“Kẻ trộm sách” đánh cắp trái tim khán giả

Hơn hai giờ, khán giả lặng phắc khi đến với phố Thiên Đường, ở đó có ngôi nhà của “kẻ trộm sách”. Dẫu đọc tiểu thuyết hay xem phim thì “The Book Thief” vẫn là tác phẩm có giá trị với tâm hồn con người.

Chuyện của Thần Chết

“Cùng với những chuyện khác, thì đây thực ra chỉ là một câu chuyện nhỏ về: Một đứa bé gái. Vài lời nói. Một người chơi đàn xếp. Vài gã người Đức cuồng tín. Một tay đấm Do Thái. Và khá nhiều vụ ăn trộm. Tôi đã nhìn thấy kẻ trộm sách ba lần”.

“The Book Thief” bắt đầu những trang sách với lời dẫn chuyện của Thần Chết như thế. Nói như Cao Xuân Việt Khương, người dịch tác phẩm này ra tiếng Việt, để “kể câu chuyện về chiến tranh, hẳn không ai kể hay hơn Thần Chết."

Câu chuyện có bối cảnh tại nước Đức, trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, được bắt đầu bằng không khí ảm đạm của một đám tang: cái chết của đứa trẻ còn được bế bồng trên tay mẹ, em trai cô bé Liesel Meminger, nhân vật chính.

Đáng lẽ cả hai sẽ được giao làm con nuôi cho một cặp vợ chồng nghèo hiếm muộn ở phố Thiên Đường; nhưng cuối cùng, chỉ còn lại Liesel (vai diễn của Sophie Nelisse). Một cuộc sống mới với những khó khăn, khắc nghiệt và đầy biến cố mở ra trước mắt cô bé khi sống trong căn nhà của ông Hans Hubermann (Geoffrey Rush) và bà Rosa Hubermann (Kirsten Block).

Điều đầu tiên khiến độc giả cũng như khán giả khó có thể thôi ám ảnh sau khi đọc truyện, xem phim chính là nhân vật “một bé gái”, ở đây là Liesel. Đây là cô bé mà khi có ai muốn vòng tay mình che chở cho cô khỏi những hiểm họa của thế giới khắc nghiệt thì họ có thể bị cô đá vào hạ bộ. Cô bé ấy vừa lầm lì, hung hăng, lại vừa gần gũi, dễ tổn thương.

Hãy xem, cô bé đã vô cùng nhút nhát khi ở nhà “bố mẹ mới”. Sự rụt rè của cô được thể hiện ngay cả khi được sự che chở của ông bố nhân hậu, tận tâm trước bà mẹ luôn trực trào ngôn từ chua chát. Thế nhưng, khi đến lớp, trước những lời nhạo báng là “đồ ngu” từ đám bạn, Liesel đã không ngần ngại lao vào cuộc đấm đá ăn thua.

Chính nỗi ám ảnh của việc không biết chữ đã nung nấu trong Liesel quyết tâm thay đổi. Cuộc đời em rẽ sang lối mới kể từ khi được bố Hans giúp sức học chữ. Cuốn sách đầu tiên có ảnh hưởng sâu sắc đến Liesel về sau là “The Gravedigger’s Handbook - Sách hướng dẫn cho người đào mộ”, em có được nhờ một vụ trộm bộc phát ở đám tang của em trai mình.

Tình yêu sách cũng như tình cảm ngày một lớn dần dành cho gia đình mới của Liesel càng được đắp bồi khi cô bé làm bạn với một người khách mới của nhà Hubermann – một người Do Thái chạy trốn quân Đức quốc xã, tên Max (Ben Schnetzer), có cùng đam mê đọc sách. Anh đã khuyến khích Liesel phát triển năng lực quan sát thế giới, kích hoạt trí tưởng tượng, dù bản thân Max phải trốn trong tầng hầm tối tăm.

Mối quan hệ của Max và Liesel thực sự đặc biệt. Dẫu cho trong bộ phim của đạo diễn Brian Percival, những giờ phút hai người bạn chênh lệch tuổi tác đối thoại, tiếp xúc với nhau không nhiều, nhưng khán giả sẽ khó có thể quên mỗi khoảnh khắc ấy.

Sẽ nhớ mãi lúc Liesel chạm tay vào cuốn sách về Quốc trưởng Hitler mà Max đặt trên người trong cơn thiếp ngủ lúc bị thương. Nhớ mãi tiếng cười trong veo như chẳng có nỗi muộn phiền, khiếp sợ nào của cả hai. Nhớ mãi những câu thoại của hai người về giá trị của bí mật trong mỗi con người hay sinh vật. Và đặc biệt, cảnh trong căn hầm tối, Liesel đọc những cuốn sách trộm được từ nhà Thị trưởng cho Max nghe; cảnh cả gia đình Giáng sinh “tuyệt vời nhất đời” bên người tuyết… cũng khó có thể phai mờ trong tâm trí.

Ngoài Max, “người cho em đôi mắt” để nhìn thế giới từ dưới căn hầm, Liesel còn có người bạn thân ở trường là cậu bé hàng xóm Rudy (Nico Liersch), người hay trêu chọc việc em trộm sách, dù thực sự Rudy đã thầm yêu Liesel. Những người bạn và tình yêu sách vừa là cách để Liesel chạy trốn thực tại, vừa là những yếu tố định hình số phận của Liesel. Từ đây, em không chỉ nhận biết được sức mạnh của ngôn từ, mà cả sức mạnh vượt trên ngôn từ, nhìn sâu vào con người và thế giới.

Nghĩ về xem, nghe, đọc và viết

Từ sách lên phim, “The Book Thief” là tác phẩm cuốn hút và đáng thưởng thức ở cả ba khía cạnh xem, nghe và đọc. Đầu tiên, kể từ khi được in lần đầu năm 2006, tiểu thuyết gốc của nhà văn người Úc Markus Zusak luôn đứng trong hàng ngũ những cuốn sách hay nhất của nhiều cuộc bình chọn. Riêng tại Việt Nam, tác phẩm đã trở nên quen thuộc với nhiều độc giả sau bản dịch phát hành đầu năm 2011.

Với những ai đã quá yêu mến tiểu thuyết này, dẫu có mang tâm lý so sánh khi xem phim thì hẳn sẽ hài lòng bởi đạo diễn Brian Percival và biên kịch Micheal Petroni đã trung thành với nội dung, cốt truyện và làm toát lên được tinh thần, giá trị của tác phẩm gốc.

Câu chuyện về sự sống và cái chết đã được nhà làm phim thể hiện một cách nhẹ nhàng và thấm thía. Với lòng can đảm và sức mạnh tinh thần được hun đúc qua năm tháng, cô bé Liesel đã vươn lên sống như thể cô còn sống cho cả những người thương yêu đã khuất. Hơn thế, Liesel còn sống để trở thành một người mang sứ mệnh của người kể chuyện, về giống loài “vừa quá xấu xa vừa quá vĩ đại”. Bởi thế, đến Thần Chết cũng “bị ám ảnh bởi những con người”.

Xem phim, cùng sống ở phố Thiên Đường, đôi lúc chúng ta quên đi mối nguy chiến tranh rình rập không chỉ nhờ sức mạnh của ngôn từ và các câu chuyện kể mà còn của tiếng nhạc chậm đều, réo rắt. Chính phần âm nhạc giúp “The Book Thief” càng hút chặt người xem, giúp lan tỏa một cách cảm động và sâu sắc tinh thần bất khuất của con người. Lời kể chuyện và âm thanh của tiếng nhạc vượt lên trên sự tàn ác của thời đại. Trong sự xung đột giữa cái tốt đẹp và điều xấu xa, sự phân biệt giữa dân tộc này và chủng tộc khác ấy, còn ở lại là những giá trị thực sự vững bền.

Ở truyện gốc, với lối kể chuyện “bậc thầy”, nhà văn Zusak đã thể hiện biệt tài khắc họa nhân vật rất xuất sắc; đến phim, đạo diễn cũng kế thừa được điều này. Vai diễn Liesel ở tuổi 11 đến 17 do cô bé vận động viên thể dục dụng cụ Sophie Nelisse người Canada đảm trách hoàn toàn thuyết phục khán giả. Những nhân vật như người cha Hans nhân từ, người mẹ Rosa giấu tình yêu vào gian khổ, người anh Max có tầm nhìn xa, cậu bạn Rudy nhiệt thành, chất phác… không chỉ còn mãi trong tâm trí và những trang sách Liesel viết sau này mà còn ở lại nơi trái tim khán giả.

Bài: Bùi Dũng

Ảnh: Fox 2000 Pictures

>>> Có thể bạn quan tâm: Những cảm xúc còn đọng lại khi tôi xem xong "Endless Love" chính là mong ước phải chi mình trẻ lại mười tuổi, để lần đầu tiên được yêu một người đến mê cuồng, si dại.

Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây . Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

thần chết , kẻ trộm sách , a book thief , thiên đường , phim hay , tiểu thuyết hay

Nguồn LeMedia: http://dep.com.vn/Dien-anh-thu-Nam/Ke-trom-sach-danh-cap-trai-tim-khan-gia/29313.dep