Kênh 12/9, chính quyền có 'bảo kê' cho sai phạm?

Từ nhiều năm nay, hàng chục công trình trái phép mọc lên trên kênh 12/9 và dọc tuyến tỉnh lộ 542 C đoạn qua 2 xã Hưng Tân và Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) làm ảnh hưởng đến dòng chảy...

Nhiều công trình trái phép đã mọc lên trên hành lang, trong lòng kênh 12/9

Chính quyền địa phương dù biết việc làm đó là trái luật nhưng lại đổ lỗi cho “lịch sử” và vẫn tiếp tục gia hạn hợp đồng, thu lệ phí sử dụng, thuế đất như một sự thỏa thuận, “bảo kê” cho sai phạm. Còn Cty TNHH MTV Thủy lợi nam Nghệ An, đơn vị được giao quản lý, vận hành tuyến kênh này lại cho rằng, đơn vị không có “công cụ” để lập biên bản và xử lý vi phạm... Vì thế, việc vi phạm chưa có dấu hiệu dừng lại, các công trình trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại.

Ồ ạt xây dựng công trình trái phép

Kênh 12/9 có chiều dài 3,6 km, chạy qua 2 xã Hưng Tân và Hưng Thông, thuộc quản lý của Cy TNHH MTV Thủy lợi nam Nghệ An. Kênh có tác dụng tiêu úng vào mùa mưa và tạo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các xã Hưng Tân, Hưng Thông, Hưng Tiến và Hưng Thắng thông qua hệ thống kênh Hoàng Cần.

Thế nhưng, trên hành lang bảo vệ kênh 12/9, hàng chục ki-ốt trái phép mọc lên và ngang nhiên tồn tại. Từ những ki-ốt ban đầu, nhiều hộ dân còn xây dựng nhà kiên cố với các cột bê tông cốt thép làm ảnh hưởng tầm nhìn cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tỉnh lộ 542 C và gây ách tắc dòng chảy kênh 12/9.

Trong các ki-ốt, ngoài mặt hàng kinh doanh các hộ còn mua sắm giường, tivi, tủ lạnh, hệ thống công trình vệ sinh kiên cố… Một lượng rác thải sinh hoạt lớn xả ra hàng ngày trên dòng kênh khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng. Mái kênh còn là nơi tập kết vật liệu xây dựng, các mặt hàng như gạch ngói, tre nứa…. Nhiều đoạn chỉ còn một bước chân người là có thể bước từ bên này qua bên kia bờ kênh. Kênh 12/9 tưởng như không còn tồn tại nữa.

Đại diện UBND xã Hưng Thông cho rằng, việc xây dựng các ki-ốt trên kênh 12/9 là hoàn toàn sai luật, nhất quyết phải giải tỏa. Nhưng tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, lỗi thuộc về lãnh đạo UBND xã các thời kỳ trước do đã ký hợp đồng cho thuê đất xây dựng ki-ốt kinh doanh. Việc giải tỏa các ki-ốt này là điều rất khó khăn, cần có sự vào cuộc của cấp huyện và một số ban ngành chứ một mình xã thì làm không nổi.

Cũng theo lãnh đạo xã Hưng Thông, danh sách hợp đồng đất hành lang xây dựng ki-ốt hiện có 26 hộ. Hàng năm các hộ này đều phải nộp các khoản thuế, phí liên quan đến việc sử dụng đất, kinh doanh với tổng số tiền thu được khoảng 30 triệu đồng. Số tiền này đều nộp vào ngân sách xã, chi cho các hoạt động.

Còn tại xã Hưng Tân, mặc dù địa phương này không lập các hợp đồng nhưng lại thu phí bến bãi đối với các hộ dân lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình trên kênh 12.9 và tuyến đường tỉnh lộ 542 C. Đây được cho lý do để các hộ dân duy trì hiện trạng lấn chiếm.

Ông Thái Văn Hùng, PGĐ Cty TNHH MTV Thủy lợi nam Nghệ An cho biết, các công trình trên hành lang kênh 12/9 trước mắt chưa gây ảnh hưởng lớn đến quá trình tiêu và cấp nước. Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình này là trái phép và cần được xử lý.

“Hiện nay, áp lực tiêu thoát nước chưa lớn nên chưa thấy rõ mức độ ảnh hưởng của các công trình trái phép này. Nhưng về lâu về dài, nếu các công trình trên vẫn tồn tại, khi nhu cầu tiêu thoát nước tăng lên thì sẽ thấy rõ mức độ ảnh hưởng.

Vì thế, các cấp, các ngành cần phải vào cuộc xử lý chứ không thể để thế này được! Chúng tôi không có công cụ để lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính vì thế đã nhiều lần mời chính quyền địa phương từ cấp xã đến huyện đi khảo sát nhưng rốt cục vẫn chưa giải quyết được gì. Nếu có đủ chức năng xử phạt, xử lý chúng tôi đã làm từ lâu rồi", ông Hùng cho biết.

Xã bất lực hay “bảo kê” sai phạm?

Mặc dù một mực khẳng định là phải giải tỏa bằng được các công trình trái phép này, thế nhưng chính quyền xã Hưng Thông vẫn tiến hành lập và gia hạn các hợp đồng trái phép để cho người dân thuê đất kéo dài hàng chục năm qua khiến tình trạng lấn chiếm, mở rộng ngày một trầm trọng hơn.

Hợp đồng cho các hộ dân thuê đất của UBND xã Hưng Thông

Ông Nguyễn Sỹ Hưng, PGĐ Sở NN-PTNT, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Nghệ An cho biết: “Để xảy ra tình trạng lấn chiếm hành lang kênh mương, công trình thủy lợi, trách nhiệm trước hết thuộc về chính quyền địa phương. Chúng tôi đã có tham mưu về vấn đề này. Ngành nông nghiệp quản lý trên địa bàn nhưng theo luật quản lý, ở huyện nào thì huyện đó chịu trách nhiệm. Cty TNHH MTV Thủy lợi nam Nghệ An có trách nhiệm phải báo cáo”.

Theo tìm hiểu của PV thông qua các hợp đồng thuê đất được ký giữa UBND xã Hưng Thông và người dân thì người thuê không được xây dựng các công trình kiên cố. Khi có chủ trương của địa phương, Nhà nước buộc phải di dời thì chủ hộ thực hiện tháo dỡ, tập thể không đền bù, không bồi thường những thiệt hại đó.

Hợp đồng là thế nhưng nhiều hộ dân đã xây dựng các công trình kiên cố, từ nhiều năm nay cả gia đình ăn ở, sinh sống. Đáng lẽ, trước tình trạng này, UBND xã Hưng Thông phải tiến hành lập biên bản, đề nghị dừng các hoạt động xây dựng trái với hợp đồng đã ký giữa 2 bên. Tuy nhiên, do không có động thái này cộng với việc gia hạn hợp đồng đã khiến việc lấn chiếm không dừng lại.

Để đùn đẩy trách nhiệm, chính quyền địa phương hiện tại lại đổ lỗi cho “lịch sử”. Ông Võ Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Hưng Thông cho biết: “Theo hồ sơ hiện nay, toàn xã có 26 hộ đăng kí xây dựng ki-ốt kinh doanh trên hành lang kênh 12/9 và một số nơi trên tỉnh lộ 542C.

Với các hợp đồng kinh tế này, tôi chỉ là người kế tiếp vì trước khi tôi làm chủ tịch thì đã có các hợp đồng này, vì quá lâu nên đã tiếp tục kí lại các hợp đồng mới. Với các hộ dân đăng ký kinh doanh trên kênh 12/9, tỉnh lộ 542 C hàng năm địa phương thu phí được khoảng 30 triệu đồng, tất cả đều nộp vào ngân sách xã”.

Khi PV hỏi, chính quyền có biết, việc ký hợp đồng cho dân thuê đất trên hành lang kênh 12/9 là trái luật hay không thì ông Hải trần tình: “Thì vẫn biết là sai nhưng vì các hộp đồng này đã có từ trước, các hộ kinh doanh xây ki-ốt kiên cố đã từ lâu lắm rồi, không thể nói tháo dỡ là tháo dỡ được, xã không đủ thẩm quyền. Chúng tôi chỉ biết gia hạn thêm và không để phát sinh thêm các trường hợp khác thôi”.

Dư luận cho rằng, chính quyền địa phương đã không nhìn thẳng vào những sai phạm của lãnh đạo các thời kỳ trước để rồi nối tiếp những sai phạm, tiếp tay cho việc xây dựng các công trình trái phép trên hành lang kênh 12/9. Với việc chính quyền xã Hưng Thông trực tiếp ký hợp đồng thuê đất, thu phí với các hộ dân vô hình chung đã bật đèn xanh, tiếp tay cho việc lấn chiếm trái phép này.

Ông Thái Huy Dũng, Trưởng phòng Công thương huyện Hưng Nguyên cho biết: “Việc chính quyền xã Hưng Thông tiến hành lập các hợp đồng cho thuê đất trái phép trên kênh 12/9 là sai luật, yêu cầu xã hủy hợp đồng và giải tỏa các công trình này, chúng tôi không ủng hộ chủ trương này. Nhiều năm liền huyện đã có các văn bản yêu cầu chính quyền giải tỏa hành lang an toàn giao thông trên tuyến đường 542 C và kênh 12/9. Trách nhiệm đầu tiên để xảy ra tình trạng này là thuộc về chính quyền xã, ngoài ra chúng tôi cũng xin nhận một phần trách nhiệm trên”.

Còn ông Nguyễn Quang Hòa, Đội trưởng đội Thanh tra Giao thông khu vực II (Sở GTVT Nghệ An) cho biết: “Đã nhiều lần Đội phối hợp với Hạt Quản lý giao thông Hưng Nguyên, tiến hành kiểm tra xử lý các trường hợp lấn chiếm đồng thời chuyển hồ sơ cho chính quyền, tuy nhiên đến nay các công trình này không hiểu sao vẫn tồn tại”.

Tại Nghệ An, tình trạng lấn chiếm hành lang các công trình thủy lợi xảy ra khá phổ biến, gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác tiêu, cấp nước phục vụ sản xuất. Trong khi đó, việc giải quyết các sai phạm này đã ngoài tầm tay của chính quyền địa phương.

Giai đoạn 1988-1996, UBND xã Đô Thành (Yên Thành) đã cấp trái thẩm quyền gần 200 lô đất nằm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi kênh tiêu Vách Bắc.

Quá trình mua bán, chuyển nhượng, từ 198 lô đất ban đầu, nay đã có 220 lô; 180 ngôi nhà kiên cố mọc lên trong hành lang kênh. Đến nay, chính quyền từ xã đến tỉnh vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/kenh-12-9-chinh-quyen-co-bao-ke-cho-sai-pham-post169797.html