Khai mạc Đối thoại chính sách cao cấp về Du lịch bền vững

(TITC) – Sáng ngày 19/6/2017, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017 đã chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

(TITC) – Sáng ngày 19/6/2017, tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững trong khuôn khổ Năm APEC Việt Nam 2017 đã chính thức khai mạc dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện.

Tham dự Đối thoại có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long; Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard; Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh; các Bộ trưởng, trưởng đoàn và quan sát viên các nền kinh tế APEC; đại diện của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), Liên minh bảo tàng Thiên nhiên quốc tế (IUCN), Hội đồng Du lịch bền vững toàn cầu (GSTC) và các diễn giả quốc tế.

Phát biểu khai mạc Đối thoại, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh, du lịch luôn là một ưu tiên hợp tác của APEC ngay sau khi Diễn đàn này được thành lập vào năm 1989. Trong bối cảnh năm 2017 được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn là Năm quốc tế về Du lịch bền vững vì sự phát triển, Đối thoại chính sách cao cấp về du lịch bền vững là cơ hội tốt để các nền kinh tế thành viên APEC cùng nhau xác định rõ thực trạng và đề ra các hành động thiết thực, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và góp phần thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu khai mạc Đối thoại

Theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới, năm 2016 ngành Du lịch đã đóng góp 1,3 nghìn tỷ đô-la Mỹ cho GDP của khu vực APEC, tạo ra 67 triệu việc làm trực tiếp và đóng góp 6,1% vào xuất khẩu của khu vực. Đặc biệt, phát triển du lịch mang lại những hiệu quả đáng kể cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng toàn diện, giúp gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương và cải thiện phúc lợi xã hội. Theo Báo cáo của Cơ quan hỗ trợ chính sách APEC (PSU), cứ 1% tăng trưởng khách du lịch góp phần giảm 0,12% số người nghèo trong khu vực. Du lịch còn đóng góp lớn cho kinh tế khi 10% tăng trưởng khách du lịch tại APEC sẽ thúc đẩy xuất khẩu tăng 1,2% và nhập khẩu tăng 0,8% tại mỗi nền kinh tế là điểm đến du lịch. Du lịch được dự báo là một trong những ngành phát triển nhanh nhất tại khu vực, hiện đang trở thành một trong những trụ cột của nền kinh tế và đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế của các thành viên APEC. Đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực.

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư được dự báo sẽ tạo nên những thay đổi lớn đối với thế giới nói chung, ngành Du lịch nói riêng. Vấn đề cấp bách hiện nay là cần tăng cường hợp tác nhằm bảo đảm các lợi ích kinh tế, xã hội cho tất cả mọi người dân có việc làm ổn định, cơ hội thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, gìn giữ các giá trị văn hóa và tăng cường giao lưu, hiểu biết văn hóa lẫn nhau cũng như bảo vệ và quản lý các nguồn tài nguyên môi trường và đa dạng sinh học.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vui mừng thông báo với các đại biểu, ngành Du lịch Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu đón 17-20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP vào năm 2020. Bộ trưởng cho rằng, hơn bao giờ hết, hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với những thách thức chung là một yêu cầu tất yếu để bảo đảm đạt được phát triển bền vững. Bộ trưởng khẳng định cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế trong hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới với nền văn hóa-lịch sử lâu đời, độc đáo, hấp dẫn; những thắng cảnh thiên nhiên, các bãi biển đẹp hàng đầu thế giới; môi trường du lịch an toàn, thân thiện.

Đối thoại được tổ chức tại TP. Hạ Long - một điểm đến tiêu biểu của Việt Nam gắn với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Với vai trò là địa phương đăng cai tổ chức sự kiện quan trọng này, ông Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, mục tiêu của Quảng Ninh là trở thành một Trung tâm du lịch quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, thương hiệu mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc, có năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long

Trong buổi sáng, các đại biểu đã nghe phát biểu của các diễn giả quốc tế về các chủ đề: “Du lịch và chương trình nghị sự phát triển du lịch bền vững: Khuyến nghị đối với các nền kinh tế APEC”; “Phát triển du lịch bền vững: Khái niệm, nguyên tắc, điển hình và thách thức đối với Indonesia”; “Chính sách phát triển du lịch bền vững và các hoạt động hưởng ứng Năm quốc tế 2017 về Du lịch bền vững vì sự phát triển của Nhật Bản”; “Du lịch bền vững APEC trong Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”; “Chiến lược du lịch đối phó với những thách thức, trong đó có biến đổi khí hậu”; “Đóng góp của ngành Hàng không đối với các nền kinh tế và việc ứng phó với các thách thức môi trường”. Sau phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã có phiên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp APEC tại bữa trưa làm việc.

Tin: Thanh Tâm, ảnh: Truyền Phương

Nguồn TTDL: http://www.dulichvn.org.vn/index.php?category=15&itemid=35647