Kẻ Tó bên sông Nhuệ

Nhiều năm qua tôi cứ lần mò hỏi đó đây vì sao làng Tả Thanh Oai lại có cái tên Nôm là làng Tó hay Kẻ Tó.

Nhiều năm qua tôi cứ lần mò hỏi đó đây vì sao làng Tả Thanh Oai lại có cái tên Nôm là làng Tó hay Kẻ Tó. Không mấy ai giải thích cho rõ nguồn gốc của cái tên này nhưng họ lại dẫn ra câu ngạn ngữ nói lên những sản vật, hay nét đặc trưng nổi tiếng bao đời nay của Kẻ Tó như: “Lợn Tó - Bún Tó - Rượu nếp gảy làng Tó. Trống quân làng Tó...”. Lúc nào chợ Tó cũng nhộn nhịp khắp cả vùng quanh mấy làng tụ về bên sông.

Chuyện tình “sét đánh” với sự tích bà Chúa Hến

Vua Lê Đại Hành, vừa lên ngôi năm 980 đã lập tức cầm quân lên phương Bắc, diệt giặc Tống lăm le xâm lược nước ta. Khi dừng chân ở bến sông làng Tó, để nhận lương thực và vật dụng của người dân đóng góp, ngài không ngờ được gặp một cô gái làng Tó xinh đẹp đang gánh gạo lên thuyền vận tải. Nàng còn hăng hái vận động dân làng Tả, Hữu bên sông đóng thuyền, góp gạo làm đầy kho quân lương. Tuy mặc áo vải thô, nhưng khuôn mặt nàng tựa trăng rằm, mày thanh, mắt sáng cùng với nụ cười tươi như hoa mới nở. Mỗi lần gặp nàng, hồn Ngài đã đắm say những tình vương vấn e dè vì nhiệm vụ đánh giặc còn ở phía trước. Ngài lên đường mà không một lời hẹn ước. Nhưng cái nhìn ban đầu của đôi mắt ấy như một lời nhắn nhủ, hãy trở về sau chiến thắng, đem lại sự bình yên. Nước sông Nhuệ ngày ấy trong xanh và mênh mông lắm. Vẻ đẹp của cô gái làng Tó rỡ ràng luôn luôn hiển hiện sau mỗi trận đánh. Nó như một sức mạnh tiềm ẩn trong tay gươm tay đao mỗi lần dũng tướng Lê Hoàn (vua Lê Đại Hành) xông pha trận mạc.

Ảnh tư liệu: Bác Hồ tát nước chống hạn ở cánh đồng làng Tó năm 1958.

Quả nhiên sau chiến thắng, vua Lê Đại Hành rời Kinh đô Hoa Lư trở về tìm lại người con gái bên sông Nhuệ, khao thưởng cho cả mấy làng chung quanh. Người dân làng Tó náo nức hồ hởi khi được vua ban thưởng cấp 185 mẫu ruộng và tiền của đóng thuyền buôn bán trên sông. Ai nấy đều tự hào vì làng có cô gái làm vẻ vang, giàu có cho quê hương. Vua Lê Đại Hành chính thức cho vời nàng vào cung phong danh Đô Hồ Quý Phi, rồi còn cho sửa sang ngôi nhà, nơi nàng ở trong xóm thành “Đô Hồ phi cung”. Từ đó nàng đã thay tên của làng gọi là cô Hến năm nào trở thành Đô Hồ Quý Phi. Nàng thay xiêm áo theo vua Lê Đại Hành trở về Kinh đô Hoa Lư trong sự yêu thương, náo nức của dân làng Tó.

Trong dân gian, nhiều truyền thuyết về câu chuyện tình này, và khi kể chuyện ai cũng mở đầu với lời thơ rằng: “Chuyện tình sét đánh bên sông. Vua đã phải lòng cô Hến làng tôi...”. Có nguồn chuyện rằng, bà Chúa Hến tên chính là Phạm Thị Hến, người làng Tó, đã làm vua ngơ ngẩn khi mới gặp trên cánh đồng. Thấy vua đến mọi người đều hồ hởi, chào đón vui mừng nhưng riêng thôn nữ Hến lại chỉ cúi đầu, mải miết làm cỏ lúa. Ngài thấy lạ bèn đến bên hỏi han sự tình. Khi cô gái ngẩng lên đối đáp không ngờ làm vua sửng sốt và hết sức ngạc nhiên. Sửng sốt vì cô gái độ chừng mười tám xinh tươi hồn nhiên như tia nắng sớm, với đôi mắt tròn to cùng khóe môi tựa cánh sen hồng chúm chím. Còn ngạc nhiên vì những lời nói đầy khí phách và sâu sắc. Vua cảm phục và yêu quý cho cô Hến theo và làm việc chuyên trách tiếp tế lương thảo và phong làm Đô Hồ phu nhân...

Tuy vậy dân làng vẫn gọi nàng là cô Hến. Nhưng điều quan trọng hơn cả là khi vào triều, cung phi Đô Hồ đã cùng gánh vác với chồng sự nghiệp dựng nước như một hiền thần đầy trọng trách. Bà đã cùng vua lo bình Chiêm, đánh Tống. Cùng với đó, bà còn góp phần tạo dựng khuôn phép nghiêm cẩn của 6 cung trong vương triều, tạo một không khí ấm áp cho cơ đồ phát triển nhà Tiền Lê. Khi bà mất vào quãng năm 1000, dân làng Tó tôn vinh lập đền thờ gọi là bà Chúa Hến. Nhà cung phi năm nào sửa lại thành miếu Minh Ngự Lâu và miếu điện thờ. Đặc biệt, khi vua Lê Đại Hành băng hà (1005), dân làng Tó đã dựng đình thờ Ngài bên sông, ngay nơi bến thuyền của ấp Hoa Xá năm xưa. Đó chính là Đình Hoa Xá ngày nay. Từ đó dân làng Tó coi Ngài và bà Chúa Hến cùng là Thành hoàng làng của mình. Công trạng và đức độ của bà Chúa Hến đã được ghi chép trang trọng vào các câu đối, bài châm được đặt ngang với đức vua Lê Đại Hành trong đình Hoa Xá. Chính vì thế dân làng Tó thường tổ chức lễ hội để tưởng nhớ hai người. Và còn đó tục xưa, vào lễ hội từ ngày 14 tháng Giêng, dân làng đã rước tượng và ngai của hai ông bà từ đình Hoa Xá về Minh Ngự Lâu. Sau khi tắm tượng, rửa ngai sạch sẽ để ở đó một đêm, rồi hôm sau ngày rằm mới rước trở lại đình Hoa Xá. Đó chính là lễ rước “Tình yêu” độc đáo của làng Tó mà không nơi nào có được.

Nơi Bác Hồ lội ruộng tát nước năm xưa

Thật hữu duyên, làng Tó có ông Thành Hoàng làng là vua Lê Đại Hành, người rất chú trọng đến công việc nhà nông. Khi mới dựng nghiệp, Ngài đã về tận Đọi Sơn để khai hội Tịch Điền (năm 983). Ngài xắn quần lội bùn đi theo con trâu để cày ruộng. Vua Lê Đại Hành đã tạo nên một tinh thần khuyến nông rộng khắp đất nước. Cũng chính thời gian này Ngài trở thành con rể của làng Tó và đã cấp đất cho làng Tó để trồng lúa nuôi dưỡng dân sinh. Thời gian đã trôi đi hơn ngàn năm, tinh thần tạo dựng mảnh đất vàng ngày ấy vẫn tiếp nối cho đến nay. Ít ai ngờ rằng, cách đây 60 năm, vào dịp xuân Đinh Dậu, Bác Hồ đã về đây lội ruộng tát nước với bà con làng Tó.

Đất làng Tó ngày ấy cũng như bao cánh đồng khác gặp hạn hán khô cằn. Mặc cho rét buốt vào ngày 23 tháng chạp năm Đinh Dậu (12/1/1958), Bác Hồ về làng tham gia cùng phong trào thanh niên miền Bắc bắt tay vào công cuộc “Thay trời làm mưa”. Tới xã, Bác không ghé vào nơi đón tiếp mà đi thẳng ra cánh đồng làng Tó, nơi gặp hạn khô nhất vùng. Rất giản dị với đôi dép cao su năm nào, Bác nhanh nhẹn đi tới nói với một nông dân nhường lại tay gàu. Bác hồn hậu nói: “Tôi tuy đã xa công việc nhà nông mấy năm nay, nhưng tát nước thì vẫn nhớ”. Nhiều người nhìn Bác tát nước bằng gàu dai cứ ngỡ đó là một nông dân thực thụ. Họ không còn có cảm giác rét buốt của gió mùa Đông Bắc tràn về mà thấy như được sưởi ấm tình thân thương của Bác Hồ, một vị Chủ tịch nhân hậu, hết mực yêu thương người dân. Không khí tưng bừng của tuổi trẻ cùng với những tiếng ca dội vang cùng tiếng trống rộn ràng trên cánh đồng làng Tó.

Sau khi nghỉ tay, Bác Hồ đi bộ về chỗ tiếp đón, nói chuyện với dân làng và cán bộ xã, tại chính sân Minh Ngự Lâu. Bác căn dặn, với một tình cảm hết sức thân thương: “Các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, cấy hết diện tích. Bác chờ thành tích của các cô các chú báo công lên cho Bác”. Người người hò reo. Ai nấy đều phấn khởi ra đồng tát nước suốt ngày đêm để cứu hạn, kịp vụ cấy lúa cho cả mấy cánh đồng xung quanh. Hình ảnh Bác xắn quần, gò lưng kéo dây gàu làm xúc động lòng người. Không ai bảo ai, tinh thần thi đua làm công việc “Thay trời làm mưa” sôi nổi hơn bao giờ hết. Vụ xuân năm đó cả làng Tó và xã Tả Thanh Oai cùng các làng xung quanh được mùa lớn trong niềm vui vô hạn. Đến nay dân làng vẫn còn nhớ đến những câu thơ được ghi lại vào thời điểm đó: “Nhớ ngày ấy mùa đông rét buốt. Bác Hồ về tát nước cùng dân. Cánh đồng làng Tó xa gần. Lúa xuân hạn nặng đang cần nước sa. Gàu nước Bác làm ra tiền của. Cứu hơn hai ngàn mẫu lúa bốn thôn. Khoai lang to củ căng tròn. Những lời Bác dạy vẫn còn đâu đây”. Hiện nay, tại nơi Bác Hồ tát nước năm xưa, dân làng Tó đã xây dựng tượng đài hình tượng Người để làm kỷ niệm cho một thời cam go, nghèo khó nhưng đã được Bác cùng chung tay, lo lắng cứu đói cho dân làng.

Lễ hội làng Tó.

Làng Tó - Ra ngõ gặp nhân tài

Người ta nói, phong thủy làng Tó thật kỳ lạ, nơi được sông Tô Lịch dẫn mạch, đình miếu vững chãi trên nền sông Nhuệ chảy qua. Đó là mạch rồng, thước ngọc dẫn tới sự phát đạt về học hành khoa bảng và quan lại các vương triều. Đình Hoa Xá được tồn tại cả ngàn năm vững chãi, năm 1994 đã được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa, như một biểu tượng cho sự phương trưởng về mọi mặt của làng Tó. Người ta còn đặt tên cho làng Tó là “Làng khoa bảng”, bởi những danh nhân lừng lẫy một thuở thời nhà Hậu Lê và Tây Sơn, cùng nhà Nguyễn đều là người làng Tó. Lịch sử ghi lại làng có tới 12 người đỗ đại khoa, gồm 4 Hoàng giáp và 8 Tiến sĩ. Đặc biệt có dòng họ Ngô Thì tạo nên dòng Ngô gia văn phái, cùng các danh nhân như hai cha con Ngô Thì Sĩ và Ngô Thời Nhậm nổi tiếng, đã đi vào lịch sử đất nước. Ngoài ra còn có 27 Hương cống thời Lê và 10 cử nhân thời Nguyễn. Đáng chú ý tổng tác phẩm của dòng Ngô gia văn phái có tới 36 bộ sách. Nổi bật nhất là tác phẩm “Hoàng Lê thống nhất chí”. Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử danh tiếng bậc nhất của văn chương nước nhà.

Từ xa xưa trong dân gian làng xã đã nhắn nhủ con cháu: “Dân làng ta rất tự hào. Mười hai Tiến sĩ ở vào quê ta. Xứng “làng Khoa bảng” nước nhà. Họ Ngô họ Nguyễn thật là hiển vinh”. Dân làng trọng việc “khuyến học”, từ lâu đã dành ra hàng chục mẫu ruộng để dành tiền nuôi dưỡng phụ cấp cho nhân tài của làng, phấn đấu trên con đường học hành thi cử. Theo con số thống kê trong những năm gần đây, làng đã có 7 vị giáo sư và phó giáo sư, 21 tiến sĩ, 27 thạc sĩ và có tới khoảng 400 cử nhân. Chắc chắn con số tính đến nay sẽ còn nhiều hơn thế. Người làng Tó vẫn tự hào truyền thống hiếu học của con cháu bao năm qua. Vậy mới nói, có câu: “Làng Tó là làng Tó ơi. Nghiệp văn chương sáng rạng ngời sử xanh”.

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/ke-to-ben-song-nhue-n128415.html