Khai thác cát “giết” dần những dòng sông miền Tây

Liên quan đến tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra trong thời gian gần đây, một số chuyên gia lên tiếng cảnh báo, nếu việc khai thác cát vẫn cứ tiếp diễn như hiện nay, thì sạt lở sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn...

Một đoạn sạt lở sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Trung Chánh

Báo cáo của Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ sạt lở với tổng diện tích đất sạt lở là 5.924m2.

Cụ thể, tại huyện Hồng Ngự, đã xảy ra 5 vụ sạt lở ở xã Long Thuận và Phú Thuận A với chiều dài 176 mét, sâu vào bờ 10-20 mét, diện tích đất bị sạt lở là 2.320 m2; tại huyện Thanh Bình đã xảy ra 4 vụ sạt lở đặc biệt nghiêm trọng với chiều dài 210 mét, diện tích đất bị sạt lở là 3.250 m2; thị xã Hồng Ngự xảy ra 2 vụ tại xã An Bình A và Bình Thạnh với chiều dài 52,5 mét, sâu vào bờ 2-3 mét, diện tích đất bị sạt lở 138 m2; tại huyện Cao Lãnh, từ đầu năm đến nay cũng có 2 vụ sạt lở...

Khảo sát của Ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu - phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp còn cho biết từ điểm tiếp giáp được đầu tư xây dựng bờ kè thuộc xã Bình Thành, huyện Thanh Bình đến vàm kênh Nguyễn Văn Tiếp, có chiều dài 2,3 km với 851 nhân khẩu nằm trong vành đai sạt lở, trong đó có 108 hộ dân cần di dời khẩn cấp trong cự ly lớn nhất đến 25 mét. “Sạt lở khu vực ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình chỉ còn cách quốc lộ 30 từ 15 đến 25 mét và sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ đe dọa đến quốc lộ 30”, báo cáo nêu trên cho biết.

Tại An Giang, tình trạng sạt lở nghiêm trọng cũng đã diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh kể từ đầu năm 2017 đến nay. Đặc biệt, là vụ sạt lở một đoạn sông Vàm Nao tại huyện Chợ Mới đã nhấn chìm hàng chục ngôi nhà hồi tháng 4-2017.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 406 đoạn sạt lở với tổng chiều dài 891 km. Trong đó, có 393 đoạn bờ sông với tổng chiều dài 583 km và 13 đoạn bờ biển cũng bị sạt lở với tổng chiều dài trên 300 km.

Trao đổi với TBKTSG Online liên quan đến những vụ sạt lở nghiêm trọng thời gian qua, đặc biệt là sau sự cố sạt lở một đoạn sông Vàm Nao, ông Lê Anh Tuấn của Đại học Cần Thơ, cho biết tình trạng sạt lở ngay trong mùa khô (như thời gian qua) cũng không phải lạ trên sông Mêkông, nhất là ở tỉnh An Giang, khu vực đầu nguồn, có dòng chảy phức tạp. “Mùa khô làm cho đất nứt nẻ nhiều, trong khi đó, mực nước sông xuống thấp, nhưng chảy rất mạnh, rồi tình trạng khai thác cát cũng gây ảnh hưởng lớn”, ông giải thích.

Theo ông Tuấn, đoạn đường từ Long Xuyên đến Châu Đốc cũng có rất nhiều đoạn sạt lở tương tự như ở Vàm Nao. “Đoạn sông ở Vàm Nao nước chảy mạnh hơn và trong điều điều kiện mực nước thấp cộng thêm bị khoét hàm ếch sâu vào bờ, trong khi đó các công trình ở phía trên nặng đã gây sạt lở rất nhanh”, ông Tuấn cho biết.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, chính việc khai thác cát quá nhiều khiến dòng chảy bất thường, làm sạt lở ngày càng gia tăng.

Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng với các địa phương vùng ĐBSCL ở An Giang hôm 15-5 vừa qua, một số nhà chuyên môn đã chỉ ra và cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sạt lở như thời gian qua. Trong đó, có việc xây dựng các hồ chứa ở thượng nguồn sông Mêkông và việc khai thác cát ở lòng sông cũng như khu vực ven biển đã dẫn đến mất cân bằng bùn cát, gây sạt lở.

Thực tế, báo cáo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, cho thấy năm 2013, tổng lượng bùn cát đọng lại trên các tuyến sông vùng ĐBSCL khoảng 3 triệu m3, trong khi đó, tổng lượng cát bị khai thác lên đến 28 triệu m3.

Trao đổi với TBKTSG Online hồi tháng 8 năm ngoái, chuyên gia độc lập Nguyễn Hữu Thiện đã từng lên tiếng cảnh báo ĐBSCL có nguy cơ tan rã trong vòng 100 năm tới.

Theo ông, quá trình kiến tạo ĐBSCL mất khoảng 6.000 năm do quá trình vận chuyển phù sa từ thượng nguồn về. Tuy nhiên, do việc hình thành các đập thủy điện trên dòng chính sông Mêkông khiến lượng phù sa chảy về ĐBSCL sụt giảm. Theo đó, quá trình phù sa bối lắng không “thắng” nổi năng lượng của sóng biển khiến ĐBSCL có nguy cơ biến mất.

Một nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore về đập thủy điện Mạn Loan (Manwan) của Trung Quốc, cho thấy lượng phù sa từ thượng nguồn sông Mêkông chảy về ĐBSCL từ sau khi đập thủy điện này hình thành đã giảm xuống chỉ còn 75 triệu tấn/năm so với khoảng 160 triệu tấn/năm trước đây.

Những kết quả nêu trên cũng khá giống với ý kiến của các chuyên gia nêu ra tại buổi làm việc hôm 15-5 ở An Giang khi cho rằng tình trạng sạt lở ở ĐBSCL là kết quả của việc các đập ở thượng nguồn sông Mêkông giữ lại một lượng lớn bùn cát.

Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng sạt lở như hiện nay, theo ông Tuấn là rất khó và cái quan trọng nhất cần làm hiện nay là phải “kiểm soát chuyện khai thác cát quá mức”; thậm chí phải ngưng hết các hoạt động khai thác cát, thì họa may mới giảm được. “Chứ làm kè chống, trong khi cát cứ bị múc lấy vô tội vạ như vậy, thì không có cách gì ngăn được chuyện sạt lở”, ông nói.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, ở những vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở nhiều, thì không nên bố trí quá nhiều các công trình, nhất thiết phải di dời dân ra khỏi vùng sạt lở và đặt biển báo để tàu bè qua lại hạn chế tốc độ. “Đồng thời, ở những đoạn sông nào bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở, thì cố gắng trồng cây càng nhiêu càng tốt để giữ đất”, ông Tuấn khuyến cáo.

Tuy nhiên, theo thừa nhận của ông, những giải pháp như nêu trên chỉ làm giảm bớt, chứ chấm dứt sạt lở hoàn toàn là điều rất khó khăn.

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/160291/khai-thac-cat-giet-dan-nhung-dong-song-mien-tay.html/