Kết nối tình yêu biển, đảo

QĐND - Thời gian qua, hoạt động hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, biển đảo quê hương đã trở thành phong trào lớn, phát triển rộng khắp, thu hút sự tham gia của hàng chục vạn học sinh, sinh viên. Đã có hàng trăm công trình thanh niên, hàng vạn bài viết, bài thi tìm hiểu về biển, đảo. Nhiều cách làm sáng tạo, làm cho nội dung tuyên truyền về biển, đảo trở nên phong phú, đa dạng. Mới đây, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, TP Hồ Chí Minh mời chúng tôi đến giao lưu, nói chuyện về Trường Sa cho giáo viên và học sinh của trường. Nghĩ rằng đây chỉ là hoạt động giáo dục ngoại khóa bình thường, nhưng khi đến dự, chúng tôi hết sức bất ngờ và cảm động.

QĐND - Thời gian qua, hoạt động hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, biển đảo quê hương đã trở thành phong trào lớn, phát triển rộng khắp, thu hút sự tham gia của hàng chục vạn học sinh, sinh viên. Đã có hàng trăm công trình thanh niên, hàng vạn bài viết, bài thi tìm hiểu về biển, đảo. Nhiều cách làm sáng tạo, làm cho nội dung tuyên truyền về biển, đảo trở nên phong phú, đa dạng. Mới đây, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1, TP Hồ Chí Minh mời chúng tôi đến giao lưu, nói chuyện về Trường Sa cho giáo viên và học sinh của trường. Nghĩ rằng đây chỉ là hoạt động giáo dục ngoại khóa bình thường, nhưng khi đến dự, chúng tôi hết sức bất ngờ và cảm động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Cuộc giao lưu tổ chức tại Nhà thi đấu Nguyễn Du với sức chứa hơn 3000 người, không còn một chỗ trống. Các cháu đã hóa thân thành từng đoàn ngư dân trong các hoạt cảnh tái hiện cảnh cha ông ta ra khơi bám biển, mở mang bờ cõi, bảo vệ độc lập chủ quyền biển, đảo từ hàng trăm năm trước. Các cháu hồn nhiên thể hiện sự hiểu biết và tình cảm của mình với biển, đảo quê hương bằng những tiết mục thật dễ thương. Cảm mến tinh thần của các cháu, khán giả có mặt hôm đó đã đồng lòng thể hiện nghĩa cử của mình, đóng góp được hơn 200 triệu đồng tham gia phong trào “Góp đá xây Trường Sa”.

Những hoạt động như vậy đã và đang diễn ra rộng khắp trong giới trẻ ở TP Hồ Chí Minh, trong đó hệ thống trường học giữ vai trò nòng cốt.
Bên cạnh những hoạt động phong trào, nhiều trường học và tổ chức Đoàn thanh niên đã đi sâu vào từng lĩnh vực cụ thể, phát huy trí tuệ, công sức của tuổi trẻ vì biển, đảo. Hai phong trào “Góp đá xây Trường Sa” và “Nước ngọt cho Trường Sa” đã thu hút nhiều trí thức trẻ say mê khoa học, nghiên cứu, tìm tòi, góp phần xây dựng Trường Sa. Đề tài sản xuất bê tông mác cao từ cát, đá san hô và nước biển do các kỹ sư trẻ Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Thạch Anh thực hiện, vừa được đưa vào ứng dụng là một trong những biểu hiện sinh động về tình yêu biển đảo.

Đắp bồi tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ là hình thức giáo dục vừa mang ý nghĩa chiến lược, vừa thể hiện tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng tổ chức phong trào sâu, rộng, hiệu quả như TP Hồ Chí Minh. Tại đây, tất cả các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đều vào cuộc, sát cánh cùng thanh, thiếu niên trong mỗi hành động cụ thể. Các chương trình hoạt động hướng về biển, đảo vì thế luôn có đông đảo khán giả mọi giới tham dự, cổ vũ. Đêm giao lưu, diễn sử ca về Trường Sa của một trường tiểu học nhưng các bậc phụ huynh, lãnh đạo ngành giáo dục các cấp cũng “xắn tay” vào cùng lo. Học sinh được truyền lửa tình yêu biển, đảo ngay từ suy nghĩ, việc làm của thế hệ cha anh.

Biển, đảo, thềm lục địa là một phần máu thịt của Tổ quốc. Hàng triệu trái tim đang hòa cùng nhịp đập biển, đảo Tổ quốc. Hãy kết nối để dòng nhiệt huyết ấy được cộng hưởng, truyền lan mạnh mẽ từ trái tim đến trái tim trên mọi miền Tổ quốc!

Phan Tùng Sơn

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/52/52/184200/Default.aspx