Kết nối giao thông Vĩnh Phúc, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội

Hiện mạng lưới GTVT trên địa bàn Vĩnh Phúc đã được đầu tư xây dựng với quy mô tương đối hiện đại, đồng bộ và có tính liên thông, liên kết cao với các tỉnh phía Bắc và đồng bằng sông Hồng.

Giao thông liên tục mở mang, nâng cấp tạo tiền đề cho KT-XH phát triển ở Vĩnh Phúc

Giao thông phát triển đồng bộ chính là động lực quan trọng để Vĩnh Phúc trở thành địa phương tiêu biểu về thu hút đầu tư của cả nước. Và để có được bức tranh giao thông ấy, là sự cố gắng không ngừng của ngành GTVT Vĩnh Phúc.

Giao thông đi trước mở đường

Sau hơn nửa năm đưa vào khai thác, tuyến đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh dài 10,9km, nền đường rộng 36,5m, vận tốc tối đa 80km/h đã làm thay đổi diện mạo không chỉ những xã hai bên đường, mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế vùng. Tuyến đường còn góp phần nối liền QL2B và QL2C, liên kết với ĐT310, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khai thác quỹ đất còn dư thừa của huyện Tam Đảo và Tam Dương để phát triển các khu công nghiệp (KCN) dọc hai bên tuyến và nối liền các KCN của huyện Tam Dương, huyện Bình Xuyên. Ngoài ra, tuyến đường còn phục vụ phát triển du lịch khi nối QL2B lên khu nghỉ mát Tam Đảo, nối ĐT310 đến hồ Đại Lải.

Phát triển cơ sở hạ tầng GTVT đi trước một bước được đánh giá là 1 trong 10 thành tựu KT-XH nổi bật của tỉnh Vĩnh Phúc sau 20 năm tái lập (1997-2017). Bên cạnh việc phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, ngành GTVT Vĩnh Phúc đã nỗ lực xây dựng và phát triển lĩnh vực vận tải phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế địa phương. Hiện đã có 8 tuyến xe buýt đi qua tất cả trung tâm các huyện, thị trong tỉnh; các bến xe khách, điểm đỗ xe buýt, taxi và điểm đỗ xe tĩnh đều được nâng cấp, đáp ứng nhu cầu vận tải trên địa bàn tỉnh. Trên lĩnh vực đào tạo và cấp GPLX, đăng kiểm, ngành GTVT Vĩnh Phúc đã thực hiện nghiêm các quyết định của Bộ GTVT, tạo điều kiện thuận lợi cho các trung tâm đào tạo lái xe, đăng kiểm hoạt động đạt hiệu quả tốt. Công tác bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn được thực hiện hiệu quả, giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông.

Chị Hồ Thị Lan, công nhân Nhà máy Vitto chia sẻ, khu vực này trước đây là đồi, núi, người dân đi lại bằng đường mòn, chỉ bám vào nông nghiệp nên đời sống khó khăn. Từ khi có đường được mở qua, người dân không chỉ đi lại thuận lợi, đưa nông sản đi bán dễ dàng hơn, mà có thể mở thêm dịch vụ kinh doanh, buôn bán. Có tuyến đường, có thêm nhà máy, khu công nghiệp đi vào hoạt động, đời sống người dân thay đổi từng ngày.

Đây chỉ là một trong nhiều tuyến đường được đưa vào sử dụng, góp phần thay đổi diện mạo vùng, phát triển KT-XH của địa phương. Theo ông Hoàng Văn Minh, Giám đốc Sở GTVT Vĩnh Phúc, với quan điểm “phát triển hạ tầng giao thông là khâu đột phá, trọng yếu và có tầm quan trọng để quyết định sự phát triển KT-XH của địa phương”, nhờ sự quan tâm của Bộ GTVT, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực các toàn thể cán bộ, công nhân viên chức ngành trong ngành, GTVT Vĩnh Phúc đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. So với năm 1997, hiện tại quy mô giao thông của tỉnh tăng gần gấp 4 lần về số lượng và gấp nhiều lần về chất lượng. Hiện Vĩnh Phúc có gần 7.000km đường bộ và phân bổ đều khắp, hợp lý trên địa bàn toàn tỉnh. 100% các tuyến quốc lộ được cứng hóa, đặc biệt có tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai qua địa phận Vĩnh Phúc với chiều dài 40km (hiện tại có 3 nút lên xuống) đã và đang tạo thuận lợi để kết nối giao thương với các tỉnh phía Bắc. Toàn tỉnh có 18 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 330km với tỷ lệ cứng hóa 100%. Các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp với tổng chiều dài là 181km. Hệ thống đường giao thông nông thôn được quan tâm phát triển mạnh với 4.199km đường giao thông nông thôn và 2.159km đường giao thông nội đồng (trong đó 1.115km đường trục chính), với tỷ lệ cứng hóa lần lượt là 90,1% và 55%.

Huy động mọi nguồn lực phát triển giao thông

Theo ông Hoàng Văn Minh, trong giai đoạn tới, để hạ tầng GTVT của tỉnh đáp ứng tốt yêu cầu phát triển, ngành GTVT Vĩnh Phúc xác định cần tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, trong đó chú trọng nguồn nội lực cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức.

Bên cạnh việc tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành Trung ương để triển khai các dự án giao thông có tính chất đột phá, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, du lịch trên địa bàn; ngành GTVT Vĩnh Phúc sẽ tập trung vào các dự án trọng điểm như: Đường vành đai III trong quy hoạch GTVT đoạn Hương Canh - Yên Lạc; Đường nối từ đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh vào khu danh thắng Tây Thiên; Đường từ nút giao lập thể Văn Quán đi Sông Lô; Đường từ ĐT302 đi Đền Thõng qua khu danh thắng Tây Thiên và qua Thiền viện Trúc Lâm… Đồng thời, sẽ tích cực kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; tiếp tục phát huy, vận động nhà nước và nhân dân cùng làm để phát triển giao thông nông thôn.

“Ngành GTVT Vĩnh Phúc mong muốn giao thông phát triển sẽ là khâu đột phá, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối giao thương với các khu vực lân cận và cả nước, từng bước, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông nhằm nâng cao chất lượng khai thác, bảo đảm giao thông thông suốt, nhằm góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị của địa phương”, ông Minh cho biết.

An Na

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/ket-noi-giao-thong-vinh-phuc-tao-da-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-d223199.html