Khách hàng liên tục kêu mất tiền, Vietcombank vẫn kiếm thêm 9.328 tỷ đồng

Khách hàng Vietcombank liên tục kêu mất những khoản tiền lớn nhưng ngân hàng này vẫn kiếm 9.328 tỷ đồng chỉ trong 1 ngày.

Đây là thời gian không may mắn của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Đầu tiên, một nữ khách hàng cho biết chị đã bị mất 500 triệu đồng chỉ trong một đêm. Sau khi Vietcombank khoanh giữ, khách hàng chỉ giữ lại được 300 triệu đồng. 200 triệu đồng còn lại đã bị hacker rút ở nước ngoài.

Vụ mất tiền này gây xôn xao dư luận. Vietcombank cho rằng lỗi là do khách hàng đã vào đường link lạ, từ đó hacker lấy được thông tin cá nhân. Nhưng dư luận lại cho rằng, Vietcombank cũng phải chịu trách nhiệm vì smart OTP của ngân hàng này có vấn đề.

Sau đó, thêm một vài khách hàng Vietcombank than phiền bị mất tiền trong tài khoản. Gần đây nhất, một khách hàng cho biết đã mất 40 triệu đồng vì sơ hở Mobile Banking của Vietcombank.

VCB trở thành tâm điểm của thị trường khi bất ngờ tăng trần, tăng 3.500 đồng/CP lên 57.500 đồng/CP. VCB là một trong số ít blue-chip đóng cửa trong sắc tím.

Đà tăng mạnh của VCB khiến vốn hóa thị trường Vietcombank tăng 9.328 tỷ đồng lên 153.239 tỷ đồng. Vietcombank tiếp tục nằm trong danh sách các công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Đặc biệt, trong phiên giáo dịch gần đây, VCB được nhà đầu tư quan tâm tới mức khối lượng giao dịch tăng vọt lên hơn 1, triệu đơn vị. Trong 1 phiên trước đó, con số này chỉ là 453.540 đơn vị. Tuy nhiên, có vẻ như nhà đầu tư trong nước mới quan tâm đến VCB, còn nhà đầu tư nước ngoài lại chờ cơ hội chốt lời.

Khi VCB tăng rất mạnh, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng cổ phiếu VCB. Trong khi khối lượng mua vào của khối ngoại chỉ đạt 73.950 đơn vị (khoảng 4,3 tỷ đồng) thì lượng bán ra lên tới 228.780 đơn vị (khoảng 13,2 tỷ đồng).

Có thể thấy, những lùm xùm quanh việc khách hàng mất tiền không ảnh hưởng quá lớn tới cổ phiếu Vietcombank.

Trong thời gian xảy ra sự cố, VCB không có phiên nào giảm quá mạnh. Tính chung cả tuần này, VCB vẫn tăng 4.000 đồng/CP. Sau 5 phiên giao dịch, vốn hóa thị trường Vietcombank có thêm 10.660 tỷ đồng.

Nguyên nhân khiến VCB “giữ chân” cổ đông chính là thông tin Vietcombank sẽ chi đậm cổ tức cho cổ đông.

Mới đây Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM cho biết ngân hàng sẽ phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu (nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại tích lũy đến hết năm 2015 của Vietcombank).

Theo đó, Vietcombank sẽ phát hành thêm gần 933 triệu cổ phiếu VCB (tương ứng 35%). Sau khi tăng vốn, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ đạt hơn 35.000 tỷ đồng.

Trong quý 2/2016, Vietcombank là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất toàn hệ thống. lợi nhuận sau thuế trong kỳ của Vietcombank đạt 1.580 tỷ đồng, tăng 259 tỷ đồng, tương ứng 19,6%; lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 3.421 tỷ đồng, tăng 968 tỷ đồng, tương ứng 39,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận của Vietcombank tăng mạnh chủ yếu do thu nhập lãi thuần bứt phá và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm mạnh.

Mặc dù lợi nhuận tăng mạnh nhưng người lao động của ngân hàng lại không được hưởng lợi nhiều từ đà tăng này khi thu nhập 6 tháng đầu năm của họ bị cắt giảm mạnh.

Cụ thể, bình quân, mỗi nhân viên Vietcombank nhận 136,3 triệu đồng/người/6 tháng, tương ứng 22,7 triệu đồng/người/tháng, giảm 2,6 triệu đồng/người/tháng. Dù giảm mạnh nhưng đây là mức thu nhập cao so với nhiều ngành khác cũng như so với nhiều đơn vị khác trong ngành ngân hàng.

Trước đó, trong quý 1 năm nay, bình quân, mỗi nhân viên ngân hàng Vietcombank nhận 75,4 triệu đồng/người/3 tháng, tương ứng 25,13 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,48 triệu đồng/người/tháng so với cả năm 2015 tăng khoảng 5 triệu đồng/người/tháng so với quý 1/2015.

Bảo Linh

Bình luận

Nguồn VTC: http://vtc.vn/khach-hang-lien-tuc-keu-mat-tien-vietcombank-van-kiem-9328-ty-dong--ngay-d273167.html