Kết nối cung-cầu: Phải tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chương trình kết nối cung-cầu mới chỉ là phần ngọn, quan trọng là phải tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Nhiều đặc sản vùng miền được người tiêu dùng biết đến thông qua chương trình kết nối cung-cầu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Trong những năm gần đây, Bộ Công Thương và các địa phương đã tăng cường công tác kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa giữa các vùng miền. Tuy nhiên, để tạo ra sự lan tỏa lớn hơn vẫn cần sự phối hợp từ nhiều phía, trong đó vai trò quan trọng nhất vẫn là doanh nghiệp.

Cải thiện đầu ra cho sản phẩm

Hội nghị kết nối cung-cầu sản phẩm, hàng hóa giữa Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước được tổ chức tại Hà Nội vào chiều 1/12 đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp tham gia. Cùng với đó là các đặc sản địa phương được giao thương và kết nối vào các kênh bán lẻ.

Bà Nguyễn Thị Lộc, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn nông sản thực phẩm sinh thái tỉnh Điện Biên cho biết: là một doanh nghiệp nhỏ lại ở vùng sâu, vùng xa, việc kết nối cung-cầu là một dịp quan trọng để doanh nghiệp có điều kiện đưa các sản vật vùng miền đến các nhà cung cấp, các nhà phân phối và đến tận tay người tiêu dùng.

"Hiện mặt hàng gạo Điện Biên đã được cấp chỉ dẫn địa lý và là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao được giá trị thương hiệu. Bên cạnh đó, khi tiến hành giao thương, thông qua chỉ dẫn địa lý khách hàng trong nước và quốc tế sẽ biết đến sản phẩm của địa phương và bảo hộ cho sản phẩm đó," bà Lộc nói.

Còn theo đại diện một doanh nghiệp nông sản trên địa bàn tỉnh Hà Giang, việc giao thương kết nối cung-cầu giúp hàng hóa của các địa phương được quảng bá rộng rãi, giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm, quy trình sản xuất và nguồn gốc xuất xứ của những sản phẩm đó.

"Thông qua việc kết nối cung-cầu, các doanh nghiệp có thể học hỏi, nâng cao quy trình sản xuất và công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định, nhất là về an toàn thực phẩm," vị này cho biết.

Phải tạo ra chuỗi giá trị

Đến thời điểm này, Thành phố Hà Nội đã tổ chức các chương trình liên kết vùng, giao thương kết nối cung cầu với trên 50 tỉnh, thành phố trên cả nước. Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành đã trở thành hoạt động thường niên nhằm đưa hàng hóa từ các địa phương khác về Thủ đô tiêu thụ, qua đó cũng tạo động lực giúp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, trong năm 2016, đã có trên 350 hợp đồng, biên bản thỏa thuận, ghi nhớ hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm có thế mạnh của các địa phương vào các hệ thống phân phối trên địa bàn Thành phố, góp phần nâng cao giá trị hàng Việt trong thời kỳ hội nhập.

Bên cạnh đó, Hà Nội là thị trường tiêu thụ với sức mua lớn của cả nước, hạ tầng thương mại được đầu tư với quy mô lớn, mạng lưới phân phối phát triển đồng bộ, hiện đại hàng đầu cả nước với 21 trung tâm thương mại, 118 siêu thị, 454 chợ, trên 600 hệ thống cửa hàng tiện ích, trên 50 chuỗi kinh doanh các hàng nông sản, thực phẩm,... có khả năng tập trung, phát luồng hàng tới các vùng, miền trong cả nước và xuất khẩu.

Chủ tịch Thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, cùng với hội nghị giao thương kết nối cung-cầu và các chương trình phát triển thị trường được Bộ Công Thương tổ chức sẽ là một chuỗi sự kiện liên kết có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và nâng cao thế mạnh đặc sản của các địa phương một cách ổn định, bền vững.

Mặc dù đánh giá cao sự hợp tác của các địa phương trong thời gian qua nhằm thúc đẩy và giao thương hàng hóa, nhưng theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chương trình kết nối cung-cầu mới chỉ là phần ngọn để chắp nối sản xuất đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối.

Quan trọng hơn, theo lãnh đạo VCCI, chương trình cần phải đi đến một kết quả mạnh mẽ hơn, đó là tạo ra chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng.

Ông Lộc cho rằng, các doanh nghiệp Thủ đô với lợi thế về công nghệ cần phải hỗ trợ cho doanh nghiệp các tỉnh thành nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa trong việc tiếp cận công nghệ hiện đại nhằm đáp ứng các quy trình sản xuất, cung ứng sản phẩm có giá trị cao.

Theo ông, các doanh nghiệp lớn nhất của Việt nam phải trở thành trung tâm của chuỗi giá trị, "bám rễ" vào các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các tỉnh, thành, địa phương để đưa hàng hóa đến với người tiêu dùng./.

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/ket-noi-cungcau-phai-tao-ra-chuoi-gia-tri-tu-san-xuat-den-tieu-dung/418784.vnp