Khắc phục tình trạng cò mồi trong đấu giá đất

Sáng 25/11, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục phiên họp thường kỳ tháng 11 để nghe và cho ý kiến về một số nội dung quan trọng.

Cùng dự có các đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh, các đồng chí thành viên Ủy ban, lãnh đạo các sở ngành.

» Năm 2017: Bộ Tài chính giao Nghệ An thu ngân sách 10.587 tỷ đồng

» Năm 2016, Nghệ An dự kiến có 25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Toàn cảnh buổi làm việc.

Tại phiên họp, các đại biểu nghe và cho ý kiến sửa đổi Quyết định số 74/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy chế bán đấu giá tài sản. Quy chế gồm có 5 chương, 35 điều. Quy chế mới nâng tiền đặt cọc tối đa từ 15% lên 20% và không công khai danh sách người đủ điều kiện đấu giá là nét đổi mới nhằm khắc phục nạn cò mồi, hạn chế tình trạng cấu kết dìm giá.

Dự thảo quy định về các nội dung bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của các văn bản pháp luật có liên quan và các nội dung của Luật Đấu giá đã được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2016 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường điều hành phiên họp.

Kết luận nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho rằng quyết định ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trên địa bàn Nghệ An là hết sức cần thiết, đảm bảo lợi ích của nhà nước, của người dân, nhất là của những người có nhu cầu sử dụng đất chính đáng, khắc phục một số hiện tượng tiêu cực lâu nay. Hiện nhu cầu ngân sách cho GPMB rất lớn, nên cần tăng thu tiền bán đấu giá đất. Do đó, Sở Tư pháp cần tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn chỉnh dự thảo, UBND tỉnh ra quyết định sớm áp dụng thực hiện.

Quy hoạch đấu giá đất ở phường Quán Bàu - Tp.Vinh. Ảnh tư liệu

Phát biểu góp ý cho dự thảo đấu giá quyền sử dụng đất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại cho rằng, hiện nay, còn tình trạng UBND các huyện tự quyết định đơn vị đấu giá, cần công khai rộng rãi để lựa chọn đơn vị tham gia. Ngoài ra, khi đấu giá thành công, phải ghi rõ điều kiện khống chế cao tầng, chỉ giới xây dựng… để tổ chức, cá nhân thực hiện.

Tiếp đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày dự thảo Quy hoạch tổng thể thủy lợi tỉnh Nghệ An đến năm 2025 và định hướng đến 2030 trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng và dự thảo Điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo Quy hoạch phát triển cây cao su giai đoạn 2013-2020, đến năm 2015 diện tích cao su toàn tỉnh là 22.663 ha và năm 2020 là 23.500 ha. Tuy nhiên, đến năm 2015 diện tích cao su toàn tỉnh đạt 11.365 ha, chỉ đạt 50% mục tiêu quy hoạch, đến năm 2020 khó khả thi. Do đó, việc điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển cây cao su đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 là cần thiết.

Theo đó, tổng diện tích cao su được quy hoạch điều chỉnh đến năm 2020 là 17.000 ha. Diện tích cao su hiện có 11.365 ha, đến năm 2020 trồng mới 5.635 ha cao su đại điền tập trung chủ yếu tại Công ty CP đầu tư phát triển cao su Nghệ An 4.620 ha, Công ty TNHH lâm nông nghiệp sông Hiếu 932 ha, Tổng đội TNXP 4 là 50 ha và Công ty cà phê - cao su Nghệ An là 33 ha. Đến năm 2020, tổng công suất nhà máy chế biến cao su đạt khoảng 15.500 tấn mủ khô/năm, và đến năm 2030 là 22.500 tấn mủ khô/năm.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh kết luận việc điều chỉnh là phù hợp với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 và phù hợp với thực tế, giao Sở NN&PTNT hoàn thiện dự thảo trình HĐND tỉnh trong kỳ họp tới.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp &PTNT Nguyễn Sỹ Hưng trình bày dự thảo.

Về nội dung quy hoạch thủy lợi, một số ý kiến cho rằng cần có hội thảo với sự tham gia góp ý của các nhà quản lý, nhà khoa học chuyên ngành.

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường nhấn mạnh, quy hoạch tổng thể thủy lợi là cần thiết và hết sức quan trọng, liên quan đến sự phát triển bền vững lâu dài của Nghệ An. Một số vấn đề được thành viên dự họp góp ý, đề nghị Sở NN&PTNT tiếp thu điều chỉnh, nhất là bổ sung các hạng mục, dự án nằm trong quy hoạch để triển khai xây dựng, đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước, chống hạn cũng như đảm bảo nhu cầu sử dụng nguồn nước mặt và nước ngầm của toàn tỉnh.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu đã nghe và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết HĐND tỉnh về việc quy định khoảng cách, địa bàn xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về nhà trong ngày, tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Nghệ An; dự thảo Quyết định về việc quy định chế độ quản lý đặc thù đối với đội tuyên truyền lưu động cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn Nghệ An.

Về các nội dung này, UBND tỉnh cơ bản đồng tình, đề nghị các Sở GD&ĐT, Sở VHTT và Du lịch hoàn chỉnh dự thảo, trình HĐND tỉnh thông qua trong kỳ họp tới./.

Thu Huyền

Nguồn Nghệ An: http://baonghean.vn/kinh-te/201611/khac-phuc-tinh-trang-co-moi-trong-dau-gia-dat-2758488/