Kéo bác sĩ về vùng sâu, vùng xa

Hơn 3 năm triển khai dự án (DA) thí điểm đưa bác sĩ (BS) trẻ tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa của 62 huyện nghèo trên cả nước; đến nay đã đào tạo 55 BS và dự kiến cuối tháng 6 này sẽ đưa một số BS về các huyện thuộc các tỉnh vùng sâu ở miền Bắc công tác.

Hơn 3 năm triển khai dự án (DA) thí điểm đưa bác sĩ (BS) trẻ tình nguyện về các vùng sâu, vùng xa của 62 huyện nghèo trên cả nước; đến nay đã đào tạo 55 BS và dự kiến cuối tháng 6 này sẽ đưa một số BS về các huyện thuộc các tỉnh vùng sâu ở miền Bắc công tác.

Nữ bác sĩ người Tà- Ôi này khi ra trường đã tình nguyện về quê ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế) công tác.

Nữ bác sĩ người Tà- Ôi này khi ra trường đã tình nguyện về quê ở huyện miền núi A Lưới (TT-Huế) công tác.

Thiếu bác sĩ trầm trọng ở huyện nghèo

Xuất phát từ việc tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ y tế của đồng bào các dân tộc ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng kinh tế- xã hội khó khăn còn hạn chế. Do hệ thống y tế công lập tại các vùng này thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là thiếu BS cả về số lượng, hạn chế về chất lượng. Trong khi đó, những năm qua, một bộ phận sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học y khoa chưa được sử dụng tốt, làm việc trái với nghề đào tạo hoặc chưa tìm được việc làm và có xu hướng ở lại các thành phố, thị xã. Hầu hết, các BS mới ra trường không mặn mà với việc trở lại địa phương mình với nhiều lý do như: nơi công tác ở địa phương còn thiếu cơ sở vật chất, không có điều kiện nâng cao chuyên môn nghiệp vụ... Từ thực tế đó, Bộ Y tế đã xây dựng dự án “Thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)” nhằm thu hút BS trẻ mới ra trường tình nguyện về công tác tại tuyến huyện một số địa phương.

Tại buổi hội thảo tham vấn với các địa phương, cơ sở đào tạo về triển khai DA thí điểm nói trên do Bộ Y tế tổ chức vào giữa tháng 5-2017 tại TP Huế, căn cứ kết quả thu thập số liệu báo cáo của 63 tỉnh, hiện số lượng BS của tuyến huyện chiếm 30% trên tổng số BS của cả nước (16.213/57.066 BS). Song trên thực tế ở một số bệnh viện huyện và trung tâm y tế huyện của các huyện nghèo, số lượng và chất lượng của đội ngũ BS còn nhiều bất cập, một số bệnh viện chỉ có 7 - 8 BS, trong đó có 1 - 2 BSCKI (các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu); một số trung tâm y tế huyện chỉ có 4- 5 BS, có 1-2 BSCKI (Bình Định, Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Nghệ An, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang). Theo khảo sát ở 62 huyện đặc biệt khó khăn ở 22 tỉnh thành thuộc DA thí điểm này, hiện còn thiếu 598 BS ở 15 chuyên khoa gồm: Nội, Ngoại, Sản, Nhi, Hồi sức cấp cứu, Gây mê hồi sức, Truyền nhiễm, Chẩn đoán hình ảnh, Y học dự phòng...

Sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược Huế lắng nghe về DA thí điểm đưa BS về vùng sâu, vùng xa và nhiều em đã đăng ký.

Tìm nguồn BS khá, giỏi về bản làng

Theo BS Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế), DA thí điểm đưa BS trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo) bắt đầu thực hiện vào năm 2013, chính thức triển khai năm 2014. Đến nay, DA đã đào tạo 55 BS tại trường ĐH Y Hà Nội. Dự kiến cuối tháng 6 này sẽ đưa về một số BS về các huyện ở các tỉnh vùng sâu miền Bắc công tác. Hội thảo về DA thí điểm vừa tổ chức tại Huế nhằm tham vấn các địa phương, cơ sở đào tạo để các tỉnh có thêm nhiều thông tin, qua đó sẽ “chiêu sinh” thêm các BS tốt nghiệp khối y dược với học lực khá giỏi để đào tạo, đưa về vùng sâu giúp bà con. Tại buổi tham vấn về triển khai thí điểm DA, nhiều SV năm cuối chuẩn bị tốt nghiệp tại trường Đại học Y Dược Huế đã điền thông tin vào phiếu đăng ký, sau đó ban tổ chức sẽ rà soát lại để chọn ra những ứng viên tốt nhất. “Em quê ở Nghệ An và chuẩn bị tốt nghiệp BS đa khoa. Đợt này, em đăng ký về huyện miền núi của quê mình với hy vọng đóng góp một phần kiến thức nhỏ để sẻ chia với những thiệt thòi của bà con đồng bào. Em hy vọng, yêu cầu của mình sẽ khớp theo tiêu chuẩn của DA đề ra”- một sinh viên Trường ĐH Y Dược Huế chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, những ưu đãi trong DA này là, sinh viên tốt nghiệp được chọn sẽ được tuyển dụng vào làm việc các BV tuyến trung ương. Sau đó, các em sẽ được cử đi học BSCKI theo phương pháp đặc biệt 1 thầy 1 trò với hơn 70% thời lượng học là thực hành. Học xong, các BS sẽ được phân về vùng sâu với chế độ lương, phụ cấp ưu đãi; nam sẽ có thời gian phục vụ 3 năm, nữ là 2 năm. Phục vụ xong, các BS sẽ quay trở lại làm việc tại các BV tuyến trung ương mà họ đã được tuyển dụng trước khi tham gia DA, hoặc các bệnh viện tại quê hương theo nguyện vọng. Trường hợp BS trẻ đang tham gia DA tự ý bỏ việc khi chưa đủ thời gian làm theo cam kết thì phải bồi thường kinh phí hỗ trợ ban đầu và kinh phí đào tạo.

Theo một số chuyên gia, nguyên nhân các BS giỏi “ngại” về vùng khó là do sự bất hợp lý về thu nhập giữa các vùng miền, giữa các chuyên khoa. Bên cạnh đó, khó khăn về cơ sở, vật chất, thiết bị y tế, điều kiện làm việc cũng là rào cản lớn trong việc nâng cao chất lượng y tế ở các tỉnh miền núi. Để giải quyết vấn đề này, Nhà nước cần phải có những chính sách dài hơi hơn nữa như: khuyến khích con em ở những vùng khó khăn nếu có nguyện vọng, khả năng cho đi đào tạo để về phục vụ trên chính quê hương mình; Bộ Y tế cũng cần có chính sách đãi ngộ để thu hút các BS giỏi về vùng sâu, vùng xa...

H.Lan

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_166655_ke-o-ba-c-si-ve-vu-ng-sau-vu-ng-xa.aspx