Kéo 'đoàn tàu' nội địa hóa

Để tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, lãnh đạo một DN Việt Nam chuyên sản xuất xe đạp điện mới đây đã tiết lộ, DN này phải có tới hàng trăm tỷ đồng cùng việc mất khá nhiều thời gian nghiên cứu thị trường, tìm kiếm đối tác, giúp tỷ lệ nội địa hóa của DN đạt 35%.

Chủ trương tăng tỷ lệ nội địa hóa tại các DN luôn được nhắc đến như một giải pháp giúp các DN giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao sức cạnh tranh, tránh được những rào cản thương mại… Chưa kể, việc tăng tỷ lệ nội địa hóa sẽ giúp thúc đẩy sản xuất trong nước, góp phần phát triển an sinh xã hội đất nước. Hầu hết DN và cơ quan quản lý đều nhận thức được vấn đề này bởi với nhiều ngành nghề, nguyên phụ liệu chiếm tới 75% giá thành của sản phẩm. Nhưng nhìn vào thực trạng ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, không ít DN đã tỏ ra ngao ngán khi cho rằng, các DN này chưa thể đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật cho DN, nhất là đối với việc sản xuất hàng XK.

Từ những yếu kém đang “cản chân” này, nhiều DN mong muốn các cơ quan quản lý quy hoạch và thành lập những khu công nghiệp, những vùng chuyên sản xuất công nghiệp hỗ trợ, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Đặc biệt, giải pháp được khá nhiều địa phương áp dụng tạo ra một “đầu tàu” kéo sự phát triển của các DN khu vực ngành nghề. Tiêu biểu như việc Samsung đầu tư vào tỉnh Bắc Ninh đã thu hút hàng trăm DN hỗ trợ đến đầu tư mới hoặc mở rộng phát triển để trở thành DN “vệ tinh” cho Samsung. Nhờ đó, tỷ lệ nội địa hóa của nhiều DN lớn, tập đoàn lớn đã tăng lên đáng kể, như Samsung đạt hơn 50%, Canon đạt 65%...

Tuy nhiên, tỷ lệ cao này có được là nhờ “sức hút” của những tên tuổi lớn, mang tầm cỡ quốc tế. Với DN trong nước, đặc biệt như DN xe đạp điện nêu trên, DN này đã phải mất chi phí lớn để không chỉ thu hút DN phụ trợ mà còn tự đầu tư phát triển nhà máy sản xuất phụ tùng nguyên liệu riêng.

Những điều này cho thấy, việc nâng tỷ lệ nội địa hóa với các DN Việt Nam còn rất gian nan, không chỉ cần tiềm lực tài chính mà còn cần chiến lược phát triển dài hạn cũng như khả năng thâm nhập thị trường. Do vậy, các DN này rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng để kéo cả một “đoàn tàu” tiến lên, tạo thành chuỗi giá trị, tạo thuận lợi cho sản xuất.

Bình Nam

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/keo-doan-tau-noi-dia-hoa.aspx