Khai hội chữ xuân Đinh Dậu tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám

Ngày 21-1, tại Hồ Văn (Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám), Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội phối hợp với Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Câu lạc bộ Thư pháp Hà Nội tổ chức khai mạc “Hội chữ xuân Đinh Dậu 2017” và Triển lãm Thư pháp “Tôn sư trọng đạo”.

“Hội chữ Xuân Đinh Dậu 2017” diễn ra từ 8h30 đến 20h từ ngày 21-1 đến 11-2 (tức từ ngày 24-12 đến 15-1 Âm lịch) với sự tham gia của 77 ông đồ đã được khảo tuyển kỹ lưỡng từ những năm trước.

Trong đó, riêng vào ngày 30 Tết Âm lịch, hội chữ hoạt động đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Các ngày mùng 1 và mùng 2 Tết âm lịch, hội chữ hoạt động đến 22h.

Đặc biệt, Ban tổ chức (BTC) cũng dành một số vị trí dành cho người viết chữ trên 70 tuổi, đã tham gia giảng dạy, triển lãm thư pháp và có nhiều đóng góp cho hoạt động thư pháp Hà Nội từ năm 2000 đến nay được các các CLB Thư pháp Hà Nội suy tôn như cụ Cung Khắc Lược, Nguyễn Thế Anh, Nguyễn Thế Lục, Nguyễn Như Phách, Nguyễn Minh Châu…

Hôi chữ xuân với sự tham gia của nhiều ông đồ có uy tín.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Hội chữ, BTC còn tổ chức khu vực làng nghề truyền thống trưng bày các sản phẩm làng nghề Hà Nội như gốm sứ, thêu dệt, giấy, tranh dân gian, chạm khắc gỗ, đúc đồng; khu vực giới thiệu tranh dân gian và thiếu nhi trải nghiệm vẽ tranh “Cùng bé sáng tạo – khám phá tranh Tết”. Hoạt động viết chữ đầu xuân có sự tham gian của khoảng gần 100 người có khả năng viết thư pháp Hán – Nôm, chữ Quốc ngữ là thành viên CLB thư pháp tại Hà Nội và các cá nhân đến từ các tỉnh thành có nhu cầu tham gia viết chữ…

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội cho biết: “Xưa, Văn Miếu – Quốc Tử Giám là Trung tâm giáo dục, đào tạo nhân tài lớn nhất đất nước. Nay, di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám là nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều truyền thống quí báu của dân tộc như: Hiếu học, Hiếu nghĩa, Tôn sư trọng đạo, Tôn trọng nhân tài… Bởi vậy, hàng năm mỗi dịp Tết đến – Xuân về, với khát vọng đón chào một năm mới an khang, thịnh vượng và cầu mong con cháu học giỏi, chăm ngoan, thành đạt… nhân dân Thủ đô và các vùng lân cận lại nô nức kéo về Văn Miếu – Quốc Tử Giám xin chữ đầu Xuân”.

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, Hội chữ xuân Đinh Dậu 2017 được tổ chức để tạo một sân chơi lành mạnh giúp các Thư pháp gia (Hán – Nôm và Quốc ngữ) có điều kiện trổ tài, sáng tác và nhân dân đi xin chữ có thể yên tâm, hân hoan mang về gia đình những bức thư pháp đúng, đẹp với nhiều ước nguyện tốt lành.

Đặc biệt, song song với hoạt động viết chữ, Triển lãm Thư pháp với chủ đề “Tôn sư trọng đạo” năm nay giới thiệu tới công chúng gần 30 tác phẩm thư pháp bằng chữ Hán – Nôm và chữ Quốc ngữ. Đây là các tác phẩm được tuyển chọn kỹ lưỡng từ trên 70 tác phẩm dự tuyển gửi đến từ hàng chục CLB Thư pháp đang sinh hoạt tại Thủ đô.

Các bức thư pháp được thể hiện trên nhiều chất liệu theo nhiều phong cách khác nhau, ghi lại những lời danh ngôn, giáo huấn, thơ văn… của các bậc Tiền nhân về chủ đề “Tôn sư trọng đạo” qua các thời đại lịch sử.

“Với ý nghĩa sâu sắc về nội dung và tinh tế trong sáng tác nghệ thuật các tác phẩm thư pháp không chỉ có ý nghĩa giáo dục thế hệ trẻ Thủ đô biết phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc mà còn góp phần từng bước nâng cao trình độ thưởng thức nghệ thuật thư pháp của công chúng” ông Trương Minh Tiến cho hay.

Cũng tại lễ khai mạc, BTC Hội chữ xuân Đinh Dậu 2017 cũng đã tổ chức lễ trao giải cho các tác giả có tác phẩm xuất sắc tham gia triển lãm thư pháp “Tôn sư trọng đạo”. Theo đó, giải Nhất chữ Quốc ngữ được trao cho tác phẩm “Có một nghề” (tác giả Trần Võ Hiệp – CLB Thư pháp Việt tâm bút”, giải Nhất chữ Hán được trao cho tác phẩm “Tôn sư trọng đạo” (trích Hậu hán thư – Khổng hi truyện, tác giả Nguyễn Đức Phong). Ngoài ra, BTC con trao 2 giải nhì, 2 giải khuyến khích ở thể loại chữ Hán và chữ Quốc ngữ.

Cảnh Thảo

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/khai-hoi-chu-xuan-dinh-dau-tai-van-mieu-quoc-tu-giam-426243/