Kết luận về nguyên nhân cá chết -Phân tích theo khoa học sẽ là 'thừa, và xa xỉ'

Tamnhin.net - TS. Nguyễn Đức Thắng nhận định theo kết luận về nguyên nhân cá chết trong thảm hỏa môi trường lịch sử tại 4 tỉnh duyên hải miền Trung xẩy ra ngảy 6/4/2016, do nước thải của công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) gây ra, đã được công bố chính thức vào ngày 30/6/2016, nếu phân tích theo khoa học sẽ là “thừa, và xa xỉ”.

TS Nguyễn Đức Thắng

TS Thắng nêu các ý chính về bản kết luận và phân tích như sau: Các chất độc hại có trong chất thải của Formosa

1. Do phenol (C6H5-OH), xianua (CN- ) là những độc tố mạnh làm chết cá.

2. Do phenol, xianua được kết dính vào hydroxit sắt (Fe(OH)3 ) lắng đọng xuống đáy như một tấm chăn trôi đi xa, các “ổ độc” di động này hút nhả độc tố làm chết cá; phần lớn cá chết là cá sống ở tầng đáy.

3. Do một số mẫu cá chết có hàm lượng xianua từ 0,39 – 40mg/kg và phenol từ 5 – 340mg/kg. Thủ phạm là Formosa Hà Tĩnh đã rõ và chính xác. Nhưng kết luận về nguyên nhân cá chết thì sai. I. Kết luận đã công bố dựa trên cảm tính, suy diễn chủ quan:

Kết luận đã công bố đối kháng với thực tế hiện trường khi sự cố xẩy ra, với một số qui luật tự nhiên, với khái niệm trụ cột của môn độc tố học (toxicology), với thông lệ thế giới giải thích nguyên nhân cá chết hàng loạt.

Dưới đây là những phân tích về những ý chính của kết luận liên hệ với những đối kháng này.

1. Về phenol, xianua là những độc tố mạnh Nguyên nhân làm cá chết cấp tính hàng loạt chia làm 2 loại cụ thể sau:

a) Bị tiếp xúc/phơi nhiễm với độc tố, đến đủ nồng độ gây chết LC50.

b) Bị chết do thiếu oxy hòa tan trong nước. Hai nguyên nhân này khác nhau cơ bản về bản chất hóa học và cơ chế gây chết. Kết luận đã công bố thuộc về nguyên nhân a), vì phenol và xianua được coi là những độc tố mạnh. Suy diễn này đã bỏ qua điều kiện bắt buộc cần có là nồng độ của phenol và xianua trong nước biển khi đó phải lớn hơn hoặc bằng LC50.

Trong độc tố học (toxicology ) và sự cố môi trường (environmental accident) có khái niệm trụ cột là LC50 (Lethal Concentration), là nồng độ (mg/L) độc tố làm 50% quần thể cá chết sau một thời gian tiếp xúc nhất định. Có nghĩa là cá sống trong nước có chứa phenol, xianua sẽ chết cấp tính khi nồng độ của chúng vượt quá giá trị LC50. Độc tố nào có giá trị LC50 càng thấp thì càng độc và ngược lại nếu LC50 càng cao thì càng ít độc, an toàn.

Trong nhân dân, có câu nói có tính qui luật là “Suy cho cùng một chất độc hay không độc còn tùy thuộc vào nồng độ của nó”. Ví dụ, muối hoặc dấm chua chúng ta ăn ít thì không sao, nhưng nếu ta dùng vượt liều gây tử vong sẽ nguy hiểm.

Thuốc ngủ nếu ta uống 1 hoặc 2 viên không sao; nhưng ta uống 10 - 20 viên một lúc sẽ khó mà cứu chữa. Ngay cả thuốc bổ (nhâm sung, cao hổ v.v..) cũng sẽ trở thành độc hại nếu ta uống liên tục quá liều bác sĩ chỉ định.

2 Việc xác định LC50 là những thí nghiệm khoa học rất công phu, tốn kém.

Ví dụ 1: F. Pablo và cộng sự(1) đã thực hiện nhiều thí nghiệm để xác định LC50 sau 96 giờ cho loài cá biển của Úc là bass Macquaria Novemaculeata, có chiều dài là 2cm (rất bé), tiếp xúc với các nồng độ khác nhau của xianua và phức của xianua với sắt cụ thể là NaCN, K3Fe(CN)6 và K4Fe(CN)6 .

Các yếu tố khác còn lại của nước thí nghiệm phải duy trì tương đương với nước biển. Thí nghiệm với độ mặn là 32g/L, pH = 8, ToC = 23, oxy hòa tan bằng 80% mức bão hòa; với 16 giờ chiếu sáng và 8 giờ trong tối, cho ăn bằng các vụn tôm khô. Kết quả: 96-h LC50 đối với NaCN là 0,109mg/L, K3Fe(CN)6 là 2,83mg/L và K4Fe(CN)6 là 285mg/L.

Ví dụ 2: F. D. de Moraes(2) và cộng sự đã xác định LC50 cùa phenol đối với 2 loài cá da trơn là Ictalurus punctatus và Piaractus mesopotamicus. Cụ thể đối với I. punctatus: 54 con làm thí nghiệm, có khối lượng trung bình là 16gam, dài 12cm, nhiệt độ nước 270C, pH=7, oxy hòa tan 6mg/L, suốt quá trình thí nghiệm không cho ăn; LC50 sau 96 giờ tiếp xúc với phenol là 15,08mg/L. Đối với loài P. mesopotamicus: 60 con làm thí nghiệm, có khối lượng trung bình là 22gam, dài 13,4cm, nhiệt độ nước 270C, pH=7, oxy hòa tan 5,2mg/L, suốt quá trình thí nghiệm không cho ăn; LC50 sau 96 giờ tiếp xúc với phenol là 32,5mg/L. (3)Theo Viện Quản lý Xyanua Quốc tế (ICMI), cá và các loài động vật dưới nước đặc biệt nhạy cảm với xyanua.

Nồng độ các chất xianua tự do trong môi trường nước khác nhau 5-7,2 mg/L sẽ làm giảm hiệu suất bơi và ức chế sinh sản ở nhiều loài cá. LC50 từ 20-76 mg/L, có thể khiến nhiều loài cá chết; nồng độ vượt quá 200mg/L gây độc với tất cả các loài cá. Thực tế nồng độ phenol và xianua có trong tất cả các mẫu nước mà Đoàn điều tra thu thập và của cả 4 tỉnh miền Trung tự lấy đem phân tích, đều vô cùng nhỏ, vô cùng thấp, đều dưới 0,005mg/L rất an toàn cho tôm, cá (nhỏ 10.000 lần so 50mg/L - LC50 trung bình của xianua - và nhỏ 5.000 lần so với 25mg/L - LC50 trung bình của phenol).

Nồng độ của phenol, xianua trong nước biển dưới 0,005mg/L thấp hơn 4 lần so với QCVN 08:2008/BTNMT về chất lượng nước mặt; đối với nước biển thì nồng độ tối đa được phép của phenol (tổng số) và xianua (CN- ) đều là 0,02mg/L. Không có bất cứ QCVN nào có mục đích làm căn cứ để xác định nguyên nhân cá chết, cho dù nếu nồng độ của phenol, xianua có lớn hơn nhiều lần 0,02mg/L.

Sai lầm phổ biến, từ Trung ương cho đến địa phương là cứ thấy mẫu nước phân tích có một chất nào đó lớn hơn 2 – 3 lần QCVN 08 thì kết luận luôn độc tố đó là nguyên nhân gây chết cá. Cụ thể Thừa Thiên - Huế lấy mẫu phân tích thấy phenol và xianua đều dưới 0,005mg/L, nhưng Crom và amoni cao hơn QCVN 08 nên đã loại trừ phenol và xianua và kết luận nguyên nhân là Crom và amoni.

Căn cứ để xác định nguyên nhân cá chết phải là LC50. Chỉ số này trên toàn thế giới không pháp lý hóa dưới dạng các quy chuẩn; chỉ được các đơn vị nghiên cứu, các trường đại học, các vụ, viện công bố rải rác trên các tài liệu khoa học. 2. Về quan điểm không nên quan tâm đến nồng độ của Đoàn điều tra: 3 Trong quá trình điều tra, Lãnh đạo Đoàn đã đưa ra khuyến nghị “Chúng ta không nên quan tâm đến nồng độ, mà đặc biệt quan tâm đến tổng lượng xả thải ra môi trường” (4) Khuyến nghị này đã góp phần đưa ra một kết luận sai lầm về nguyên nhân cá chết.

Thuần túy về khoa học, kỹ thuật chuyên môn thì đây là một quan điểm đưa khoa học công nghệ môi trường vào ngõ cụt, đặc biệt là không thể quản lý được chất lượng môi trường nếu như không quan tâm đến nồng độ. Đơn giản vì:

a) Không biết nồng độ thì không thể tính được tổng lượng. Cả thế giới, ngàn năm nay đều tính khối lượng (M) theo công thức M = C x V (trong đó C là nồng độ, V là thể tích). Trong nước thải của Formosa Hà Tĩnh có hàng trăm hợp chất khác nhau, nếu không lấy mẫu đo, phân tích nồng độ của phenol, xianua v.v.. thì làm sao mà tính nổi tổng lượng phenol, xianua có trong 1000m3 nước thải hàng ngày của khâu luyện cốc? Phân tích mẫu nước thải này cho nồng độ trung bình của phenol là 750g/m3, của xianua là 50g/m3. Từ đó tính được trung bình mỗi ngày Formosa Hà Tĩnh đã đổ (từ 12/2015 đến 6/4/2016) vào biển 750kg phenol và 50kg xianua.

b) Quan điểm “không nên quan tâm đến nồng độ” đã đưa Đoàn điều tra đến kết luận võ đoán về nguyên nhân “phenol, xianua là những độc tố do vậy cá chết là đương nhiên”, vất bỏ khái niệm trụ cột của độc tố học và là điều kiện bắt buộc, không thể thiếu được là nồng độ của chúng có trong nước biển khi đó phải lớn hơn LC50.

c) Bộ Tài Nguyên, Môi trường nhiều năm nay đã ban hành hàng loạt các QCVN về quản lý chất lượng nước. 100% các văn bản QCVN đều chỉ nói về nồng độ, tuyệt nhiên không nói đến tổng lượng. “Không nên quan tâm đến nồng độ” tức là vất bỏ QCVN đi.

Do sức ép phải ưu tiên cho sản xuất nên Bộ Tài Nguyên, Môi trường gần chục năm qua đã phải cắt giảm, nới lỏng QCVN; vô hình chung Bộ này đã góp phần thúc đẩy sự tăng tốc phát triển bệnh ung thư, làm cho cả đất nước ta hiện đang phải gồng mình lên chống trả bệnh ung thư.

Hơn thế nữa, sự cắt giảm, nới lỏng các QCVN đã can thiệp thô bạo vào cơ chế thị trường, làm cho giá cả không phản ánh sự thật của các hệ sinh thái, tàn phá môi trường. Về vấn đề này ông Oystein Dahle(5) đưa ra dự báo “Chủ nghĩa tư bản có thê ̉̃sụp đổ nếu không để giá cả phản ánh sự thật sinh thái”.

Để cứu cho CNTB ở các nước giàu có không bị sụp đổ và tăng cường sức khỏe cho nhân dân, họ thực hiện “xiết chặt hơn các nồng độ”, nâng cao các qui chuẩn.

3. Dựa trên một thí nghiệm “nghiệp dư”: Đoàn điều tra đã lấy mẫu nước thu được từ vệt nước màu đỏ gạch ở Quảng Bình ngày 4/5, Hà Tĩnh ngày 5/5 và 12/5 làm thí nghiệm với cá, cho kết quả tỷ lệ cá chết 80-100% trong 3 – 30 phút. Phân tích mẫu nước, hàm lượng sắt trong cặn lơ lửng cao (gần 25%), hydroxit sắt (gần 50%) và chứa phenol. Từ đó suy ra cá chết vì phenol và xianua.

4 Nếu đúng như vậy, thì đây là một thí nghiệm chưa khoa học và chủ quan. Vì không đo nhiệt độ, không đo pH, không đo oxy hòa tan, không đo độ mặn, thí nghiệm với bao nhiêu con cá, cá nước mặn hay cá nước ngọt, cân nặng v.v.. . Cái quan trọng nhất là nồng độ của phenol bao nhiêu mg/L làm cho cá chết lại không công bố.

Một thí nghiệm có chủ ý, không khách quan hoàn toàn có thể làm cho cá chết trong 3 – 30 phút. Ví dụ, lấy nhiều hạt keo màu đỏ, dùng hóa chất giải hấp phụ để giải phóng phenol, xianua; thí nghiệm được thực hiện trong chậu nhỏ, tạo nồng độ phenol cao hơn LC50 sẽ làm cá chết tức thì. Tuy nhiên, môi trường nước trong chậu hoặc bể này hoàn toàn xa lạ với môi trường nước biển, nơi mà cá đang sống bỗng qua một đêm chết hàng loạt.

Đoàn điều tra đã “bỏ quên” một qui luật rất cơ bản nữa của tự nhiên là nước biển và đại dương mênh mông vô tận nên nồng độ từng độc tố, kể cả đổ cả chục tấn vào rồi sẽ bị pha loãng thành rất nhỏ. Cụ thể nước biển và đại dương gồm 96,66% là nước tinh khiết (H2O), xáo trộn đồng đều với 3,02% là muối ăn (NaCl), còn lại 0,32% cho tất tật mọi chất khác có thể (các hợp chất hữu cơ hòa tan độc và không độc, các hợp chất hữu cơ dễ bị sinh hủy hay khó bị sinh hủy, các kim loại nặng v.v.. )

4. Phenol, xianua được kết dính vào hydroxit sắt Fe(OH)3: Kết quả thí nghiệm của F. Pablo và cộng sự(1) nêu ở trên cho thấy khi xianua tạo 2 phức khác nhau với sắt thì độc tố của nó đã giảm đi từ 26 đến 2600 lần! Có một nguyên tắc phổ quát là các độc tố khi ở dạng tự do có độc tính cao hơn khi bị tạo thành phức hoặc bị hấp phụ. Hydroxit sắt là chất không độc. Nếu tạo phức hay hấp phụ với phenol hoặc xianua thì càng làm giảm độc tính của phenol và xianua.

Trong các bệnh viện, để cấp cứu, giải độc cho bệnh nhân nếu bị uống phải phenol, xyanua, hay thuốc trừ sâu v.v… các bác sĩ thường cho uống ngay bột than hoạt tính. Than hoạt tính sẽ hấp phụ các độc tố, qua đó vô hiệu hóa độc tính của chúng.

Thực tế này trái ngược hẳn với kết luận đã công bố cho rằng chất keo hydroxit sắt với phenol hay xyanua là “ổ độc” di động hút nhả độc tố làm cá chết. Nghị sĩ Kuen-yuh Wu(6) Đài Loan, chuyên gia về độc tố học, cho biết nhiều người đang kiện Formosa vì tỷ lệ ung thư gia tăng ở Vân Lâm Đài Loan. Trong một số buổi điều trần ông luôn kêu gọi Formosa phải giải trình vụ cá chết ở Việt Nam.Về "tấm chăn" khổng lồ di động hút nhả các độc tố làm cá chết, ông nói “Là chuyên gia về độc tố học, tôi chưa từng đọc thấy tài liệu nào nói trường hợp hút nhả các chất độc kiểu này".

5. Về hàm lượng cao của phenol và xianua trong cá: Thậm chí không cần cơ sở lý luận của độc tố học nữa (toxicology, LC50), chỉ cần duy nhất một thực tế sau đây đã đủ hoàn toàn làm sụp đổ kết luận đã công bố về nguyên nhân cá chết.

Đó chính là nhà máy sản xuất than cốc của Formosa Hà Tĩnh đã đi vào hoạt động từ tháng 12/2015 đã 4 tháng liên tục xả thải hàng ngày 10.000 – 12.000 m3 nước thải, trong đó có khoảng 1000m3 nước thải của khâu luyện than cốc, có chứa hàng tấn hóa chất độc hại khác nhau; trong đó có khoảng 700 – 800kg phenol và 40 – 60kg xianua vào môi trường, thế mà không một con cá nào chết!! 5 Hệ thống xử lý sinh hóa của công ty thời gian này có vấn đề(7) vì chưa được nạp vi khuẩn đặc chủng để xử lý phenol và xianua.

Những đàn cá vẫn bơi lội tung tăng, vẫn “ăn, uống” phenol và xianua, kim loại nặng vào tích tụ trong cơ thể chúng. Ngoài ra, theo qui luật của tự nhiên cá lớn ăn cá bé, cá bé ăn cá bé hơn, cá bé hơn ăn các động vật phù dù, các động vật phù du này ăn mọi thứ độc hại có trong nước.

Đây là chuỗi thức ăn, thông qua chuỗi này các độc tố dù có nồng độ rất nhỏ trong môi trường nước cũng sẽ được “tích tụ và khuyếch đại đến hàng nghìn, hàng triệu lần trong cơ thể động vật bậc cao hơn”. Trên internet có rất nhiều hình ảnh minh họa về qui luật của tự nhiên này mà Đoàn điều tra “bỏ quên”.

Đó là sự tích tụ và khuyếch đại các độc tố thông qua chuỗi thức ăn (biological accumulation and magnification of pollutants in food chain). Ví dụ: Thuốc bảo vệ thực vật DDT với nồng độ coi như không có trong nước, là 0,000003mg/L. Động vật phù du ăn DDT, lấy mẫu đem phân tích thấy hàm lượng DDT là 0,04mg/kg; mẫu cá bé cho hàm lượng 0,5mg/kg, mẫu cá lớn cho hàm lượng 2mg/kg (hệ số khuyếch đại là 0,66 triệu lần), mẫu chim ăn cá cho hàm lượng DDT 25mg/kg (hệ số khuyếch đại là 8,3 triệu lần!!).

Nếu lấy kết quả phân tích tất cả các mẫu nước biển 4 tỉnh miền Trung cho phenol và xianua đều dưới 0,005mg/l (4 lần thấp dưới QCVN 08:2008/BTNMT, 0,02mg/L), nhân với hệ số khuyếch đại 0,66x106 x 0,005 cho ta 3.300mg/kg (3,3g/kg) trong cá lớn!!. Thật kinh hoàng cho quá trình tích tụ và khuyếch đại độc tố này.

Mang trong mình một hàm lượng lớn độc tố như vậy nhưng cá vẫn tung tăng bơi lội, vẫn sống để cho người dân đánh bắt và ăn. Để minh họa các qui luật tự nhiên trên, dưới đây là bảng tổng hợp kết quả nghiên cứu công bố tháng 6/2014 của Bazzi(8) , A. O. về các kim loại nặng trong nước biển, trong trầm tích và trong các con hầu (oysters S. cucullata) tại vịnh Chabahar, biển Oman.

Đồng Kẽm Chì Cadmi Crom Niken Sẳt Magan Nước biển (mg/L) 0,0034 – 0,0057 0,018 – 0,023 0,0042 – 0,0045 0,00015 – 0,00019 0,020 – 0,021 0,016 – 0,017 0,015 – 0,025 0,007 – 0,008 Trầm tích mg/kg 47 – 55 40 - 43 26 - 28 0,5 – 0,6 47 - 51 26 - 29 52 - 53 84 - 89 Con hàu mg/kg 134 - 145 157 - 191 15 - 17 0,4 – 0,5 23 - 28 29 - 38 5810 - 6250 40 - 49 Đoàn điều tra quốc gia đã lấy mẫu cá chết đem phân tích thấy có một số mẫu cho hàm lượng xianua từ 0,39 – 40mg/kg và phenol từ 5 – 340mg/kg, mặc dù có sự chênh lệch rất lớn về số liệu (gấp 100 lần cho trường hợp xianua, và 68 lần cho phenol), chứng tỏ độ tin cậy yếu, tính đại diện thấp, nhưng đã vội coi là chứng cứ, bằng chứng không thể chối cãi và kết luận cá chết là do độc tố phenol và xianua.

Lại tiếp tục một suy diễn cảm tính và chủ quan, bỏ qua qui luật của tự nhiên là tích tụ và khuyếch đại các độc tố trong chuỗi thức ăn. 6 QCVN 01:2009/BYT Về chất lượng nước ăn uống, qui định hàm lượng tối đa của 109 các “độc tố” được phép có trong nước ăn uống, ví dụ: Tổng chất rắn hòa tan TDS 1000mg/L, hàm lượng Nhôm 0,2mg/L, amoni 3mg/L, Bo 0,3mg/L, Clorua 250mg/L, Crom tổng số 0,05mg/L, xianua 0,07mg/L, Niken 0,02mg/L, Nitrat 50mg/L, Sunphat 250mg/L, phenol 0,001mg/L, thuốc trừ sâu DDT 0,002mg/L v.v..

Cần nhớ QCVN này hoàn toàn không phải là căn cứ để suy diễn nguyên nhân cá chết nếu hàm lượng độc tố trong cá vượt vài trăm lần cho phép. Đây là sai lầm phổ biến của các cán bộ chuyên môn từ Trung ương đến địa phương. QCVN 01 với LC50 là hoàn toàn khác nhau, cả về bản chất và mục đích ban hành. Kiểu suy diễn “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không thể trả lời được câu hỏi “tại sao hàng vạn con cá còn đang sống ở ngoài biển, nếu lấy mẫu phân tích cũng cho hàm lượng độc tố ngang bằng với mẫu cá cùng loại chết trong cùng một vùng nước”, giải thích sao đây?

Tuy nhiên, tất cả những phân tích về khoa học nguyên nhân cá chết mà tôi viết cũng sẽ là “thừa, và xa xỉ”, chúng ta có thể tạm thời gác bỏ sang bên. Chỉ với 2 thực tế sau đây, tự mỗi người dân bình thường thôi có thể tự trả lời được cá chết vì đâu:

Thực tế 1) Tại sao lại đổ cho phenol, xianua hay độc tố khác là nguyên nhân làm chết cá trong khi công ty Formosa Hà Tĩnh đã từ tháng 12/2015 hàng ngày đổ 1000m3 nước thải có chứa gần tấn phenol và xianua là những chất cực độc vào biển, liên tục 4 tháng liền mà cá vẫn tung tăng nhảy múa, hát ca?? Thế giới chưa có ở đâu giải thích nguyên nhân các chết (qui mô như 4 tỉnh duyên hải miền Trung) bằng các độc tố. Vì phenol, xianua và những độc tố mạnh khác nữa chưa đủ “đô” ở ngoài biển cả mênh mông đến nồng độ khoảng 25mg/L (LC50) có thể làm chết cá cấp tính hàng loạt.

Thực tế 2) Cá đã chết lăn đùng, ngã ngửa sau một đêm, sáng ngày 6/4/2016 thấy nổi trắng dạt vào bờ biển, trùng khớp đúng với trước đó một ngày Formosa Hà Tĩnh do sự cố (nhà thầu và mất điện 5 ngày) đã đổ vào biển 2500m3 nước thải có chứa 5 tấn kation Fe2+ làm cạn kiệt oxy vốn đã nghèo nàn của cả một dải nước dài khoảng 150km tầng đáy. Đối với qui mô cá chết cấp tính, hàng loạt ở những vùng ven biển lớn như 4 tỉnh duyên hải miền Trung, hiện duy nhất “thông lệ thế giới” giải thích bằng có yếu tố nào đó làm cạn kiện oxy vốn đã nghèo nàn ở tầng đáy.

Vậy bây giờ chúng ta chọn nguyên nhân nào? a) hay b) (thực tế 1 và 2).

Tôi trân trọng sự thực và một người đồng nghiệp của tôi đã viết kết thúc bài phản biện của anh ấy với bài viết này của tôi bằng 3 câu sau:

Khoa học không có tình thương và cũng không có hận thù.

Khoa học không có bôi bác và cũng không có vị nể.

Khoa học là thẳng thắn, trung thực, và chính xác.

TS Nguyễn Đức Thắng

Còn tiếp

Nguồn Tầm Nhìn: http://tamnhin.net/ket-luan-ve-nguyen-nhan-ca-chet-phan-tich-theo-khoa-hoc-se-la-thua-va-xa-xi-129621.html