV lại gấp 2,5 lần tổng số nợ xấu của VietinBank (5.400 tỷ đồng).

Sacombank cũng là ngân hàng có tổng nợ xấu 4.620 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.095 tỷ đồng. Nợ xấu tăng lên 2,4% so với mức 1,85% ở thời điểm đầu năm.

Eximbank là trường hợp duy nhất báo cáo nợ xấu trên 3%. Cụ thể, 9 tháng đầu năm Eximbank có tổng nợ xấu là 2.705 tỷ đồng, tăng gần 50% cuối năm 2015, trong đó nợ có khả năng mất vốn tăng lên 1.079 tỷ đồng, còn cuối năm 2015 là 802 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu lên 3,35%, tăng mạnh so với cuối năm 2015 là 1,86%. Eximbank cũng đã tích cực bán nợ xấu cho VAMC. Nợ xấu cho VAMC lũy kế đến tháng 9 là 7.199 tỷ đồng, tăng so với cuối năm 2015 là 6.230 tỷ đồng.

Bình luận về nợ xấu, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết con số thật của nợ xấu hiện là 147.000 tỷ đồng, cộng thêm 160.000 tỷ đồng nằm ở VAMC và báo cáo nội bảng tại các ngân hàng còn 140.000 -145.000 tỷ đồng có tiềm ẩn nợ xấu.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/kham-suc-khoe-ngan-hang-qua-con-so-loi-nhuan-nghin-ty-723516.html