Khám sức khỏe cho người lao động: Trách nhiệm thuộc về ai?

(DĐDN) Khám sức khỏe định kỳ cho người lao động đang được xem là một trong những mối quan tâm của không chỉ của chính người lao động mà còn đối với nhiều cơ quan chức năng và ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong sản xuất - kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc “quên” khám sức khỏe cho người lao động đều được quy kết trách nhiệm hoàn toàn thuộc về DN, nhưng đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.

Khám sức khỏe cho người lao động đó là trách nhiệm và nghĩa vụ của các DN, đặc biệt đối với các DN hoạt động trọng những điều kiện môi trường độc hại, nguy hiểm. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn còn không ít các DN vi phạm trách nhiệm của mình đối với người lao động. Có nhiều lý do khác nhau dẫn đến “lỗi” này, trong đó sự quản lý chưa chặt chẽ của các cơ quan chức năng, cũng như sự kết hợp giữa DN với các cơ sở khám chữa bệnh vẫn còn nhiều hạn chế.

Lỗi không chỉ từ DN

Theo Thông tư số 13/2007/TT-BYT ngày 21 tháng 11 năm 2007 của Bộ Y tế, các DN phải có trách nhiệm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động quy định theo thời gian 1 năm/lần, hoặc 6 tháng/lần đối với các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Trong khi đó, đối với các cơ sở khám chữa bệnh cũng phải đạt chuẩn như: Có các bác sỹ khám các chuyên khoa nội, ngoại, sản phụ khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt; Có đủ năng lực chuyên môn, kỹ thuật để làm các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, X quang tim phổi; Có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định. Còn đối với các cơ sở y tế chưa đủ các trang thiết bị theo quy định có thể kết hợp (thông qua hình thức hợp đồng liên kết) với các cơ sở y tế có đủ cơ sở vật chất để tổ chức khám sức khỏe theo quy định. Điều này cũng có nghĩa, Nhà nước đã có văn bản quy định rõ ràng về trách nhiệm của các DN đối với việc khám bệnh cho người lao động.

Ngày 06 tháng 06 năm 2011, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 19/2011/TT - BYT về việc Hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp. Đồng thời gắn trách nhiệm của người lao động với người sử dụng lao động, với các Trung tâm Y tế quận, huyện hoặc đơn vị quản lý về sức khỏe lao động môi trường tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc đơn vị quản lý y tế Bộ, ngành tổ chức lập hồ sơ vệ sinh lao động, lập kế hoạch đo, kiểm tra môi trường lao động và tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp (nếu có) cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động vẫn đang là bài toán mà các DN, cơ sở y tế và các cơ quan chức năng đang cùng quan tâm.

Nhiều DN giải thích việc “quên” khám sức khỏe định kỳ cho người lao động là do chưa nắm rõ các quy định hiện hành, nhiều nơi công nhân phân tán nên khó tiến hành kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng như bệnh nghề nghiệp. Mặt khác, chính người lao động lại thiếu thông tin về quyền lợi của mình nên không có kiến nghị với DN, vô hình chung đã làm mất đi quyền lợi chính đáng của mình.

Khu khám bệnh dành cho DN tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

Rõ ràng, “lỗi” vẫn xuất phát từ chính người sử dụng lao động, nhưng cũng không nên quy kết trách nhiệm hoàn toàn thuộc về DN, bởi vì những chế tài và quy định hiện hành cho đến nay vẫn chưa thật sự triệt để. Nếu căn cứ và so sánh vào mức xử phạt hành chính theo Nghị định số 47/2010/NĐ-CP ngày 06/5/2010 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/6/2010), thì DN nếu vi phạm sẽ bị phạt thấp nhất là 300 ngàn đồng đối với DN vi phạm dưới 10 lao động và cao nhất là 20 triệu đồng đối với DN khi vi phạm với từ 500 người lao động trở lên. Trong khi đó, nếu một DN có đến 500 hoặc trên 1.000 lao động thì hàng năm phải mất hàng trăm triệu đồng để chi trả cho việc khám sức khỏe cho người lao động/kỳ. Như vậy, thay vì phải mất hàng trăm triệu đồng cho một lần khám bệnh cho người lao động thì nhiều DN chấp nhận “chịu” phạt tối đa 20 triệu đồng, đó là chưa kể việc DN sẽ lựa chọn những cơ sở y tế chưa đạt “chuẩn” nhưng vì chi phí thấp nên sẵn sàng đăng ký khám chữa bệnh tại đó, hoặc chỉ làm thủ tục lập hồ sơ và khám thể lực chung là xem như hoàn thành trách nhiệm.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng trên không phải ngẫu nhiên xuất phát từ các DN do đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu, mà các cơ quan chức năng cũng chưa kiểm tra, xứ lý một cách triệt để phát hiện sai phạm.

Bác sĩ Trần Thị Hoa Ban - Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng cho rằng: “Không nên quy kết hoàn toàn trách nhiệm thuộc về các DN, điều quan trọng cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng để có Thông tư liên bộ (giữa Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Bộ Tài Chính) về hướng dẫn một cách cụ thể và rõ ràng hơn đối với vấn đề khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Trong đó, chính các DN và cơ sở y tế cần có sự phối hợp một cách tự giác trong việc chủ động thực hiện trách nhiệm của mình đối với việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Đây chính là giải pháp tốt nhất hạn chế việc vi phạm của DN đối với việc khám sức khỏe cho người lao động ”.

Cần giao trách nhiệm cho các cơ sở y tế

Cho đến nay, không ít bệnh viện đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực và thành lập Khoa khám sức khỏe cho DN. Tuy nhiên, số lượng DN chủ động đến để đăng ký chăm sóc, tầm soát khám chữa bệnh cho người lao động vẫn còn khá khiêm tốn. Do vậy, với thực trạng nêu trên và nếu các cơ quan chức năng không kiểm tra, giám sát và có chế tài xử lý nghiêm thì không biết đến khi nào người lao động mới được hưởng những quyền lợi chính đáng của mình.

Hoạt động tư vấn sức khỏe tại cơ quan, doanh nghiệp

Bác sĩ Trần Văn Long - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng cho biết: “Bên cạnh việc thực hiện một cách triệt để Thông tư mới nhất số 19/2011/TT – BYT của Bộ Y tế về quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp, thì nên chăng Bộ Y tế cần giao trách nhiệm đối với các Cơ sở khám chữa bệnh, đồng thời cho phép các cơ sở này được phép chủ động trong việc tìm đến DN để phối hợp trong việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Điều này cũng giống như việc Bộ Y tế trao quyền cho các cơ sở khám chữa bệnh trực tiếp nhắc nhở những DN chưa đăng ký khám chữa bệnh cho người lao động thì buộc phải tiến hành đăng ký theo quy định”.

Việc giao quyền và gắn trách nhiệm cho các cơ sở y tế trong việc vận động, phối hợp với các DN đăng ký khám bệnh tại cơ sở của mình cũng là việc làm chính đáng nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Tất nhiên, giữa DN và các cơ sở y tế cần có những thỏa thuận hợp lý trong việc tạo điều kiện thuận lợi để người lao động được khám định kỳ và DN cũng không bị vi phạm. Trong đó, Bộ Y tế cũng cần cho phép các DN tham gia đăng ký và lựa chọn các cơ sở y tế đạt chuẩn theo Thông tư số 13/2007/TT-BYT để khám chữa bệnh một cách bình đẳng, không phân biệt bệnh viện công hay tư. Đồng thời, gắn chế tài xử lý mạnh tay đối với những cơ sở khám sức khỏe cho người lao động không thực hiện các bước trình tự và tuân thủ theo Thông tư số 13/2007/TT-BYT khi không có bác sĩ chuyên khoa, không thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng, khám bệnh qua loa, dẫn đến khó phát hiện người lao động mắc các bệnh thông thường và mắc các bệnh nghề nghiệp.

Lý giải về tầm quan trọng của việc khám bệnh cho người lao động, Bác sĩ Trần Văn Long phân tích thêm: Việc khám bệnh cho người lao động là quá trình “chẩn - đoán” cho bệnh nhân. Trong đó, “chẩn” cho kết quả khách quan dựa trên các xét nghiệm cận lâm sàn với máy móc thiết bị đạt chuẩn, các phương pháp khám bệnh khoa học, chính xác - “đoán” cho kết quả chủ quan dựa trên những biểu hiện, hình thái của bệnh nhân kết hợp với kinh nghiệm khám chữa bệnh của người bác sĩ. Giữa “Chẩn” và “Đoán” phải có một tỷ lệ phù hợp, đảm bảo người được khám bệnh tầm soát chính xác nhất, tốt nhất sức khỏe của mình, mà trong đó, “tỷ lệ” phần “Chẩn” nên ngày càng cao hơn. Đó chính là mục tiêu thiết thực để Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đầu tư các nguồn lực để bổ sung trang thiết bị hiện đại, bổ sung đội ngũ y bác sĩ vững chuyên môn để đáp ứng yêu cầu của DN cũng như mỗi người lao động đến khám tin tưởng hơn vào những giá trị y tế nhận được.”

Như vậy, nếu trao quyền và gắn trách nhiệm cho các cơ sở y tế trong việc phối hợp với các DN để khám bệnh định kỳ cho người lao động, cũng đồng nghĩa với việc DN sẽ lựa chọn được đầu mối khám chữa bệnh uy tín để chăm sóc y tế cho người lao động, đồng thời giảm bớt các chi phí đi lại trong mọi hoạt động khám bệnh của chính DN về lâu về dài. Bên cạnh đó, việc giao quyền và gắn trách nhiệm của các cơ sở y tế trong việc phối hợp với các DN sẽ giúp các cơ quan chức năng sẽ chấn chỉnh trình trạng buông lỏng trách nhiệm với người lao động. Từ đó, góp phần hạn chế những sự cố đáng tiếc về sức khỏe cho chính người lao động, cho DN và cho xã hội.

La Thành

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/20120518041814407cat44/kham-suc-khoe-cho-nguoi-lao-dong-trach-nhiem-thuoc-ve-ai.htm