Khám phá miền sông Mã: Cuộc đi săn kỳ vĩ từ thuở hồng hoang

Trên vách núi ở xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, có hình bàn tay dã thú khổng lồ in hằn vào đá, không biết tự bao giờ.

Tại sao Di tích Quốc gia đặc biệt, đang nộp hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Di sản Văn hóa Thế giới ở xã Thành Yên (huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), lại có tên là hang Con Moong? Tại sao trên vách núi đá của xã Quy Hậu (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) lại in hằn một dấu chân thú khổng lồ từ ngàn năm trước? Điều này có mối quan hệ gì với cây Chu đồng được Vua Mường đem về từ đồi Lai Li Lai Láng bên dòng sông Mã?

Vết chân hổ khổng lồ trên vách núi

Từ ngã ba Co Lương (huyện Mai Châu), nơi tỉnh Hòa Bình tiếp giáp với sông Mã, tôi đi ngược theo quốc lộ 6 chừng 50km đến khu vực ngã ba Mãn Đức (huyện Tân Lạc, xứ Mường Khến xưa). Giữa cánh đồng rộng lớn, tương đối bằng phẳng, nổi lên một cụm núi đá dựng, san sát nhau, nhọn hoắt như những bó giáo mác chọc lên trời. Một trong những vách núi đó thuộc về đất xã Quy Hậu, lồ lộ hình bàn tay dã thú khổng lồ in hằn vào đá, không biết có tự bao giờ.

Ông Đinh Long Thọ, Phó Bí thư xã Quy Hậu đang tranh thủ giờ nghỉ loay hoay bốc mấy gói thuốc gan thận gia truyền cho khách tại nhà riêng ở xóm Cộng. Bỏ dở đó, ông dẫn tôi đến chân ngọn núi đá cách nhà chừng mấy trăm bước chân. Ngọn núi không quá cao, vách núi thẳng, phía lưng chừng lõm sâu một khoảng tròn rộng như sân nhà. Trên vết lõm ấy dễ dàng mường tượng một vết chân lớn của loài thú có móng vuốt, với 5 ngón chân ngắn và cườm tay to dày. Ông Thọ bảo: “Do có vết chân đó, nên ngọn núi có tên là Tô Khán, nghĩa là “dấu vết hổ”. Nghe các cụ bảo, thời xa xưa, có con hổ khổng lồ bị săn đuổi mà mắc kẹt ở đây. Bị đàn chó săn lao vào cắn xé, nó tát một phát vào vách núi mà tạo ra dấu chân ấy, còn con chó bắn vào núi tạo ra cửa hang nhỏ ngay bên cạnh vết chân. Ngọn núi này có liên quan đến mo Mường, chắc anh phải đi hỏi các thầy mo trong Mường Bi, Mường Lồ, may ra các thầy nắm rõ”.

Một góc hang Con Moong.

Danh tiếng thuộc hàng bậc nhất xứ Mường, có thể diễn xướng thâu đêm suốt sáng cả tuần với gần 10 ngàn câu mo Mường “Đẻ đất đẻ nước”, từng đem “chuông” đến tận Thụy Điển biểu diễn, là thầy mo Bùi Văn Lựng, ở xã Phong Phú (Tân Lạc). Đây vốn là trung tâm của Mường Bi cổ xưa, đứng đầu bốn mường lớn của tỉnh Hòa Bình. Thầy mo Lựng đang phải cai rượu, người hơi mệt, nhưng nói chuyện về mo Mường thì ông hoạt bát, nhanh nhẹn hẳn lên: “Mường Khến là nơi con Moong Lồ bị nhà lang săn đuổi, rồi tiêu diệt ngay chính chỗ núi Tô Khán ấy. Trong cơn điên cuồng chống trả, nó có tát vào vách núi mà tạo nên vết chân khổng lồ. Dấu vết của con Moong Lồ còn rất nhiều dọc các mường cổ xưa của Hòa Bình, trên tuyến quốc lộ 6, quốc lộ 12B, như nơi nó uống nước, nơi nó nằm nghỉ... vẫn còn vết tích”.

Rồi ông sang sảng đọc những đoạn mo Mường kể chuyện đi săn con Moong của người xưa. Một cuộc đi săn kỳ vĩ với lượng người tham gia và đàn chó săn lớn chưa từng có, để bắt một con thú khổng lồ. Bị tất cả dân Mường dồn đuổi, con Moong chạy đến đất Mường Khến này. Khi đi qua khe núi, cơ thể nó quá to lớn nên bị mắc kẹt lại giữa hai dãy núi đá, như kiểu lươn chui vào ống tre. Dân Mường thừa cơ phóng lao bắn tên mà giết nó. Những mảnh da của nó được người Kinh, người Thái... đem về, học theo mà tạo ra nghề thêu váy, dệt vải. Công lao trong cuộc săn Moong lớn nhất thuộc về Mường Bi, Mường Vang rồi đến Mường Thàng, Mường Động, nên xứ Mường Ngoài có câu “Bi Vang Thàng Động” là kể công lao vị thế của mình trong cuộc đi săn ấy.

Dấu tích của con Moong Lồ để lại

Trở lại câu chuyện trong sử thi “Đẻ đất đẻ nước”. Đoàn người rầm rộ đưa cây Chu đồng về Kẻ Chợ, xây nhà lang nguy nga để khoe sự giàu sang phồn thịnh. Khi khánh thành, nhà lang bày bữa tiệc mừng nhà mới thật sang trọng, nườm nượp khách ra vào say sưa.

Nhưng hai đứa con mồ côi của chàng thợ săn Tặm Tạch lại bị nhà lang đối xử tàn tệ. Lang coi chúng như những con chó hoang, bắt hầu hạ vất vả, quẳng cho miếng xương nào thì được nhặt lấy. Chúng kêu xin thì lại thẳng tay đánh đòn. Trong khi đó, cha chúng là người có công tìm thấy cây Chu, rồi chịu mất mạng để lấy máu bôi vào rìu, dóc xương làm thanh đà để chuyển cây Chu về Kẻ Chợ. Căm hận quá, đám con của Tặm Tạch bèn buộc lửa vào đuôi mèo, đuôi khỉ, xua chúng lên mái nhà, làm cháy rụi ngôi nhà lang. Nhà lang nổi giận giết thằng Tặm, thằng Tạch. Hồn thiêng của chúng biến thành con Moong Lồ.

Moong Lồ ngày càng to lớn, hung dữ, tàn phá khủng khiếp, bắt người ở khắp các mường về ăn thịt. Nhà lang buộc phải kêu gọi tất cả các mường đem chó săn, cung nỏ về săn Moong. Người đông thế mạnh, con Moong chống không nổi, buộc phải chạy dài từ trong đất Thanh Hóa qua khắp các Mường. Không biết người săn phải đuổi bao nhiêu ngày, con thú phải chạy bao vạn sải, rồi bị dồn về vùng Mường Khến (Hòa Bình). Nơi nó tuyệt vọng bỏ xác chính là hai hẻm núi lớn hiện nay, mà quốc lộ 6 đang chạy qua. Dấu chân trên vách núi Tô Khán ở xóm Cộng (xã Quy Hậu) chính là những nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng của Moong Lồ.

Câu chuyện “Đẻ đất đẻ nước” mà thầy mo Bùi Văn Lựng ở Mường Bi đang kể trong mỗi đêm mo, là bản của Mường Ngoài với chuyện săn Moong rất chi tiết, đầy đủ. Dấu tích của con Moong (còn có tên gọi khác là Tìn Vìn Tượng Vượng) hiện nay vẫn còn rất đậm nét trên xứ Mường Hòa Bình và vùng thượng du sông Mã.

(Còn tiếp)

Lê Quân

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/kham-pha-mien-song-ma-cuoc-di-san-ky-vi-tu-thuo-hong-hoang-a321679.html