Khám phá 'công viên' lợn vùng biên

TP - Nằm cách biên giới Campuchia 6km, với quy mô hơn 50 ha như một công viên cây xanh thu nhỏ, trại Lộc Phát là một trong những trại chăn nuôi lớn, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Nơi đây được coi là “resort farm” dành cho lợn chứ không còn là một trại chăn nuôi thông thường.

Mỗi cá thể lợn được lập trình chăm sóc riêng với bảng theo dõi hàng ngày.

Quy trình khép kín

Hiếm có trại lợn nào mà cây xanh rợp bóng như trại Lộc Phát. Các hàng cây thẳng tắp được cắt tỉa kỹ càng chạy dài trên những lối đi vào trại. Nói đến trại lợn nhiều người nghĩ ngay đến mùi nồng nặc của lợn, phân, nước thải, nhưng bước vào trại Lộc Phát, chúng tôi chỉ thấy một không gian xanh mướt.

Qua quy trình khử trùng, tắm sạch sẽ, thay quần áo chuyên dụng của trại, chúng tôi được kỹ sư Ngô Hồng Kiệt, Trưởng phòng Kỹ thuật dẫn đi tham quan. Theo ông Kiệt, trại Lộc Phát (Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) nằm ở xã Lộc Hòa (Lộc Ninh, Bình Phước) có hai khu trại hoạt động độc lập gồm Lộc Ninh 1 nuôi lợn nái sinh sản (2.400 con) và Lộc Ninh 2 nuôi heo hậu bị (12.000 con).

Với tổng diện tích hơn 50 ha đất, nhưng hai khu trại chỉ được xây dựng trên 12ha, còn lại là cây xanh, đường nội bộ. “Các giống lợn ở đây đều là các giống cụ kỵ được nhập từ nước ngoài, có đội ngũ kỹ thuật chọn lọc những cá thể có đặc tính di truyền tốt nhất tạo ra những con heo đực, heo cái tốt nhất cho thị trường và làm giống cho những trang trại khác”, ông Kiệt giới thiệu. Cụ thể, theo ông Kiệt, heo được nhập từ Thái Lan về Việt Nam theo cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh). Cty sẽ cho lai tạo với nhau để cấp giống ông bà, cấp giống bố mẹ cho các trại chăn nuôi trên toàn quốc. Ngoài việc chú trọng về tăng năng suất, tăng khả năng sinh sản thì Cty cũng chú ý đến chất lượng thịt, tạo lượng mỡ ít trong thịt heo…

Được biết, với heo sinh sản ở trại Lộc Ninh 1, trước khi được nhập đàn, heo phải ở trại cách ly. Lúc này, heo khoảng 5 - 6 tháng tuổi, trọng lượng mỗi cá thể từ 100 - 150kg. Trong 60 ngày cách ly sẽ tiêm một số vắc - xin trị bệnh truyền nhiễm. Khi cách ly xong sẽ tiến hành phối giống. Heo nuôi con trong vòng 21 ngày sẽ cai sữa, tách heo mẹ và heo con. Heo mẹ được chuyển về khu lái khô, khoảng 5 - 7 ngày sau sẽ được phối giống trở lại. Những con nào không phối lại được sẽ bị loại thải theo hình thức bán thịt. Với heo con cai sữa sẽ được chuyển qua trại Lộc Ninh 2 nuôi trong vòng 22 tuần tuổi. Tại đây, bộ phận giống sẽ lựa chọn những con giống tốt nhất, con nào không đạt tiêu chuẩn về giống sẽ được bán thịt. Nếu đạt tiêu chuẩn giống, heo sẽ được chuyển làm heo cái hậu bị để tiếp tục nhập đàn lại cho trại nái sinh sản. “Đó là quy trình khép kín mà trại Lộc Ninh 1, Lộc Ninh 2 thực hiện”, ông Kiệt nói.

Tự động, không có dịch bệnh

Do chủ yếu được tự động hóa nên nhân sự cũng ít. Hai trại heo với hàng chục nghìn con nhưng chỉ có vỏn vẹn hơn 60 kỹ sư, công nhân. Theo đó, trại Lộc Ninh 1 có khoảng 35 người, Lộc Ninh 2 có 28 người. “Cty đầu tư hệ thống tự động hóa trong chăn nuôi như hệ thống tự động kiểm soát nhiệt độ, kiểm soát nước tự động và hệ thống cho ăn tự động. Cám được xe chuyên dụng vận chuyển về trại, được lập trình sẵn theo tiêu chuẩn của từng cá thể, từng giai đoạn phát triển của heo. Từ đây, cám sẽ được chuyển tự động tới từng máng ăn, từng chuồng. Lập trình sẵn theo từng giai đoạn phát triển của heo”, TS Kiều Minh Lực, Phó tổng Giám đốc Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam.

“Gần như tận dụng được tất cả mọi thứ, quy trình khép kín, hỗ trợ, bổ sung cho nhau. Vấn đề môi trường và an toàn dịch bệnh được quan tâm đặc biệt nên gọi đây là một công viên lợn cũng không có gì là quá cả”.

TS Kiều Minh Lực

Hiếm có trại chăn nuôi nào sạch như Lộc Phát vì có hệ thống kiểm soát dịch bệnh 100%. Theo đó, để kiểm soát được bệnh tai xanh, tất cả heo cái hậu bị, nhập đàn lại trại sinh sản đều được lấy máu kiểm tra 100%. Trong quá trình hoạt động, chăn nuôi, định kỳ 4 tháng một lần sẽ lấy máu kiểm tra. Trong trại Lộc Ninh 1, có các khu mang thai, khu nái đẻ quy mô lớn, hoạt động theo nguyên tắc cùng vào, cùng ra một đợt.

“Khu mang thai có 4 nhà, mỗi một nhà 540 con. Khu nái đẻ có 6 nhà, mỗi nhà 120 con. Tất cả sẽ cùng vào, cùng ra một đợt. Ở khu mang thai và khu nái đẻ, mỗi cá thể đều có ô riêng biệt, chế độ ăn cũng riêng biệt với từng cá thể”, ông Kiệt nói.

Ở trại Lộc Ninh 2 nuôi heo hậu bị theo 2 giai đoạn. Heo con sau khi tách mẹ sẽ chuyển qua cai sữa khoảng 8 tuần. Sau đó, heo sẽ chuyển sang giai đoạn nuôi hậu bị khoảng 12 tuần trước khi được chọn giống và xuất ra bên ngoài. Theo ông Kiệt, khu xuất bán có 2 nhà, một chỗ chuyển heo giống, một chỗ chuyển heo thịt. Mục đích chính là phòng dịch. Các xe từ bên ngoài vào phải dừng ở vị trí quy định. Xe trung chuyển từ trại sẽ mang heo ra vị trí đó để tránh tiếp xúc, cách ly với dịch bệnh từ bên ngoài.

Để bảo vệ môi trường và tiết kiệm, trại cũng xây dựng hệ thống biogas. Theo đó, tất cả nước thải của khu tái sinh sản và hậu bị sẽ tập trung về hai túi khí, sau thời gian ủ, nước sẽ ra hồ còn khí sẽ dẫn về nhà máy phát điện. Lượng nước qua 4 hồ sẽ dùng để tưới cây công nghiệp trong khuôn viên như cao su, điều, tiêu. Vấn đề nước ngọt của trại cũng rất khó khăn, nên sau khi xử lý bằng hóa chất, một lượng nước này sẽ được tận dụng lại để vệ sinh chuồng. Trại cũng đầu tư một máy phát điện để tận dụng nguồn khí sinh học tiết kiệm được lượng điện tiêu thụ từ 30 – 35%. Ngoài ra, trại có nuôi cá sấu, khoảng 5.000 con để giải quyết những phụ phẩm.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/kham-pha-cong-vien-lon-vung-bien-1038051.tpo