Kèn cựa đường sắt cao tốc Trung Quốc, Ấn - Nhật xích lại gần nhau

Trên mặt trận kinh tế, lĩnh vực cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản hiện là đường sắt cao tốc. Và ở châu Á thì không thị trường nào màu mỡ hơn Ấn Độ, Bloomberg nhận định.

Thứ Sáu, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe, gần một năm sau khi Ấn Độ chọn Nhật Bản là nhà thầu cho tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên trị giá 15 tỷ USD. Tuyến đường này có chiều dài gần xấp xỉ khoảng cách giữa Paris và London.

Ông Jeff Kingston, Giám đốc nghiên cứu châu Á tại đại học Temple của Nhật Bản nhận xét “trận chiến đường sắt” giữa Trung Quốc và Nhật Bản là cuộc đấu tranh giành ảnh hưởng trong khu vực, chứ không dừng lại ở doanh số và lợi nhuận.

“Ông Modi sẽ cần xem xét cả hai ứng viên để tìm ra phương án có lợi hơn cho Ấn Độ, tuy nhiên về mặt địa chiến lược thì chính phủ New Delhi đang nghiêng về Nhật Bản và Mỹ”, ông Kingston nói.

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp người đồng cấp Nhật Bản Shinzo Abe, gần một năm sau khi Ấn Độ chọn Nhật Bản là nhà thầu cho tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên.

Cuộc chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á xoay quanh các hợp đồng đường sắt cao tốc chưa bao giờ hạ nhiệt.

Trung Quốc đã đánh bại Nhật Bản tại Indonesia trong năm ngoái, giành quyền xây đường sắt nối Singapore và Kuala Lumpur.

Đề xuất xây đường sắt cao tốc tại Thái Lan trong năm nay của Trung Quốc đã bị gạt bỏ. Còn kế hoạch xây đường sắt cao tốc tại Việt Nam của Nhật Bản cũng không được quốc hội thông qua.

127 tỷ USD rót vào đường sắt cao tốc

Sau khi nhận nhiệm sở vào tháng 5/2014, ông Modi đã đẩy mạnh mối quan hệ phòng thủ và hợp tác năng lượng với Mỹ cùng đồng minh như Nhật Bản.

Cùng lúc, căng thẳng giữa New Delhi và Bắc Kinh gia tăng, một phần do sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Pakistan – quốc gia đối đầu chính của Ấn Độ.

Công ty đường sắt Ấn Độ phục vụ 23 triệu lượt người mỗi ngày, nhưng hệ thống đường sắt từ thời thuộc địa Anh đã xuống cấp trầm trọng. Có thời điểm tốc độ tàu ở đây giảm xuống chỉ bằng tốc độ đi bộ.

Ông Modi đã lên kế hoạch chi 8,5 nghìn tỷ rupee, tương đương 127 tỷ USD, để nâng cấp hệ thống đường sắt cho tới năm 2020.

Với tuyến đường sắt kéo dài 508 kilomet nối từ thủ phủ tài chính Mumbai đến khu công nghiệp Ahmedabad, Nhật Bản đã cam kết cho Ấn Độ vay 81% chi phí.

Yếu tố địa chính trị ngoại lai

Ông Abe muốn đưa Nhật Bản trở thành đầu tàu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc, ông Hiroto Izumi, cố vấn của Thủ tướng cho biết. Ấn Độ là bước đệm quan trọng tại châu Á để đưa Tokyo vượt mặt Bắc Kinh.

Cuộc gặp lần này tại Tokyo sẽ là lần hội kiến thứ 8 giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Modi lên cầm quyền. Ông Abe hy vọng Ấn Độ triển khai 5 tuyến đường còn lại và nhà thầu Nhật Bản tiếp tục được chọn.

Nhà thầu giành được hợp đồng đường sắt cao tốc đầu tiên tại một nước sẽ có nhiều lợi thế. Không giống đường sắt đô thị đa dạng về đặc tính, thường một quốc gia chỉ có một hệ thống đường sắt cao tốc đồng bộ. Do đó cơ hội trúng thêm các dự án nối tiếp là cao hơn cho nhà thầu.

Ông Abe hy vọng Ấn Độ triển khai 5 tuyến đường còn lại và nhà thầu Nhật Bản tiếp tục được chọn.

Tại Trung Quốc, công ty phát triển đường sắt cao tốc chính CRRC nhận được sự hỗ trợ dồi dào từ chính phủ. Công ty này có khả năng xây đường sắt tại những khu vực có thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở.

Chuyên gia tại Shanghai Chongyang Investment Management cho rằng nếu chỉ xét đến ba tiêu chí là công nghệ, giá cả và chất lượng, thì CRRC hoàn toàn có khả năng trúng thầu các dự án.

Tuy nhiên, có nhiều yếu tố chính trị khác ảnh hưởng, chúng sẽ làm phức tạp hóa khả năng thắng thầu ở thị trường quốc tế, ông nói.

Còn chất lượng chuẩn mực luôn là niềm tự hào của Nhật Bản khi “chào hàng” dự án đường sắt cao tốc tại các nước. Trong 50 năm gần nhất, không có tai nạn chết người nào xảy ra trên đường sắt cao tốc do Nhật Bản xây dựng.

Mặc dù chi phí xây dựng cao, ông Izumi chỉ ra rằng nó sẽ được bù đắp lại về sau vì chi phí sửa chữa thấp, dòng đời sản phẩm dài hàng thập kỷ. Các công ty xây dựng hàng đầu có thể kể tên như Hitachi, Kawasaki Heavy Industries, Mitsubishi Electric.

Lề Phương

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/kinh-doanh-quoc-te/ken-cua-duong-sat-cao-toc-trung-quoc-an-nhat-xich-lai-gan-nhau-2181621.html