Kết thúc Hội nghị APEC 2016: 'Chất xúc tác' cho sáng kiến tự do hóa thương mại tại châu Á

Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2016 tại Peru cuối tuần qua đã trở thành diễn đàn để các lãnh đạo bày tỏ lo ngại cho tương lai của thương mại tự do, nhất là sau khi nước Mỹ bầu ra một tổng thống mới là người chủ trương tư tưởng bảo hộ. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế trong khu vực, sẽ thấy một xu hướng khác đang được thúc đẩy.

Các nền kinh tế châu Á không khỏi lo lắng và bất an trước nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi

Thời gian gần đây, liên tiếp có những tin tức không lạc quan: Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang có nguy cơ “chết yểu” sau khi tỷ phú Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ; Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ cũng đối mặt với tương lai mờ mịt sau khi ông Trump bước vào Nhà Trắng; trong khi quá trình đàm phán kéo dài 7 năm để hoàn tất Hiệp định Thương mại và kinh tế toàn diện Canada-EU (CETA) suýt đổ bể do sự phản đối của vùng Wallonie tại Bỉ. Tình hình này khiến hầu hết các nền kinh tế châu Á, vốn có mức tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trở lại đây và phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu, không khỏi lo lắng và bất an.

Trong bối cảnh này, giới lãnh đạo tham dự Hội nghị Cấp cao APEC 2016 đã đồng loạt kêu gọi Mỹ và các quốc gia khác không từ bỏ những thỏa thuận thương mại toàn cầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước chấp nhận sự cởi mở về kinh tế: “Chúng ta phải dốc sức xây dựng một cộng đồng với một tương lai chung. Điều đó khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn thay vì xa cách”. Thủ tướng New Zealand John Key kêu gọi các nước thành viên điều chỉnh một số nội dung trong TPP để xoa dịu Tổng thống đắc cử của Mỹ, hoặc thậm chí là thiết lập một thỏa thuận thương mại mới mà không có sự tham gia của Mỹ. Ông nhấn mạnh: “Nếu Mỹ không muốn tham gia vào tiến trình thương mại tự do, Tổng thống Trump cần hiểu rằng những nước khác vẫn muốn”. Trong khi đó, Tổng thống Mexico Enrique Penã Nieto ca ngợi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) mà nước ông đạt được với Mỹ vào năm 1992, khẳng định thỏa thuận này đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân của cả hai nước. Tuy nhiên, ông cho biết Chính quyền Mexico sẵn lòng tiến hành các cuộc thảo luận để “hiện đại hóa” văn bản này. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Obama đã trấn an các nhà lãnh đạo về tương lai của thương mại tự do nhưng nhiều người nhìn nhận APEC 2016 thực chất là nơi ông Obama nỗ lực bảo vệ các "di sản" về thương mại tự do và an ninh của mình trước khi phải chuyển giao quyền lực cho người kế nhiệm có rất nhiều khác biệt về quan điểm.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận là vài năm trở lại đây, các thỏa thuận thương mại đã nở rộ tại châu Á trong bối cảnh những nỗ lực thúc đẩy các hiệp định toàn cầu thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày càng trở nên khó khăn. Tính đến tháng 12-2015, 145 thỏa thuận được các nước thành viên ký kết, ít nhất 30 trong số này đã được triển khai từ năm 2008. Giới chuyên gia cho rằng xu hướng này sẽ càng mạnh mẽ sau khi ông Trump lên nắm quyền và làn sóng phản đối thương mại tự do dâng cao. Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế hàng đầu của IHS Global Insight, nói: “Nếu Mỹ điều chỉnh các chính sách thương mại với châu Á, điều đó sẽ trở thành ‘chất xúc tác’ cho những sáng kiến tự do hóa thương mại tại châu Á”.

Người được lợi nhất trong bối cảnh này chính là Trung Quốc. Họ bỗng dưng "rảnh tay" thúc đẩy các sáng kiến khu vực của mình. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không bỏ lỡ cơ hội, tận dụng diễn đàn APEC 2016 để kêu gọi sự ủng hộ đối với 2 hiệp định quan trọng mà nước này đang thúc đẩy - hiệp định Khu vực Thương mại Tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP) bao trùm 21 nền kinh tế thành viên, và thỏa thuận Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hội tụ 16 nền kinh tế, trong đó có các quốc gia Đông Nam Á và Ấn Độ, song không có Mỹ.

Vĩnh Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/ket-thuc-hoi-nghi-apec-2016-chat-xuc-tac-cho-sang-kien-tu-do-hoa-thuong-mai-tai-chau-a.aspx