Khám phá công dụng của đinh lăng

Đinh lăng là một cây trồng quen thuộc trong đời sống. Hầu như mọi bộ phận của cây đinh lăng đều có ứng dụng y học.

Rễ làm thuốc bổ, lợi tiểu, cơ thể suy nhược gầy yếu. Lá chữa cảm sốt, giã nát đắp chữa mụn nhọt, sưng tấy. Thân và cành chữa tê thấp, đau lưng.

Bên cạnh tác dụng bồi bổ cơ thể, lá cây đinh lăng còn có rất nhiều tác dụng như an thần, làm tăng tác dụng của thuốc chống sốt rét, chữa ho, thông tiểu và chữa kiết lỵ, giúp vết thương mau lành. Trên thực tế, có nhiều loại đinh lăng, nhưng không phải loại đinh lăng nào cũng dùng làm thuốc được. Lá đinh lăng có thể nấu nước uống chữa bệnh tốt nhất là loại cây lá nhỏ, sống nhiều năm, cao từ 0,8-1,5m, thân nhẵn không có gai và phân nhánh nhiều, lá kép 3 lần xẻ lông chim, dài 20-40cm, loại cây này ở một số nơi còn gọi là cây gỏi cá.

Đối với lá đinh lăng tươi, lấy từ 150-200g nấu sôi khoảng 200 ml nước, rồi cho tất cả lá vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5-7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200 ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai. Bài thuốc này bồi bổ cơ thể và ngừa dị ứng rất tốt.

Còn đối với lá đinh lăng đã được phơi khô 10gr, sắc chung với 200ml nước, uống trong ngày để chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ. Lá đinh lăng phơi khô khi nấu lên có mùi thơm đặc trưng, dân gian gọi nôm na là mùi “thuốc bắc”. Lá tươi không có mùi thơm này, tuy nhiên dùng lá tươi rất thuận tiện vì không phải dự trữ, không tốn thời gian nấu lâu, lượng nước ít, người bệnh dễ uống nhưng vẫn đảm bảo được lượng hoạt chất cần thiết.

Chữa mệt mỏi: Lấy rễ cây đinh lăng sắc uống có tác dụng làm tăng sức dẻo dai của cơ thể.

Chữa ho lâu ngày: Rễ đinh lăng, bách bộ, đậu săn, rễ cây dâu, nghệ vàng, rau tần dày lá tất cả đều 8g, củ xương bồ 6g; Gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.

Chữa sưng đau cơ khớp, vết thương: Lấy 40gam lá tươi giã nhuyễn, đắp vết thương hay chỗ sưng đau.

Phòng co giật ở trẻ: Lấy lá đinh lăng non, lá già cùng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm.

Chữa đau lưng mỏi gối (chữa cả tê thấp): Dùng thân cành đinh lăng 20 – 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.

Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ, lá đinh lăng có tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa tắc tia sữa hiệu quả. Rễ cây đinh lăng 30-40g. Thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng.

Chữa viêm gan: Rễ đinh lăng 12g; nhân trần 20g; ý dĩ 16g; chi tử, hoài sơn, biển đậu, rễ cỏ tranh, xa tiền tử, ngũ gia bì, mỗi vị 12g; uất kim, nghệ, ngưu tất, mỗi vị 8g. Sắc uống ngày 1 thang.

Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, hà thủ ô, thục địa, hoàng tinh, mỗi vị 100g, tam thất 20g, tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp.

Lưu ý: Do thành phần saponin có nhiều trong rễ đinh lăng, chất này có tính phá huyết sẽ làm vỡ hồng cầu vì vậy chỉ dùng khi cần thiết và phải dùng đúng liều đúng cách. Càng không được dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy. Đặc biệt, khi sử dụng rễ đinh lăng phải dùng những cây đã có từ 3 – 5 tuổi trở lên.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/kham-pha-cong-dung-cua-dinh-lang-post178648.html