Khai thác thế mạnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Tuy có nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc được quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả, nhưng đời sống đồng bào các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 21%. Đây cũng là tỉnh có hơn 73% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó dân tộc Mường chiếm hơn 63%.

Chính sách vào cuộc sống

Hòa Bình có 92 xã đặc biệt khó khăn, xã ATK và 117 thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của Chương trình 135 trong năm 2016. Chương trình này dành hơn 142 tỷ đồng cho các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn đầu tư cơ sở hạ tầng như công trình giao thông, điện, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, hỗ trợ phát triển sản xuất...

Thực hiện Dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc chương trình này, Ban Dân tộc tỉnh giao Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ vùng dân tộc triển khai mở 16 lớp tập huấn cho đối tượng là người có uy tín trong đồng bào DTTS và cán bộ cơ sở thực hiện ở các xã, xóm vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg cũng đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho gần 4.300 hộ, hỗ trợ mua sắm máy móc nông cụ cho hơn 1.500 hộ.

Với sự hỗ trợ của chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS, hàng nghìn hộ dân mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, chọn lựa mô hình sản xuất, kỹ thuật nuôi trồng, từ xuất phát điểm là hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, sản xuất đúng hướng và bền vững tạo thu nhập ổn định, vươn lên trở thành hộ khá và giàu.

Những năm gần đây, thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc diện hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hòa Bình đã hỗ trợ bằng tiền mặt, hiện vật cho hơn một triệu lượt người dân thuộc diện hộ nghèo, với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng. Các hộ nghèo có thể lựa chọn hình thức hỗ trợ bằng giống cây trồng, vật nuôi; phân bón hóa học hoặc muối i-ốt. Tuy nhiên, định mức hỗ trợ cho các hộ nghèo còn rất thấp so với mặt bằng giá thị trường hiện nay, cho nên dẫn đến việc đầu tư sản xuất nhỏ lẻ, manh mún.

Ban Dân tộc tỉnh đã chủ động đưa ra một số giải pháp như huy động mọi nguồn lực, lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn để phát huy hiệu quả đầu tư đồng bộ từ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào vùng DTTS; đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm bố trí nguồn vốn để thực hiện một số dự án trọng điểm, đặc thù như: Dự án phát triển kinh tế - xã hội tại hai xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông); dự án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản khó khăn nhất tỉnh...

Trong chương trình làm việc với tỉnh Hòa Bình về phát triển kinh tế - xã hội, và thực hiện chính sách dân tộc, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT, đánh giá cao việc chú trọng công tác chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng và khai thác tiềm năng thế mạnh tại địa phương, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa; tỉnh cần tìm hướng đi, cách làm mới, thu hút đầu tư vào phát triển dịch vụ du lịch, tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế - xã hội cho các thôn, xã vùng sâu, vùng xa... Ngoài ra, tỉnh cần có những chính sách đặc thù bảo tồn, giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, trong đó phải kể đến Mo Mường, hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường…

NGUYỄN VĂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32891202-khai-thac-the-manh-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.html