Khách băn khoăn chung cư đạt chứng chỉ xanh gần bãi rác

Thiết kế thông minh, giao thông thuận lợi nhưng lại gần bãi rác khiến khách hàng băn khoăn về nhiều dự án như HPC Landmark 105, Anland Complex...

Thừa nhận xử lý cũng không hết mùi rác

Sáng ngày 22/5/2017, nhiều lượt xe chở rác ra vào tấp nập tại bãi rác tạm cạnh KĐT Dương Nội (Q. Hà Đông, TP. Hà Nội). Hàng ngày, có gần chục tấn rác được đưa về đây tập kết sau một thời gian ngắn mới được chở đi nơi khác.

Bãi rác này tồn tại hơn 10 năm nay do Công ty TNHH một thành viên Môi trường Đô thị Hà Nội – Urenco đã gây ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng sống của người dân trong khu vực.

Ông Nguyễn Văn Thanh, người dân sống tại Khu đô thị Văn Khê (đối diện bãi rác tạm) bức xúc nói: "Mùi xú uế bốc ra từ bãi rác các ngày càng ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân xung quanh. Mùi nồng nặc, rất khó chịu! vào những ngày trời gió, mùi cứ theo đó thốc thẳng vào nhà. Có lần đang bê bát cơm lên cơn gió mang theo hơi rác thổi vào cả nhà tôi chẳng ai dám ăn nữa".

Bà Phạm Thị Lợi - nhà gần bãi rác tạm, nói thêm: "Kể cả vào những ngày thứ 7, chủ nhật không có xe ra vào bãi rác nhưng mùi phế thải vẫn bốc lên. Đặc biệt là vào những ngày thời tiết thay đổi như mấy hôm vừa rồi, mùi rác xuất hiện 24/24h. Người dân sống xung quanh cảm thấy nôn nao, phải đi nơi khác tạm lánh".

Bãi rác tạm cạnh đường Tố Hữu (thuộc phường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) gần chung cư HPC Landmark 105, Anland Complex

Bãi rác tạm cạnh đường Tố Hữu (thuộc phường Vạn Phúc, Q. Hà Đông, TP. Hà Nội) gần chung cư HPC Landmark 105, Anland Complex

Không những thế, xe chở rác đến đây tiến hành rửa vệ sinh khiến toàn bộ số nước này trôi ra đường. Tương tự với những ngày trời mưa, từ khu vực bãi tập kết nước rác chảy tràn ra đường mà không có bất kỳ biện pháp xử lý, khắc phục nào.

Theo một nhân viên làm việc tại bãi rác tạm này cho hay, mặc dù công ty đã có biện pháp xử lý bằng cách rắc bột vi sinh nhưng cũng không thể khắc phục được mùi nồng nặc.

"Gần chục tấn rác, có xử lý vi sinh nhưng với thời tiết mưa nắng thất thường, mùa hè sắp đến thì cũng không thể kiểm soát hết được" - nhân viên này cho hay.

Khách băn khoăn tìm nơi ở

Theo tìm hiểu của Đất Việt, xung quanh bãi rác tạm trên đường Tố Hữu có hàng chục nghìn người dân sinh sống. Bên cạnh còn có rất nhiều dự án chung cư đang được xây dựng như HPC Landmark 105 (của Công ty CP Đầu tư Hải Phát Thủ đô), Anland Complex (của Tập đoàn Nam Cường)... trong tương lai sẽ đón thêm rất nhiều người đến ở.

Tuy nhiên, bãi rác tạm gần chung cư đã khiến cho nhiều người có nhu cầu mua nhà cảm thấy băn khoăn. Chị Nguyễn Thu Lan (38 tuổi, quê Phú Thọ) vừa từ trong dự án HPC Landmark 105 đi ra mà chưa quyết định được chuyện mua nhà. Chị Lan chia sẻ:

"Hai vợ chồng làm việc ở Q. Thanh Xuân. Đã tìm nhiều dự án nhưng chưa hài lòng, được bạn bè giới thiệu đến HPC Landmark 105, sau khi xem căn hộ mẫu chị thấy rất ưng nhưng để ý thấy đi qua bãi rác tạm bốc mùi xú uế khiến chị lo ngại, chần chừ mà chưa quyết định chuyện mua nhà ở đây".

Trong khi đó, anh P.P.L. - trưởng phòng nhân sự một công ty ở Cầu Giấy, TP Hà Nội cho biết, gia đình đã quyết định mua căn hộ tại dự án Anland Complex của Tập đoàn Nam Cường sau khi xem thiết kế thông minh, đạt chứng nhận xanh EDGE của Tổ chức IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới). Nhưng khi đọc được thông tin báo chí phản ánh dự án gần bãi phế liệu lớn, anh L. mới xuống khảo sát.

"Bãi rác chỉ cách dự án khoảng 200m, chỉ cần đứng ở tầng 9 là có thể nhìn thấy. Đi cách bãi rác 50m đã thấy mùi rác thải rất khó chịu, nước rác chảy cả ra ngoài đường. Điều này khiến tôi phải xem xét lại quyết định mua nhà" - anh L. tâm sự.

Bãi rác tạm làm cạnh dự án, khách hàng băn khoăn có nên mua Anland Complex, HPC Landmark 105.

Nghịch lý dự án đạt chứng chỉ xanh

Nói về hiện tượng hàng loạt dự án chung cư thương mại được các tổ chức quốc tế cấp chứng chỉ xanh ở Việt Nam, TS Trần Xuân Khoa, Giảng viên khoa Công nghệ Kỹ thuật Môi trường, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho biết:

"Chứng chỉ xanh ở đây không chỉ hiểu là mật độ cây xanh trên đầu người mà còn là phát triển bền vững, sử dụng vật liệu xanh, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, tiết kiệm điện nước...".

Theo ông Khoa, trên thế giới có nhiều tổ chức cấp chứng chỉ xanh, từ đó cũng có nhiều loại chứng chỉ xanh khác nhau, mỗi loại có tiêu chí khác nhau.

Trong đó, chứng nhận EDGE của IFC đưa ra các chỉ tiêu không quá cao, tập chung vào vào ba chỉ tiêu chính là năng lượng, nước, và sử dụng vật liệu xanh. Chính vì thế EDGE phù hợp với thị trường mới nổi. Điều đó cũng giải thích tại sao nhiều dự án của Việt Nam lại lựa chọn EDGE để thực hiện.

Còn hệ chứng chỉ khác như LEED, LOTUS, hay Green Mark với những yêu cầu thiết kế và sử dụng tài nguyên phức tạp và "xanh" đồng bộ thường phù hợp hơn với các công trình cao cấp.

Việc nhiều dự án của Việt Nam dù nằm trong môi trường báo động ô nhiễm, cạnh bãi rác nhưng vẫn được cấp chứng nhận xanh theo ông Khoa là điều không sai.

Bởi nó phải toàn hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí mà IFC đưa ra thì mới được công nhận. Hơn thế, sau khi dự án đi vào hoạt động 3 năm, chuyên gia của IFC sẽ sang kiểm tra, đánh giá lần cuối thì mới được công nhận dự án xanh thật sự.

Tuy nhiên, với môi trường đang ở mức báo động đỏ về ô nhiễm như TP. Hà Nội, ông Khoa cho rằng: "Không thể công nhận đó là một dự án xanh vì chính ý nghĩa đơn giản của "xanh" là không khí thoáng đãng, trong lành chưa thực hiện được. Nhất là với những dự án ở cạnh bãi rác thải, hàng ngày phải đối mặt với môi trường ô nhiễm".

Xuân Giang

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/khach-ban-khoan-chung-cu-dat-chung-chi-xanh-gan-bai-rac-3335907/