Kết quả bất ngờ khi du khách Việt thử làm ăn xin ở Nepal

Một du khách người Việt đã có thử nghiệm tuyệt vời khi trở thành người ăn xin tại Nepal.

Anh Nguyễn Ngọc Quỳnh giả làm ăn xin trên đất Nepal. (Ảnh: Facebook)

Nói tới Nepal chúng ta sẽ nghĩ đây là một quốc gia du lịch với đỉnh núi Everest hùng vĩ chọc trời, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách du lịch thập phương tới tham quan mỗi năm. Tuy nhiên, Nepal cũng là một quốc gia nghèo, người dân nơi đây còn phải đối mặt với nhiều thiên tai, địa trấn. Nguồn thu chính của quốc gia Nam Á này là dựa vào hoạt động du lịch.

Tuy có cuộc sống nghèo khó về mặt kinh tế nhưng Nepal là một quốc gia coi “hạnh phúc của dân” là sự thịnh vượng.

Để thực sự trải nghiệm cuộc sống của người dân Nepal anh Nguyễn Ngọc Quỳnh đã thử đóng vai một người ăn xin tại Kathmandu và cảm nhận tình cảm của con người trên vùng đất xa lạ.

Anh chia sẻ: "Sau mấy hôm lang thang bê bết trên dãy Himalayas nhòm Everest, quay lại Kathmandu, tôi thực hiện ý tưởng bộc phát mấy hôm trước: Nepal rất nhiều ăn xin. Trông họ rất khổ sở, buồn rầu, tạo cảm giác đáng thương để người khác bố thí. Tôi test tâm lý dân Nepal. Test về suy nghĩ "Cho và nhận, vui và buồn"."

Để chuẩn bị cho vai trò ăn xin nơi đất khác, anh để dưới chân một chiếc mũ và một mảnh giấy với nội dung: "I'm Happy. Take if you sad. Give if you happy" (Tôi vui. Hãy lấy nếu bạn buồn. Hãy cho nếu bạn vui."

Anh tự bỏ bỏ vào mũ 15 tờ 5 rubi (15 nghìn VND) "làm mồi" và ngồi ăn xin cùng với những người dân bản địa.

Ngồi bên cạnh anh còn có những người ăn xin bản địa khác. (Ảnh: Facebook)

Anh Quỳnh ngồi ngay sát với những người ăn xin khác tại Nepal và kết quả nhận lại vô cùng bất ngờ. Dù người dân ở Nepal không hề giàu có nhưng không một ai lấy tiền từ mũ của anh mà chỉ có những người qua đường bỏ thêm tiền vào đó.

Đáng ngạc nhiên hơn, "kẻ ăn xin nơi đất khách" này có vẻ còn "đắt hàng" hơn người dân bản địa. "Những người ngồi cạnh tôi được cho trung bình 5 - 20 rubi. Tôi được trung bình 5 - 200 rubi." - Anh chia sẻ.

Không chỉ đóng vai trò của một người ăn xin, anh Quỳnh còn trở thành một hiện tượng lạ trên đất Nepal khi tự mình gọi những người ăn xin qua đường để cho tiền. Ngay lập tức mọi người vây quanh và thậm chí còn cho anh nhiều tiền hơn.

Rất nhiều người vây quanh anh Quỳnh. (Ảnh: Facebook)

Chỉ sau nửa tiếng giả làm ăn xin, thu nhập của anh đã khá lớn, được hơn 3 nghìn rubi (hơn 600 nghìn VND). Theo anh, số tiền này "có lẽ là nhiều nhất từ trước tới giờ so với các ăn xin khác ở đây."

Những người ăn xin khác nhìn anh với ánh mắt lạ lẫm, không hiểu lý do sự việc. Còn số người vây quanh anh càng ngày càng đông. Sau một lúc, lo ngại vì sợ ùn tắc giao thông, anh Quỳnh đã rút lui, kết thúc màn đóng giả ăn xin.

Số tiền mà anh nhận được sau khi giả ăn mày được "lại quả", phần lớn là cho những người ăn xin khác trong khu vực, một phần nhỏ còn lại, anh giữ để mua quà kỷ niệm cho chuyến giả làm "ăn xin xứ người" lần này.

Kết thúc hành trình giả ăn xin, anh Quỳnh đã phân phát phần lớn số tiền cho những người ăn xin bản địa. (Ảnh: Facebook)

Một số bạn bè, người quen cũng bày tỏ suy nghĩ của mình trước ý tưởng sáng tạo này của anh Quỳnh. "Ăn xin hay không không quan trọng, quan trọng cách anh xin như thế này! Hay!" - một facebook bình luận.

Tài khoản M.D chia sẻ vui với tác giả: "Nghề hợp nhất từ trước đến nay của anh đấy."

Trong khi đó một người bạn khác thắc mắc: "Trông sáng sủa thế mà cũng được cho nhỉ."

HT

Nguồn Tin Nhanh: http://vntinnhanh.vn/noi-mang/ket-qua-bat-ngo-khi-du-khach-viet-thu-lam-an-xin-o-nepal-118745