Khám phá sự tích về loài hoa Tam giác mạch

Hương không đậm, sắc không sâu, chỉ hoang dại khép mình như một cô gái bản nhưng loài hoa vùng cao mang tên tam giác mạch lại làm say lòng lữ khách.

Tin nên đọc

6 địa điểm săn hoa tam giác mạch lý tưởng nhất tại Hà Giang

Chùm ảnh ấn tượng về vẻ đẹp hoa Tam giác mạch Hà Giang

8 món đặc sản Hà Giang nhất định phải thử một lần

VNPT phủ sóng wifi miễn phí tại Hà Giang

Hằng năm, cứ mỗi độ cuối thu, khắp cáo rẻo cao vùng núi phía Bắc lại tràn ngập sắc tím sắc hồng của loài hoa tam giác mạch.

Hoa mang vẻ đẹp dân dã, mọc trải dài thành cánh đồng, chênh vênh trên những mỏm đá, thấp thoáng sau những ngôi nhà trình tường xưa cũ hoặc e ấp cuộn mình bên những cung đường quốc lộ.

Hoa tam giác mạch nở rộ vào dịp cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Hoa tam giác mạch nở rộ vào dịp cuối tháng 10, đầu tháng 11.

Tam giác mạch - một loài hoa mong manh và kiêu sa đã tôn lên vẻ đẹp đầy sức sống, can trường của thiên nhiên vùng cao nguyên đá. Hoa được trồng nhiều ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, như Cao Bằng, Thái Nguyên, Lào Cai song Hà Giang mới chính là "thủ phủ" của loài hoa này.

Vài năm trở lại đây, tam giác mạch không chỉ tồn tại dưới dạng lương thực, mà nó đã được nâng tầm để trở thành một sản vật dùng để thưởng ngoạn.

Nếu ngày trước, tam giác mạch chỉ là loài cây hoang dại thì giờ đây nó được gieo trồng một cách chỉn chu và có hẳn một lễ hội (lễ hội hoa tam giác mạch) để tôn vinh nó. Vậy, lý do gì mà loài cây này lại được ưu ái đến vậy và cái tên hoa tam giác mạch được bắt nguồn từ đâu?

Lúc mới nở hoa có màu trắng, sau đó phớt hồng rồi chuyển sang đỏ đậm.

Chuyện kể rằng nàng Tiên Gạo và nàng Tiên Ngô được Ngọc Hoàng giao cho trọng trách đi gieo hạt ngô, hạt lúa dưới hạ giới, đến khi đã gieo xong vẫn còn sót lại mày trấu, mày ngô chẳng biết làm gì bèn đổ vào khe núi. Cây ngô, cây lúa cứ lớn dân lên và cho hạt.

Người người lấy hạt về để ăn. Nhưng đến khi hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà vụ sau vẫn chưa tới, cái đói về u ám khắp các bản làng, chiều đã buông dài nơi núi rừng mà chẳng thấy ai nhóm bếp thổi cơm.

Một hôm mọi người trong bản họp nhau lại rồi chia nhau đi khắp núi rừng để tìm cái ăn. Đã nhiều ngày trôi qua, mọi người đã đi đến rất nhiều nơi, đến hang cùng góc núi để tìm kiếm thức ăn mà vẫn chưa thấy gì có thể làm no cái bụng.

Loài hoa đẹp hoang dại, không hương sắc, sớm nở và chóng tàn.

Bỗng một hôm, thoảng bay trong gió mùi hương là lạ, mà từ trước đến nay chưa ai ngửi được. Mọi người lần theo mùi hương và tìm đến khe núi, tất cả mọi người đều ngỡ ngàng bởi trước mắt là một rừng hoa li ti màu hồng nhạt trải dài suốt từ núi bên này sang núi bên kia, nhìn kỹ mới thấy những chiếc lá có hình tam giác ẩn nấp khá kín ở dưới hoa.

Mọi người lấy hạt rồi đem về ăn thử thấy ngon không kém gì hạt ngô và hạt gạo. Cái bụng đã no và ngủ yên không lóc óc đòi ăn nữa. Khói bếp trong bản lại bay lên mỗi chiều. Vì là họ nhà lúa, được nảy lên từ mày lúa, mày ngô, nên gọi là mạch, lá lại có hình tam giác, và thế là người dân đặt tên cho nó “tam giác mạch”.

Nếu tới đây vào mùa thu, bạn không nên bỏ qua món ăn đặc biệt này. Bánh có mùi vị lạ khi mới cho lên miệng. Bánh dẻo như bánh nếp nhưng thơm vị mạch và ngọt đậm đà.

Người dân bản địa thường lấy bột của quả tam giác mạch để làm bánh hoặc dùng hạt trộn với hạt ngô để nấu rượu tạo nên hương vị khá đặc biệt như rượu đặc sản Bản Phố (Bắc Hà), Nậm Pung (Bát Xát), Mản Thẩn (Si Ma Cai)...

Nếu một lần được đặt chân lên vùng địa đầu của tổ quốc, thì những đặc sản được làm từ cây tam giác mạch sẽ là thứ bạn không thể bỏ qua. Và Hoàng Su Phì, Xí Mần, Lũng Táo, Phố Cáo, Sủng Là, Đồng Văn, Lũng Cú là những địa điểm ngắm hoa tam giác mạch lý tưởng nhất cho bạn.

Nguyễn Hồng (Ảnh dulichhagiang.com)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/kham-pha-su-tich-ve-loai-hoa-tam-giac-mach-d26691.html