Khám chữa bệnh theo yêu cầu sẽ hết thời 'thổi' giá?

Khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phù hợp với sự phát triển của bệnh viện (BV), hướng tới tự chủ tài chính. Tuy nhiên, quy mô và mức giá như thế nào để vừa làm hài lòng người bệnh, vừa giúp BV có nguồn tái đầu tư, thì vẫn chưa có sự thống nhất.

Bộ Y tế sẽ "siết" giá dịch vụ KCB theo yêu cầu tại các BV công lập. Ảnh: VGP/Thúy Hà

Mấy ngày gần đây, thông tin về mức giá KCB theo yêu cầu tại BV Nhi Trung ương đang khiến dư luận “giật mình”. Các mức giá KCB dịch vụ tại BV này được cho là cao nhất cả nước trong các BV công hiện nay, trong đó có mức khám chuyên khoa lên đến 680.000 đồng/lượt khám. Tỉ lệ giường dịch vụ của BV chiếm 20-25% tổng số giường thực kê (khoảng 400 giường) với mức phí 1.350.000 đồng cho phòng 2 giường.

Giám đốc BV Nhi Trung ương Lê Thanh Hải cho biết, giá dịch vụ theo yêu cầu được áp dụng tại BV đều được báo cáo thu chi với Bộ Y tế. Các mức giá này đã tính cả tiền lương và một phần lãi. Với mức phí này, BV thu mới đủ bù chi và có tích lũy để tái đầu tư, đồng thời dành một phần làm quỹ chi trả cho bệnh nhân nghèo (khoảng 10 tỷ đồng mỗi năm).

Cũng giống như BV Nhi Trung ương, hiện nay tất cả các BV công lập trên cả nước vẫn đang tự quyết giá dịch vụ KCB theo yêu cầu, vì đến nay vẫn chưa có quy định nào về mức giá và quy mô giường thực kê dành cho dịch vụ này.

Trước đó, từ năm 2014, Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư về hoạt động của đơn vị dịch vụ, KCB theo yêu cầu tại các BV công, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo thông tư này và dự kiến áp dụng vào tháng 10 tới.

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), khi dự thảo này chính thức được áp dụng sẽ thống nhất giá và các dịch vụ KCB theo yêu cầu tại các BV công, tránh tình trạng mỗi nơi một giá, hoặc điều kiện vật chất, dịch vụ chưa tương xứng với giá mà BV tự quy định như hiện nay.

KCB theo yêu cầu được mở ra nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, đồng thời phù hợp với sự phát triển của bệnh viện (BV), hướng tới tự chủ tài chính. Ảnh: VGP/Thúy Hà

BV công không thể tự ý định giá

Cũng theo dự thảo này, Bộ Y tế sẽ quy định mức giá của dịch vụ KCB theo yêu cầu tại Hà Nội và TPHCM thu tối đa 200.000 đồng/lần và giá giường bệnh cao nhất 2,4 triệu đồng/ngày/phòng một giường, thấp nhất là 600.000 đồng/ngày/phòng 4 giường.

Tại Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, giá khám tối đa 150.000 đồng/lần, giá ngày/giường cao nhất là 1,8 triệu đồng, thấp nhất 450.000 đồng. Với các địa phương còn lại, giá tối đa 100.000 đồng/lần khám và giá giường/ngày cao nhất là 1,2 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng.

Như vậy, khi thông tư này được áp dụng, giá dịch vụ KCB theo yêu cầu tại BV công lập sẽ có mức trần.

Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, các dịch vụ KCB theo yêu cầu rất cần thiết đối với sự phát triển của BV, hướng tới tự chủ tài chính.

Hiện nay, có một bộ phận người dân sẵn sàng chi trả các dịch vụ y tế giá cao để được phục vụ và điều trị tốt nhất, thay vì phải đi ra nước ngoài chữa bệnh. Điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, máy móc của nhiều BV ở Việt Nam cũng tương đương với các nước trên thế giới. Vì vậy, theo ông Hiền, nếu Bộ Y tế quy định giá trần thì BV sẽ không thể đầu tư thích đáng để làm hài lòng người bệnh sẵn sàng chi trả giá cao.

“Nếu Bộ Y tế quy định giá trần các dịch vụ KCB theo yêu cầu thì nên tương đương với giá dịch vụ của các nước trong khu vực. Như vậy, BV mới có đủ điều kiện để đầu tư, giữ được bệnh nhân điều trị trong nước mà không phải ra nước ngoài”, ông Hiền đề xuất.

Một lãnh đạo BV Hà Nội cũng cho rằng, khám tự nguyện là theo kiểu “thuận mua vừa bán”, thì Bộ Y tế không nên quy định mức trần. Có trường hợp, người bệnh đòi hỏi phòng bệnh được thay hoa tươi mỗi ngày... mà chỉ thu theo giá trần thì không thể đáp ứng.

Trước các ý kiến trên, ông Nguyễn Nam Liên phản bác: Đã là BV công thì không thể muốn định giá thế nào cũng được, bắt buộc phải có các quy định chung về điều kiện và giá KCB theo yêu cầu, không thể “thả nổi” như hiện nay, khiến bệnh nhân là đối tượng chịu thiệt.

Đại diện Bộ Y tế cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục tiếp thu ý kiến từ các BV và sẽ đưa ra các mức giá sát với tình hình thực tế, phù hợp với điều kiện các BV công lập hiện nay. Mặt khác, các BV cũng có thể xây dựng các gói dịch vụ khác nhau để đề xuất với Bộ Y tế. Nếu tính toán thấy giá cả hợp lý, điều kiện tương xứng, Bộ sẽ xét duyệt.

Theo dự thảo thông tư về hoạt động của đơn vị dịch vụ, KCB theo yêu cầu tại các BV công, trường hợp xây mới cơ sở hạ tầng KCB theo yêu cầu trên đất của đơn vị đã được giao sử dụng thì phải phù hợp với quy hoạch phát triển tổng thể của đơn vị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng để thực hiện các dịch vụ kỹ thuật y tế.

Trường hợp không xây dựng mới cơ sở hạ tầng để KCB theo yêu cầu: Đơn vị chỉ được sử dụng một phần cơ sở hạ tầng hiện có hoặc đã cải tạo, mở rộng để tổ chức dịch vụ KCB theo yêu cầu khi đáp ứng các điều kiện sau:

Đã bảo đảm số buồng khám cho người không sử dụng dịch vụ KCB theo yêu cầu để mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 50 người bệnh/ngày làm việc, từ năm 2020 trở đi mỗi bác sĩ khám bệnh không quá 35 người bệnh/ngày làm việc;

Đã bảo đảm số giường bệnh cho người không sử dụng dịch vụ phòng điều trị theo yêu cầu, không để người bệnh nằm ghép. Trường hợp đơn vị đã kê thêm giường bệnh nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu KCB của người có thẻ bảo hiểm y tế, vẫn luôn có trên 10% số giường bệnh trở lên phải nằm ghép 2 người/giường thì không được tổ chức các buồng bệnh theo yêu cầu tại các khoa điều trị hiện có.

Thúy Hà

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/suc-khoe/kham-chua-benh-theo-yeu-cau-se-het-thoi-thoi-gia/288939.vgp