Kẻ trong Kẻ Chợ là gì?

SGTT.VN - Dân gian vẫn hay dùng từ Kẻ Chợ để chỉ Hà Nội hoặc người Hà Nội. Tuy không nằm trong văn bản nhà nước của các triều đại, song từ Kẻ Chợ có một nét đặc sắc riêng và xét về mặt ngôn ngữ, từ này tiềm ẩn nhiều nhân tố lịch sử, văn hóa, phong tục… cần xem xét.

Kẻ Chợ là một cái tên không chính thức nếu đối chiếu với hàng loạt những cái tên chính danh đã được ghi vào lịch sử gần 1.000 năm của thủ đô: Cổ Loa, Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Kinh, Đông Quan, Hà Nội… Trong cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ, còn gọi Từ điển Việt – Bồ – La (Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum) của Alexandre de Rhodes xuất bản tại Roma, 1651 đã có từ Kẻ Chợ. Mục từ Kẻ được A. de Rhodes giải nghĩa: “Những người, chỉ dùng nói về người ta khi nói cách không kính trọng. Kẻ chợ: Những người ở trong chợ, nghĩa là những người ở kinh đô Đông Kinh”. Như vậy, nếu căn cứ vào cái mốc của tài liệu trên thì tên gọi Kẻ Chợ xuất hiện ít nhất là từ thế kỷ 17. Từ điển Bách khoa Việt Nam đưa ra hai thời điểm về xuất xứ tên gọi Kẻ Chợ. Trang 180 (mục từ Hà Nội) ghi là “cuối thế kỷ 16”, còn ở trang 462 (mục từ Kẻ Chợ) ghi “Trong những thế kỷ 17 – 18, các nhà buôn và giáo sĩ phương Tây đến Việt Nam thường gọi Thăng Long là Kẻ Chợ”. Cũng theo sách này, đây là “tên gọi dân gian kinh thành Thăng Long ngày xưa. Theo nghĩa hẹp, chỉ khu phố phường dân cư của kinh thành thời Lê – Trịnh, phân biệt với khu hoàng thành của vua quan”. Chợ là nơi kinh doanh, buôn bán hàng hóa (với hàng loạt các phố “hàng”) ở Hà Nội xưa. Vấn đề là, kẻ trong Kẻ Chợ chỉ người hay nơi chốn? Từ điển từ cổ (Vương Lộc, NXB Đà Nẵng, 2001) cho kẻ là từ chỉ nơi chốn. Theo ông, kẻ được chia thành hai nghĩa: “1. Nơi, chốn... 2. Từ thường đặt trước một địa danh để gọi một đơn vị cư trú tương đương với xã, thôn; cũng có khi là một đơn vị cư trú lớn hơn...” Theo cách cắt nghĩa này, từ kẻ chợ (không viết hoa) được giải thích là “Nơi đô thị, thường dùng để chỉ kinh đô Thăng Long hoặc chỉ kinh đô nói chung”. Như thế, kẻ chợ được dùng với ngoại diên rộng hơn nhiều (ví dụ: có kẻ chợ Việt Nam, kẻ chợ Bắc Kinh, kẻ chợ Pháp, kẻ chợ Portugal (Bồ Đào Nha)…) Nhưng có lẽ, kẻ trong kẻ chợ đầu tiên được sử dụng với hàm ý chỉ người. Kẻ có thể là “1. Người hoặc những người như thế nào đó, nhưng không nói cụ thể là ai”, hoặc có thể là “2. Người hoặc những người như thế nào đó, không nói cụ thể là ai, nhưng hàm ý coi thường, coi khinh” (Từ điển tiếng Việt, trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2007). Có thể ban đầu người ta dùng kẻ với nghĩa 1 (như trong: kẻ ở người đi, kẻ Bắc người Nam, kẻ cắp, kẻ sĩ…), sau đó, kẻ tiếp tục phái sinh nghĩa, chỉ nơi chốn của một cộng đồng người nào đó, có nét đặc thù riêng. Vì thế, ta có: kẻ chợ, kẻ quê, kẻ Sặt, kẻ Láng, kẻ Đông… Có vẻ nơi nào cũng được ghép với kẻ được. Ở các từ này, nghĩa chỉ người và nghĩa chỉ một vùng địa danh có sự hòa kết tạo nên một nét nghĩa tổng quát. Kẻ Chợ (Hà Nội) là một tổ hợp mang đậm cách dùng này: lúc đầu chỉ để phân biệt hai khu vực trong kinh thành (một của dân buôn bán, xô bồ dân dã; một là hoàng thành, đẹp đẽ nghiêm cẩn). Rồi trong quá trình sử dụng, nét nghĩa chỉ địa danh dần dần trở thành nét trội. Chẳng hạn ta vẫn nghe nói: dân Kẻ Chợ, đất Kẻ Chợ, văn hóa Kẻ Chợ… Tuy chỉ là cách nói dân dã, song Kẻ Chợ được coi như dấu tích ngôn ngữ “hóa thạch” của một thời, phản ánh chân thực một hoạt động quan trọng, phổ biến của mảnh đất kinh kỳ Thăng Long, khi nơi đây trở thành điểm sản xuất, lưu thông hàng hóa… nhộn nhịp, sầm uất: Chàng về Kẻ Chợ thăm thầy/ Nhớ mua cau đậu trầu cay cho nàng (ca dao).

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/khoa-giao/129342/emkeem-trong-emke-choem-la-gi.html