Khách quý hay khách không mời?

(Baonghean) - Sự hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới về kinh tế, quân sự, thậm chí chính trị khá phổ biển hiện nay. Tuy nhiên không phải lúc nào các vị khách mời ngoại quốc cũng được chào đón, nhất là khi nội bộ quốc gia sở tại có nhiều bất đồng.

Trump và Putin dưới góc nhìn đảng Dân chủ

Paul Manafort (trái) từng làm việc cho cựu Tổng thống Ukraine thân Nga và nay là cố vấn cho Donald Trump (phải) chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ. Ảnh: Internet.

Paul Manafort (trái) từng làm việc cho cựu Tổng thống Ukraine thân Nga và nay là cố vấn cho Donald Trump (phải) chạy đua vào ghế Tổng thống Mỹ. Ảnh: Internet.

Donald Trump - ứng viên “vô tiền khoáng hậu” cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ mới đây lại khiến chính trường nước này dậy sóng khi đưa phát ngôn: “Nước Nga, nếu các bạn nghe thấy tôi nói, tôi hy vọng các bạn có thể tìm thấy 30.000 thư điện tử bị thiếu”, ý ám chỉ vụ bê bối sử dụng địa chỉ email cá nhân của bà Clinton khi còn đương chức Ngoại trưởng. Phía đảng Dân chủ lại được dịp khơi lên nghi vấn mối quan hệ không bình thường giữa nhà tài phiệt Mỹ và Tổng thổng Nga Putin.

Trước đó, khi người chỉ đạo chiến dịch tranh cử của bàn Clinton - Robby Mook - cáo buộc WikiLeaks công bố các bức thư điện tử nội bộ đảng Dân chủ “do người Nga cung cấp để giúp Donald Trump giành lợi thế”.

Ông Trump đã ngay lập tức châm chọc rằng giả thiết đưa ra bởi phe Dân chủ “là một trò hề”. Hiển nhiên điều này không khiến phe đối thủ của ông lấy làm vui vẻ. Nhưng phải đến khi nhà tài phiệt mạnh miệng “kêu gọi” nước Nga “nhảy vào” chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ thì các chính trị gia phản đối ông mới được dịp “trả đũa”.

Cố vấn của bà Clinton nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên một ứng viên tranh cử Tổng thống chủ động khuyến khích các thế lực ở nước ngoài do thám tình hình đối thủ tranh cử”, và rằng đây là “một vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia”.

Thậm chí chính đương kim Tổng thống Barack Obama cũng trả lời trên kênh NBC hôm 27/7 vừa qua, cho biết: “Những gì chúng tôi biết đến nay là người Nga đã do thám hệ thống của chúng ta, không chỉ hệ thống của chính phủ mà các các hệ thống tư nhân”.

Ông còn nói thêm: “Tôi cũng biết là Donald Trump đã nhiều lần thể hiện sự ngưỡng mộ với Vladimir Putin”.

Để chứng minh cáo buộc về mối quan hệ giữa nhà tài phiệt Mỹ và Tổng thống Nga không phải là một lý lẽ cảm tính, phe Dân chủ đưa ra “bằng chứng”: cố vấn chính của ông Trump trong cuộc tranh cử lần này là Paul Manafort, từng tham vấn cho cựu Tổng thống Viktor Yanukovych. Mỹ và các đồng minh vốn vẫn luôn cho rằng việc Tổng thống thân Nga này bị lật đổ là một trong những lý do gây ra cuộc khủng hoảng Crimea.

Một lần khác, ông Trump phát biểu về NATO và cho rằng cần phải xem xét lại các điều khoản của Hiệp ước cũng khiến phe Dân chủ được dịp củng cố cáo buộc nói trên. Cụ thể, Trump cho rằng điều 5 trong Hiệp ước (“một vụ tấn công có vũ trang nhằm vào một quốc gia thành viên được xem như một cuộc tấn công nhằm vào tất cả các thành viên”) dẫn đến sự bất bình đẳng về trách nhiệm tài chính. Ông đưa ra ví dụ: nếu ông là Tổng thống Mỹ và trong trường hợp Nga tấn công các nước Baltic, ông sẽ xác định liệu các nước này đã làm tròn trách nhiệm tài chính với khối Hiệp ước chưa, rồi mới quyết định có can thiệp quân sự hay không.

Tân Thủ tướng Anh “treo” dự án điện hạt nhân của Pháp

Công trường dự án điện hạt nhân Hinkley Point C ở phía Tây nước Anh. Ảnh: Internet.

Ngày 28/7, Tập đoàn điện lực quốc gia Pháp (EDF) tuyên bố đồng ý xây dựng nhà máy điện hạt nhân khổng lồ Hinkley Point C. Đây là một dự án nằm ở phía Tây Anh và được kỳ vọng trở thành dự án quan trọng nhất trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân của đảo quốc sương mù. Nếu hoàn thành, dự kiến Hinkley Point C sẽ cung cấp 7% tổng lượng điện năng tiêu thụ của Anh trong vòng vài thập kỷ tới.

Quyết định của EDF được đưa ra sau nhiều tháng do dự và tranh cãi trái chiều. Tuy nhiên, éo le ở chỗ khi EDF “bật đèn xanh” thì chính phủ Anh lại “bật đèn vàng”, tuyên bố sẽ gia hạn thời gian xem xét trước khi chấp nhận dự án này.

Trên thực tế, sự “lệch pha” này đến từ sự thay đổi quyền lực tại Anh sau nhiều biến cố mới đây. Nếu như cựu Thủ tướng David Cameron ủng hộ dự án với EDF thì tân Thủ tướng Theresa May lại không mấy mặn mà.

Tân Bộ trưởng bộ Thương mại và Năng lượng Greg Clark thay lời tuyên bố: “Chính phủ sẽ phân tích tỉ mỉ mọi mặt của dự án và đưa ra quyết định vào đầu mùa thu này”. Tuyên bố này khiến EDF “chưng hửng” bởi mọi chuyện tưởng như đã đâu vào đó, khi mà Giám đốc chi nhánh của EDF tại Anh đã sẵn sàng cho chuyến đi ký kết hợp đồng.

Tại sao Anh lại do dự với một dự án năng lượng quan trọng như vậy? Nguyên nhân sâu xa đến từ các đối tác trong hợp đồng của EDF. Một khi nhà máy Hinkley Point C hoàn thành, tập đoàn năng lượng Trung Quốc CGN sẽ nghiễm nhiên nắm 33,5% quyền lợi đối với nhà máy và còn được xây thêm một nhà máy khác ở Anh.

Nếu ông Cameron còn đương chức thì có lẽ nhưng cam kết ràng buộc này sẽ không gây băn khoăn quá nhiều, bởi chính ông có tham vọng biến Anh thành cây cầu đầu tư nối Trung Quốc và châu Âu. Đó lại không phải là trường hợp của bà May, thậm chí ngược lại là khác.

Tân Thủ tướng Anh có quan điểm khá cứng rắn với nguồn đầu tư từ Trung Quốc: “Trung Quốc muốn dùng tiền để đổi lấy sự im lặng của nước Anh đối với các hành vi vi phạm quyền con người”.

Trước mắt, vẫn chưa biết liệu dự án này có nhận “thẻ đỏ” của Anh hay không, nhưng việc chính phủ nước này gia hạn thời gian xem xét phê duyệt chắc chắn sẽ khiến EDF “như ngồi trên đống lửa”. Bởi đây là dự án “canh bạc khổng lồ” mà EDF sau nhiều pha cân nhắc mới dám đổ vốn “đánh liều”.

Hải Triều

(Theo Le monde)

TIN LIÊN QUAN

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/quoc-te/201607/khach-quy-hay-khach-khong-moi-2720214/