Kết nối điêu khắc với đời sống

Xưa nay, vị trí của các tác phẩm điêu khắc sau khi kết thúc triển lãm thường là ở nhà riêng của các tác giả, không nhiều tác phẩm bán được hoặc được đem trưng bày ở nơi công cộng. Triển lãm các tác phẩm điêu khắc, biểu tượng kiến trúc đặt trước các trụ sở, tòa nhà, khu đô thị, công viên, nơi công cộng vừa diễn ra trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội được hy vọng sẽ khởi đầu cho một sự kết nối giữa điêu khắc với đời sống.

Không khó để thấy, hiện nay cùng với sự phát triển của các khu đô thị, các khu chung cư mới, nhu cầu làm đẹp, trang trí khuôn viên, ngoại cảnh cũng tăng cao. Tuy nhiên, điểm chung của hầu hết các khu đô thị lớn hiện nay là sử dụng các mẫu tượng, các tác phẩm điêu khắc theo kiểu dáng của châu Âu, có nơi chưa phù hợp với cảnh quan và gu thẩm mỹ của người Việt.

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết, một thực tế khác là các nghệ sĩ hiện nay trong quá trình sáng tạo cũng thường ít khi nghĩ đến việc đặt tác phẩm của mình ở đâu, trừ tượng đài. Việc hình dung trước tác phẩm sẽ được đặt trong một không gian cụ thể nào đó cũng tác dụng khuyến khích tác giả trong quá trình sáng tác. Thí dụ như tác phẩm đoạt giải nhất ở Triển lãm “Nguồn sống” của tác giả Trần Văn Thược (Ninh Bình) với hình ảnh những con thoi sẽ được đặt trong không gian vườn hoa của làng lụa Vạn Phúc. Hay bức “Nhịp sống” của tác giả Vũ Quang (Bắc Ninh) bằng chất liệu len quấn, mô tả hình ảnh những con người hối hả di chuyển, rất phù hợp đặt trong không gian của một trung tâm thương mại. Một tác phẩm khác là “Blousse trắng” của tác giả Lê Quốc Tiến (TP Hồ Chí Minh), tạc bằng đá trắng mô tả một phụ nữ bế hai em bé, dự kiến đặt trong khuôn viên của bệnh viện.

Tác phẩm "Blousse trắng".

Kiến trúc sư Nghiêm Tấn Vạn đề cập đến một không gian được làm đẹp hơn bởi những tác phẩm điêu khắc. Đó là Flamigo Đại Lải, nơi đặt các cuộc triển lãm điêu khắc định kỳ hằng năm. KTS Nghiêm Tấn Vạn nói: “Những tác phẩm sinh ra trong không gian kiến trúc đó, được trưng bày ở đó và khi khách đến tham quan, họ cũng thấy không gian đó đẹp hơn. Không gian đẹp lại có tác dụng thu hút khách. Đó là cách kết hợp của chủ đầu tư thông minh, gắn kết kinh doanh với nghệ thuật, khiến cho công việc kinh doanh hiệu quả hơn”.

Thế nhưng một thực tế hiện nay là nghệ sĩ sáng tác cứ sáng tác, xong rồi cất kho cho mình hoặc cùng lắm là bạn bè, người thân, ai qua nhà thì ngắm, chứ không có đầu ra. Nhà điêu khắc Nguyễn Vũ Cường nói: “Nghệ sĩ luôn khao khát sáng tác nhưng câu hỏi lớn luôn là đầu ra ở đâu? Sáng tác xong không biết bày ở đâu, cho cũng không ai lấy. Triển lãm này là một hướng đi cần thiết. Chúng ta nên coi tác phẩm nghệ thuật cũng là một loại hàng hóa, và tuân theo xu hướng thị trường”. Nhà điêu khắc Nguyễn Vũ Cường cũng đưa ra ý kiến nên có hội nghị khách hàng, mời các chủ đầu tư, các nhà quản lý các khu đô thị đến để giới thiệu, chào hàng.

Nhiều chủ đầu tư, quản lý khu đô thị chưa nhận thức được giá trị mà tác phẩm điêu khắc đem lại cho họ, chẳng hạn như trước khi diễn ra triển lãm này, ban tổ chức đã ngỏ lời với nhiều nơi, trong đó có khu đô thị Times City đặt triển lãm trong khuôn viên của họ, nhưng ban quản lý đã đòi một mức giá quá cao. Cũng có những khu đô thị ý thức được việc làm đẹp bằng các tác phẩm điêu khắc, nhưng lại lựa chọn những bức tượng sao chép của châu Âu, lạc lõng với môi trường Việt Nam. Điều đó cho thấy còn cần cả sự thay đổi về nhận thức của công chúng, mà sự ra đời của triển lãm này chỉ như một sự khởi đầu của cả chặng đường dài.

Kiến trúc sư Nghiêm Tấn Vạn nhìn nhận: “Cái lớn nhất của nghệ sĩ là phải đưa được tác phẩm của mình vào trong công chúng. Nghệ sĩ phải đi tìm nhà đầu tư, cũng như các nhà đầu tư cần tìm đến nghệ sĩ”. Giá trị và sức sống của các tác phẩm điêu khắc lâu dài nhất là ở trong đời sống của công chúng.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/vanhoa/item/31296302-ket-noi-dieu-khac-voi-doi-song.html