'Khái luận Âm nhạc học' góc nhìn lạ về âm nhạc

Cuốn sách về âm nhạc xuất hiện tại Ngày hội sách Việt Nam 2017 đã thu hút sự chú ý của nhiều độc giả, đặc biệt là giới nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc.

Cuốn sách về âm nhạc xuất hiện mới đây tại Ngày hội sách Việt Nam 2017 đã thu hút sự chú ý của nhiều độc giả, đặc biệt là giới nghệ sĩ sáng tác, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc và được nhìn nhận là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam đề cập đến tính chất khoa học của ngành “âm nhạc học”.

Chủ biên cuốn sách là Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thanh Hà, tác giả đã mang đến cho độc giả góc nhìn còn ít được đề cập đến về âm nhạc nói chung.

Chia sẻ về khái niệm “Khoa học âm nhạc”, TS Nguyễn Thanh Hà cho biết, từ nửa trước của thế kỷ thứ XVIII, người châu Âu đã rất quan tâm đến âm nhạc phương Đông. Tuy nhiên, đến giữa thế kỷ XIX, cùng với sự ra đời của tạp chí Âm nhạc học ở Đức thì “âm nhạc học” mới thực sự được xem là một ngành ng¬hiên cứu khoa học hoàn chỉnh bao gồm phạm vi, phương pháp và mục tiêu nghiên cứu.

Chủ biên cuốn sách Tiến sĩ âm nhạc Nguyễn Thanh Hà đã mang đến cho độc giả góc nhìn còn ít được đề cập đến về âm nhạc nói chung.

Cũng theo TS Hà, nhiệm vụ của “âm nhạc học” là khai thác, thu thập, bảo tồn, chỉnh lý và nghiên cứu những yếu tố liên quan đến âm nhạc, để trả lời câu hỏi “Âm nhạc là gì?”. Thứ tiếp là những hành vi âm nhạc, bao gồm các hoạt động sinh lý, thẩm mỹ, sáng tạo, biểu diễn và tiếp nhận hành vi của các dân tộc, quốc gia cũng như cá nhân trước đây và hiện nay… Âm nhạc học cần phải thông qua việc nghiên cứu những hành vi âm nhạc của bản thân con người để giải thích: “Vì sao những sản phẩm âm nhạc ra đời?”, “Vì sao âm nhạc này lại như thế này chứ không phải thế kia?”...

PGS.TS Văn Thị Minh Hương, nguyên GĐ Nhạc viện TP.HCM cho rằng, đây là cuốn sách đầu tiên đề cập đến tính chất khoa học của ngành “Âm nhạc học” – một khái niệm còn ít được đề cập đến tại Việt Nam. Với nguồn tư liệu chuyên ngành phong phú, tác giả đã chọn lọc, giới thiệu và phân tích sâu các quan điểm về định nghĩa, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, lịch sử, hiện trạng và hướng phát triển mới của các phân ngành trong ngành “Âm nhạc học”; đồng thời giới thiệu tính chất khoa học, phương pháp nghiên cứu và lịch sử phát triển của ngành Âm nhạc học trong hệ thống phân loại khoa học. Còn nhạc sĩ Dương Hồng Kông thì cho rằng đây là cuốn sách bổ ích đối với những người sáng tác hoặc quan tâm đến lĩnh vực âm nhạc.

TS âm nhạc học Nguyễn Thanh Hà đã có hơn 25 năm học tập trong môi trường âm nhạc chuyên nghiệp; gần 10 năm tu nghiệp và giảng dạy tại nhiều nhạc viện trên thế giới. Năm 2012, anh bảo vệ Luận án TS chuyên ngành Âm nhạc Dân tộc học tại Học viện Âm nhạc Trung Quốc.

Sách do NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành.

Bảo Trung

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/khai-luan-am-nhac-hoc-goc-nhin-la-ve-am-nhac-236553.html