Kết hợp sức mạnh của các xu thế công nghệ mới

Các cuộc khảo sát chuyên ngành gần đây đã cho thấy thương mại điện tử trên nền tảng di động là hướng phát triển tất yếu của ngành thương mại điện tử ở Việt Nam. Giới chuyên gia nhận định các doanh nghiệp trong ngành cần năng động và linh hoạt trong việc kết hợp thời kỳ di động hóa mạnh mẽ với giai đoạn phát triển ban đầu của thương mại điện tử.

Theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, hiện trên toàn thế giới có khoảng 7,4 tỉ thiết bị di động, gần 2,2 tỉ người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone). Trong khi đó, ở Việt Nam có khoảng 45 triệu người sử dụng Internet và 35 triệu người sử dụng điện thoại thông minh. Các con số thống kê đó cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của điện thoại thông minh cùng kết nối di động ở một thị trường vừa bước vào giai đoạn phát triển ban đầu của thương mại điện tử như Việt Nam.

Chú trọng đến tiếp thị trực tuyến

Theo bản Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam năm 2015 (EBI Index 2015) do Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin công bố, có 45% số người sử dụng tìm kiếm thông tin mua hàng qua điện thoại nhiều hơn một lần trong ngày và có tới 27% đã từng đặt hàng qua điện thoại di động. Điều này cho thấy điện thoại thông minh và Internet di động ngày càng phổ biến, thúc đẩy người tiêu dùng thích mua sắm qua mạng. Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán trên thiết bị di động phát triển và độ an toàn cho người sử dụng cá nhân được gia tăng sẽ thúc đẩy thương mại điện tử trên nền tảng di động bùng nổ trong thời gian sắp tới, theo ông Trần Hữu Linh, nguyên Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin.

Cũng theo EBI Index 2015, từ năm 2016 này thương mại điện tử Việt Nam sẽ bước sang giai đoạn phát triển nhanh. Tuy nhiên, sự phát triển này tiếp tục gặp một số trở ngại lớn liên quan đến lòng tin của người tiêu dùng, việc thanh toán và tiếp thị trực tuyến (online marketing).

Bản báo cáo này chỉ ra rằng ngoài tiếp thị trực tuyến qua mạng xã hội, xu hướng chung ở Việt Nam là chi phí cho hoạt động tiếp thị trực tuyến chưa tăng tương xứng với đà phát triển của thương mại điện tử. Mặt khác, tỷ lệ doanh nghiệp đạt được hiệu quả tích cực từ việc tiếp thị trực tuyến chưa cao. Trong khi đó, chi phí cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài có xu hướng tăng.

Một cuộc thống kê gần đây cho thấy chi phí cho khâu tiếp thị trực tuyến của các doanh nghiệp trong nước trong năm 2015 tăng nhẹ so với năm trước đó. Đáng chú ý là 53% số doanh nghiệp tham gia cuộc khảo sát cho biết đã chi dưới 10 triệu đồng cho hoạt động tiếp thị trực tuyến, tương đương tỷ lệ của năm 2014. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp chi trên 50 triệu đồng tăng lên đáng kể. Những kênh tiếp thị phổ biến nhất là mạng xã hội, công cụ tìm kiếm (SEO), báo điện tử và thư điện tử. Tiếp thị qua công cụ tìm kiếm được đánh giá đạt hiệu quả cao nhất.

Kết quả này tương đồng với cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen trong bản báo cáo Global Trust in Advertising 2015. Theo bản báo cáo này, người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng nhiều vào các mẩu quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm, tiếp đó là mạng xã hội, video trực tuyến, banner trực tuyến và ít nhất là quảng cáo qua thiết bị di động.

Trong khi quảng cáo trực tuyến có mối quan hệ mật thiết với việc mua sắm trực tuyến thì nhiều doanh nghiệp trong nước lại chưa quan tâm tới hình thức này. Một số doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ tiếp thị trực tuyến nhưng hiệu quả chưa cao. Mặt khác, các doanh nghiệp phụ thuộc đáng kể vào một số ít nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Thị phần của các doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trong nước khá nhỏ.
Trên phạm vi toàn cầu, theo cuộc khảo sát của eMarketer, tỷ trọng chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến trên tổng số chi tiêu cho hoạt động quảng cáo khá lớn và có xu hướng ngày càng tăng. Ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tỷ trọng này năm 2015 là 32,3% và dự báo tăng lên 36,3% trong năm nay. Hãng eMarketer dự báo mức chi tiêu quảng cáo trực tuyến trong năm nay của Thái Lan là 2,9 tỉ đô la, của Indonesia là 2,7 tỉ đô la, Ấn Độ là 7 tỉ đô la. Ở Mỹ, người trong ngành kỳ vọng doanh thu quảng cáo trực tuyến năm 2016 này sẽ tăng 15,4% và đạt doanh số hơn 68 tỉ đô la, chiếm 32,6% toàn bộ thị trường quảng cáo. Đến năm 2020, tỷ trọng của quảng cáo trực tuyến lên tới 45% và từ năm 2017 doanh thu từ mảng quảng cáo trực tuyến sẽ cao hơn quảng cáo trên truyền hình. Khi so sánh với quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến của Mỹ, có thể thấy doanh số của quảng cáo trực tuyến chiếm tỷ trọng khá cao. Theo hãng nghiên cứu thị trường Forrester, doanh số bán lẻ qua mạng của Mỹ năm 2015 là 335 tỉ đô la và ước tính sẽ đạt 523 tỉ đô la vào năm 2020.

Di động hóa sẽ tạo đà cho kinh doanh trực tuyến

Trong một cuộc trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Hoành Tiến, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần VNG và cũng là người phụ trách khối thương mại điện tử, nói rằng điện thoại di động, đặc biệt là điện thoại thông minh, đã trở thành công cụ truy cập Internet ngày càng quan trọng, và cũng được cá nhân hóa rất cao, đáp ứng yêu cầu tức thời của người sử dụng. Ở Việt Nam, nếu nhìn thương mại điện tử từ góc độ quảng bá thông tin thì lĩnh vực này đã xuất hiện từ lâu, và thiết bị di động rất phù hợp với xu hướng theo dõi tin tức thị trường, hàng hóa… trên Internet của người sử dụng. Nó giúp tạo ra sự tương tác nhiều hơn và bên bán luôn giao tiếp được với bên mua. Điều hạn chế là màn hình của thiết bị di động nhỏ hơn, khó hiển thị được đầy đủ thông tin như máy tính. Tuy nhiên, nếu nhà cung cấp dịch vụ thiết kế một giao diện riêng cho thiết bị di động mang tính tiện ích thì sẽ tạo được lợi thế cho hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng.

Để bắt kịp xu hướng thương mại điện tử trên nền tảng di động, nhiều doanh nghiệp trong thời gian gần đây đã chú trọng việc tạo phần mềm ứng dụng đưa lên thiết bị di động, nhưng lại tập trung chủ yếu vào mảng nội dung, vẫn còn ít ứng dụng mang tính tiện ích phục vụ cho sinh hoạt, cuộc sống… Nhiều doanh nghiệp đã tạo ra sự tương tác với người sử dụng nhưng hình thức tạo ra giao dịch chưa cao. Có thể nói, doanh nghiệp rất muốn hướng đến giao dịch, thanh toán trực tuyến nhưng ở Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, ông Tiến chia sẻ.
Một trong những khó khăn trong việc phát triển thương mại điện tử trên nền tảng di động là việc người tiêu dùng chưa quen lắm với việc mua sắm và trả tiền qua mạng. Thứ hai là tâm lý lo ngại về vấn đề bảo mật. Người tiêu dùng còn ngại giao dịch và thanh toán trực tuyến cũng một phần là vì lo sợ hệ thống không an toàn gây ra những sự mất mát, thiệt hại cho họ.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn chưa có cách thức phân phối phần mềm ứng dụng đến người sử dụng thiết bị di động một cách hữu hiệu. Sự cạnh tranh giữa các nhà phát triển ứng dụng cũng ngày càng gay gắt vì trên mỗi thiết bị, chủ nhân chỉ sử dụng thường xuyên khoảng 20 ứng dụng. Việc xử lý các cá nhân, tổ chức vi phạm bản quyền, làm ăn gian lận trong môi trường kinh doanh trực tuyến cũng chưa thật sự nghiêm minh, vì thế vẫn còn tồn tại sự cạnh tranh không lành mạnh.

Việt Nam tổ chức diễn đàn tiếp thị trực tuyến

Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) sẽ tổ chức Diễn đàn tiếp thị trực tuyến (Vietnam Online Marketing – VOMF) vào ngày 26-8 tại Hà Nội, với sự tham gia của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu và kinh doanh dịch vụ tiếp thị trực tuyến như Google, Facebook, Nielsen, Cốc Cốc, Vinalink, iNet, Bizweb, Z.com…

VOMF là sự kiện có quy mô toàn quốc lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam. Chủ đề chính của diễn đàn năm nay là “Tối ưu hóa hiệu quả tiếp thị trực tuyến”. Ban tổ chức cho biết sự kiện này được dự kiến tổ chức hằng năm, quy tụ cộng đồng kinh doanh dịch vụ tiếp thị trực tuyến cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ này.

Diễn đàn là cơ hội để các tổ chức và cá nhân trao đổi về các xu hướng, công nghệ và giải pháp nhằm mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả của giải pháp tiếp thị trực tuyến. Diễn đàn sẽ hỗ trợ cho các đơn vị quảng cáo trực tuyến giới thiệu về năng lực và sản phẩm thông qua các hình thức quảng bá đa dạng. Mặt khác, các doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ truyền thống, sẽ nhận thức được tầm quan trọng của tiếp thị trực tuyến và có cơ hội nắm bắt những xu hướng mới nhất trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức diễn đàn, ngay từ đầu năm nay VECOM đã tổ chức cuộc thi mang tên SEO Award 2016, thu hút khá đông đảo đội người làm trong lĩnh vực tối ưu hóa công cụ tìm kiếm (Search Engines Optimization – SEO). Lễ trao giải cho các đội thi đạt thành tích cao sẽ diễn ra tại sự kiện VOMF.
Trong khuôn khổ của diễn đàn có bốn chủ đề lớn bao quát những kênh tiếp thị trực tuyến, bao gồm tiếp thị qua công cụ tìm kiếm (SEM), tiếp thị hiển thị (Display Marketing), tiếp thị qua mạng xã hội (Social Media Marketing) và những hình thức tiếp thị khác như tiếp thị qua thiết bị di động, thư điện tử, tiếp thị liên kết…

Nguồn Saigon Times: http://thesaigontimes.vn/150549/ket-hop-suc-manh-cua-cac-xu-the-cong-nghe-moi.html/