Khả năng tăng trưởng của cổ phiếu DCM

Nhà máy Đạm Cà Mau hiện đã tăng công suất lên 110%

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam đánh giá, từ khi lên sàn, giá của DCM tương đối đều. Điểm đáng chú ý đối với mã này là cổ phiếu của một công ty có vị thế lớn trong ngành, có thị phần rộng và tiềm năng phát triển. Doanh nghiệp này có chỉ tiêu tài chính qua các năm tốt. Và với lợi thế có hai cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Tài chính Dầu khí giúp cho DCM được hưởng các ưu đãi về nguồn cung cấp khí và giá khí đầu vào.

Theo phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Dầu khí (PSI), ngoài việc là doanh nghiệp trẻ có vốn hóa lớn trên thị trường, các điểm nhấn để lựa chọn đầu tư vào cổ phiếu DCM là: giá thành sản phẩm của DCM hiện nay cạnh tranh hơn so với nhiều thương hiệu khác trên thị trường, là yếu tố lợi thế rất lớn trong dài hạn của công ty. Công ty đang sở hữu thị phần nội địa lớn, sức tiêu thụ ổn định và nhiều tiềm năng phát triển xuất khẩu. Nhất là ở thị trường Campuchia với nhu cầu 250.000 tấn phân bón/năm, trong đó 90% là urê hạt đục. Đây là thị trường DCM đang có thị phần lớn và ưu thế cạnh tranh đặc biệt bởi lợi thế về vị trí địa lý, chi phí logictic...

DCM hiện là doanh nghiệp có quy mô tài sản hàng đầu trong ngành phân bón. Với quy mô công suất nhà máy 800.000 tấn/năm, DCM chiếm 40% thị phần urê nội địa. Công ty đang giữ vị trí số 1 tại thị trường Đồng bằng sông Cửu Long (55% thị phần), thứ 2 tại thị trường Đông Nam bộ (25% thị phần) và giữ thị phần lớn ở thị trường Campuchia (35% thị phần).

Tình hình tài chính của DCM khá lành mạnh, hệ số nợ có xu hướng giảm dần qua các năm từ khi nhà máy đi vào hoạt động. Các chỉ số ROE, ROCE và ROA ở mức tốt cho thấy công ty vẫn đang hoạt động có lãi. Các chỉ số khả năng thanh toán ở mức tốt cho thấy DCM có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ ngắn hạn, đến hạn, đáp ứng kịp thời các khoản vay cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, ý thức được tầm quan trọng của khâu tiêu thụ sản phẩm, công ty đã tăng cường các hoạt động marketing, quảng cáo, tiếp thị, xây dựng hệ thống phân phối để đẩy mạnh đầu ra. Hiện nay DCM đã có hệ thống phân phối rộng khắp cả nước với hàng nghìn đại lý cấp 1, cấp 2 và cửa hàng trên toàn quốc. Công ty cũng đang tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phối trong nước và sang các nước trong khu vực, trên thế giới như: Campuchia, Philippine, Thái Lan, Bangladesh, Hàn Quốc…

DCM cũng không ngừng nghiên cứu để cải tiến sản xuất và đưa ra thị trường những sản phẩm mới, phù hợp với định hướng phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, cũng như định hướng xuất khẩu sản phẩm nông sản vào các thị trường khó tính trên thế giới. Song song đó là việc nghiên cứu đa dạng hóa sản phẩm, phát triển những dòng sản phẩm có hiệu quả cao, thân thiện với môi trường trên nền tảng cốt lõi là urê hạt đục của DCM.

Cụ thể, ngoài các sản phẩm urê hạt đục, N.Humate+Te mang thương hiệu Đạm Cà Mau – Hạt Ngọc Mùa Vàng, sắp tới đây, PVCFC tiếp tục cho ra mắt sản phẩm mới với tính năng ưu việt để tiết kiệm phân bón và tăng năng suất cho cây trồng. DCM cũng đang nghiên cứu triển khai dự án sản xuất NPK cao cấp, nằm trong định hướng chiến lược của công ty là một dự án được đánh giá có nhiều tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Với dự án này DCM kỳ vọng sẽ góp phần tăng doanh thu và lợi nhuận của công ty trong thời gian tới cũng như cơ hội cho xuất khẩu. DCM còn đẩy mạnh kinh doanh và phân phối các sản phẩm phân bón khác như DAP, Kali để tối ưu hóa khả năng sinh lời, nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Bùi Minh Tiến, Tổng Giám đốc PVCFC cho biết: giá urê giảm liên tục từ 2012 đến nay và hiện thấp hơn giá thành sản xuất của nhiều nhà máy urê trên thế giới. Bằng chứng là nhiều nhà máy trong nước và trên thế giới thua lỗ nặng, hoạt động cầm chừng, thậm chí đóng cửa. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn, DCM vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và tiêu thụ hết sản phẩm. Đồng thời, hiện DCM đã nâng công suất lên 110%, qua đó giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong 9 tháng đầu năm 2016, mặc dù có nhiều khó khăn đối với ngành nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng; hạn hán và lũ lụt đã tác động nhiều đến đời sống và hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Nhà máy dừng bảo dưỡng 25 ngày trong tháng 8, nhưng sản lượng 9 tháng đầu năm của DCM vẫn đạt kế hoạch. Theo đó, trong 9 tháng, Đạm Cà Mau đã sản xuất, tiêu thụ trên 570.000 tấn phân đạm, đạt 99% kế hoạch đề ra. Doanh thu đạt gần 3.500 tỉ đồng, đạt 85% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế gần 400 tỉ đồng, đạt 98% kế hoạch. Với kết quả này cùng với những giải pháp đồng bộ về kinh doanh, DCM tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch sản lượng sản xuất và tiêu thụ năm 2016.

H.Q

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/doanh-nghiep/kha-nang-tang-truong-cua-co-phieu-dcm-611013.bld