Khai thác nước ngầm phải nộp thuế

(PL)- Tài nguyên thì có hạn, nếu không điều tiết bằng chính sách thuế, con cháu chúng ta sẽ lãnh đủ.

Sáng 21-10, Quốc hội đã cho thảo luận ở tổ về dự án Luật Thuế tài nguyên. Khung thuế quá rộng Theo dự án, phần lớn các nhóm, loại tài nguyên có khung thuế suất từ 5% đến 25%, 4%-20%... Cá biệt, nhóm khí thiên nhiên-khí than có khung thuế suất 1%-30%, dầu thô 6%-40%. Cũng theo dự án, Quốc hội chỉ quy định khung thuế suất đối với các nhóm, loại tài nguyên; Chính phủ sẽ quy định chi tiết các mức thuế suất cụ thể của từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ. Phần lớn đại biểu cho rằng quy định như vậy “rất không ổn” vì mở rộng khung thuế suất sẽ tạo sự linh hoạt song lại không bảo đảm tính chặt chẽ, không công bằng, tạo chênh lệch lớn trong cùng một nhóm hàng, giữa các thời điểm khác nhau. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên dẫn chứng: Thuế suất nhóm tài nguyên sắt và mangan, titan, Quốc hội quy định khung 5%-20% nhưng trong dự thảo nghị định quy định là 7%. Nhìn vào thấy mâu thuẫn. Độ giãn quá lớn. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) nói: Quốc hội cần làm hết trách nhiệm lập pháp, không nên giao cho Chính phủ quy định mức thuế suất cụ thể. Nhà đầu tư sẽ không an tâm nếu biểu thuế cứ thay đổi một cách tùy tiện. Đại biểu Trần Du Lịch đồng tình với quan điểm này. Đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho rằng nên giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức thuế suất cụ thể với từng loại tài nguyên, tránh tình trạng Chính phủ “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Duy có đại biểu Huỳnh Thành Đạt tỏ ý đồng tình với quy định của dự án. Ông cho rằng Chính phủ sẽ hết sức cân nhắc khi điều chỉnh mức thuế suất, tránh ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư. “Vì nhà đầu tư vào nhiều hay ít cũng thuộc trách nhiệm của Chính phủ” - ông nói. Xem lại chuyện xài nước ngầm “Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ Việt Nam là nước thừa nước, dồi dào về nước, nước là của trời cho nên gần như cho không. Sắp tới, khi biến đổi khí hậu, đặc biệt khi các nước ở thượng lưu các sông sử dụng nhiều thì Việt Nam sẽ lâm vào tình cảnh thiếu nước” - Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cảnh báo. Theo ông Nguyên: “Thiếu thì phải tiết kiệm, muốn tiết kiệm thì phải dùng cơ chế thuế để điều tiết, chứ kêu gọi, rồi thực hiện phong trào không giải quyết được vấn đề”. Ông dẫn số liệu: Ở Pháp thu cho ngân sách từ nước khoảng 10%, EU khoảng 7%... Đại biểu Nguyễn Việt Dũng dẫn chứng tại TP.HCM, việc khai thác và sử dụng nước ngầm khá phổ biến. “Nếu không có biện pháp kiểm soát và điều tiết bằng thuế có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm nước sạch trong tương lai”. Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng không đồng tình đưa nước ngầm vào đối tượng chịu thuế. Ông nói: “Trong điều kiện nhà nước, doanh nghiệp chưa cung ứng đủ nước sạch cho người dân thì việc khuyến khích người dân sử dụng nguồn nước ngầm là cần thiết”. Nghe ông Trừng phát biểu, bà Trương Thị Ánh dẫn một điều trong dự luật: “Nhà nước sẽ miễn thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên khai thác từ giếng đào, giếng khoan phục vụ sinh hoạt; miễn thuế đối với nước thiên nhiên dùng vào sản xuất thủy điện của hộ gia đình, cá nhân tự sản xuất phục vụ sinh hoạt”. Ông Phạm Khôi Nguyên cho rằng chuyện này cần tính lại vì ông cho biết: Nhiều hộ gia đình, cá nhân lấy nước ngầm, đặc biệt là nước nóng, nước khoáng để kinh doanh, khai thác làm nơi tắm khoáng, chữa bệnh, có cần phải miễn cho họ không. “Tiết kiệm tài nguyên cho con cháu” Thời gian qua có tình trạng thất thoát thu thuế từ tài nguyên, trong đó có tài nguyên khoáng sản. Ở góc độ quản lý tài nguyên, tôi tán thành việc khai thác, chế biến trong nước nhưng phải tiết kiệm tài nguyên cho con cháu sau này. Ví dụ việc xin giấp phép khai thác mỏ, trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp “tay không bắt giặc”, năng lực không có nhưng do địa phương phân cấp nên họ xin phép rất dễ. Họ cấp bốn ngàn giấy phép trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 4-5 năm cấp có hơn 100 giấy. (Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên)

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=274992