Kem Thủy Tạ đang 'tan'

Là thương hiệu kem đầu tiên của Việt Nam, tuy nhiên 5 năm gần đây mảng kem của Thủy Tạ gần như không tăng trưởng.

Kết thúc năm 2016, thương hiệu Kem Thủy Tạ đóng góp hơn 54 tỷ đồng, tương đương một nửa tổng doanh thu cho Công ty cổ phần Thủy Tạ, với lợi nhuận gộp ghi nhận hơn 20 tỷ đồng.

Tăng trưởng lần lượt 6,3% về doanh thu và 19% về lợi nhuận gộp của mảng hoạt động này so với năm trước. Tuy nhiên, nếu so với kết quả kinh doanh 5 năm trước - năm 2012, Kem Thủy Tạ gần như không có tăng trưởng.

Theo báo cáo về thị trường kem mới được Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) công bố, với hoạt động không có sự đột phá trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, Kem Thủy Tạ đang dần đánh mất vị thế. Từ năm 2012 đến nay, thị phần của thương hiệu kem lâu đời nhất Việt Nam đã giảm từ 10,9% xuống còn 9,7% và đang đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn khi Kido Foods đang tiến ra thị trường phía Bắc.

Hoạt động kinh doanh mảng kem của Công ty cổ phần Thủy Tạ trong những năm gần đây. Số liệu: Báo cáo tài chính Công ty cổ phần Thủy Tạ

Thương hiệu Kem Thủy Tạ ra đời từ năm 1945 gắn với nhà hàng Thủy Tạ bên Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội - tiền thân của Công ty Thủy Tạ hiện tại. Sau khi Công ty Thủy Tạ được thành lập từ tháng 5/1958, thương hiệu này trở thành một mảng kinh doanh nòng cốt, bên cạnh những lĩnh vực khác như nhà hàng, cung cấp dịch vụ.

Khi mới thành lập, do điều kiện kinh tế và mức thu nhập của người dân còn thấp, Thủy Tạ tập trung vào mảng kem giá rẻ với sản phẩm chính là kem đá và các hương vị truyến thống. Đến những năm cuối thế kỷ 20, Thủy Tạ bắt đầu lên kế hoạch sản xuất kem theo hướng công nghiệp, với việc xây dựng nhà máy sản xuất một triệu lít mỗi năm trên dây chuyền của Italy. Đây là tiền đề đưa Thủy Tạ trở thành một trong những doanh nghiệp giữ thị phần chi phối tại Hà Nội và khu vực phía bắc thời điểm đó.

Tuy nhiên, sự xuất hiện của những đối thủ "sinh sau đẻ muộn" như kem Wall's của Unilever và đặc biệt là 2 đối thủ lớn nhất hiện tại là Kido Foods (KDF) và Vinamilk (VNM) đã làm thay đổi cuộc chơi của những doanh nghiệp truyền thống. Sự đa dạng về chủng loại và phân khúc sản phẩm khiến những doanh nghiệp như Thủy Tạ gặp nhiều khó khăn.

Theo ước tính của Euromonitor International, lượng tiêu thụ kem tại Việt Nam trong 5 năm gần đây tăng trưởng với tốc độ 15% mỗi năm và ước tính sẽ đạt khoảng 7% mỗi năm trong giai đoạn 5 năm tới.

Tuy vậy, doanh thu của Kem Thủy Tạ trong 5 năm gần đây chỉ loanh quanh ngưỡng 50 tỷ đồng mỗi năm với biên lợi nhuận gộp khoảng 20 tỷ đồng. Nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng doanh thu mảng kem của Kido Foods khoảng 77% từ năm 2013 đến nay và doanh thu năm 2016 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, kết quả của Kem Thụy Tạ gần như chỉ "giậm chân tại chỗ".

Thị phần của thị trường kem Việt Nam (đơn vị: %). Nguồn: Euromonitor International, VCSC

Hai điểm yếu dễ nhận thấy nhất của Kem Thủy Tạ là công tác đầu tư cho hệ thống phân phối và quy mô sản phẩm còn rất hạn chế.

Mặc dù là thương hiệu kem lâu đời nhất Việt Nam nhưng kể từ khi thành lập đến nay, Thủy Tạ mới phát triển được gần 300 điểm bán hàng và chỉ có tại địa bàn Hà Nội, thị trường mở rộng sang một số tỉnh lân cận nhưng hầu như không đáng kể. Số lượng chủng loại kem của Thủy Tạ theo giới thiệu công ty cũng chỉ gồm 10 loại kem hộp và 9 loại kem que, tập trung chủ yếu vào phân khúc sản phẩm vừa túi tiền, trong khi một số đối thủ khác như Kido Foods có khoảng 200 loại, Vinamilk có khoảng 50, còn Kem Wall's có trên 20 loại. Trên thị trường đã có sự chia tách rõ ràng giữa các phân khúc từ cấp thấp - vừa túi tiền, cho tới phân khúc cao cấp.

Ông Bùi Thế Trụ, Trưởng phòng kế hoạch của Công ty cổ phần Thủy Tạ cho biết, khó khăn của Thủy Tạ hiện tại là nguồn vốn kinh doanh khi vốn điều lệ của doanh nghiệp hiện chỉ có 30 tỷ đồng, do đó rất khó xây dựng được phương án đầu tư mở rộng kinh doanh lớn, yêu cầu vốn đối ứng cao.

"Giai đoạn 2010-2011, Thủy Tạ từng xây dựng kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất kem với vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, khi đó phương án khả thi của dự án cũng được thông qua nhưng cuối cùng phải tạm dừng triển khai. Lý do chỉ là không có tiền", ông Trụ chia sẻ.

Theo vị này, công ty từng mong muốn tăng vốn để mở rộng hoạt động kinh doanh với những ưu thế sẵn có, nhưng hiện Thủy Tạ vẫn là công ty Nhà nước do Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sở hữu trên 51%. "Theo lộ trình 2017-2018, Hapro có thể sẽ thoái vốn tại Thủy Tạ. Khi có sự xuất hiện của những nhà đầu tư mới thì những kế hoạch đầu tư của công ty mới có triển vọng tái khởi động", ông Trụ cho biết thêm.

Trong báo cáo đánh giá mới nhất về mảng kem của Thủy Tạ, VCSC nhận định: "Trong vài năm qua, chúng tôi chưa ghi nhận sự thay đổi đáng kể của Thủy Tạ về bao bì sản phẩm, hương vị cũng như chiến lược makerting". Theo công ty chứng khoán này, Thủy Tạ cần có sự thay đổi nhanh trong thời gian tới nếu muốn giữ vững vị thế tại thị trường phía Bắc, khi đối thủ lớn nhất Kido Foods đã có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại Bắc Ninh. Với kinh nghiệm phát triển hệ thống và ưu thế từ chủng loại sản phẩm, khả năng bị đe dọa tại ngay thị trường trọng tâm Hà Nội của Thủy Tạ là hoàn toàn có thể.

Theo Minh Sơn/VnExpress

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/thi-truong/kem-thuy-ta-dang-tan-186385/