Kế thừa, phát huy kinh nghiệm xây dựng ATK Định Hóa

Tại cuộc Hội thảo nhân kỷ niệm 70 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về ATK Thái Nguyên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều đại biểu mong rằng, kinh nghiệm xây dựng ATK cần được vận dụng hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá Nguyễn Văn Phượng, Trưởng phòng Khoa học Quân sự Quân khu 1 cho rằng, xây dựng căn cứ địa cách mạng và ATK là sự kế thừa và vận dung sáng tạo kinh nghiệm truyền thống của ông cha ta về “tìm đất căn bản” để đứng chân chống quân xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc và non sông đất nước. ATK trong căn cứ địa Việt Bắc thực sự xứng đáng với vai trò là Thủ đô kháng chiến. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, chúng ta cần nghiên cứu đầy đủ kinh nghiệm về tổ chức xây dựng căn cứ địa ATK cách mạng trong kháng chiến.

Lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Quân khu 1 trồng cây tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Đèo De (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên). Ảnh: Giang Nam

Trước kia, việc xây dựng ATK trong điều kiện cực kỳ khó khăn, thiếu thốn và ác liệt. Ngày nay, chúng ta có hệ thống chính trị, có tiềm lực kinh tế; để vận dụng kinh nghiệm xây dựng ATK trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, Đại tá Nguyễn Văn Phượng đề nghị ngay từ thời bình, cần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở vùng căn cứ địa cách mạng và ATK; chăm lo phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí và đời sống dân sinh trong vùng căn cứ địa và ATK; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc, đặc biệt là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Dựa vào thế trận phòng thủ của quân khu, thế trận khu vực phòng thủ của địa phương và thế trận của cấp trên, triệt để khai thác lợi thế của địa hình thiên hiểm, các hang động, rừng núi “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ”, xây dựng thế trận liên hoàn, hiểm hóc, có thế đánh, thế giữ. Xây dựng các làng, xã chiến đấu rộng khắp, có chiều sâu, có khả năng phát hiện sớm, ngăn chặn đẩy lùi địch từ xa, có khả năng độc lập tác chiến và đánh quần lộn lâu dài với địch.

Một số ý kiến cho rằng, thời điểm Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ (tháng 12-1946), ATK Định Hóa có tới 90% diện tích rừng phủ kín, nên “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”; nay rừng ở nhiều nơi bị chặt phá nhiều; đồng thời đề nghị cần khôi phục ngay rừng trong vùng ATK và bảo vệ rừng nghiêm ngặt trong vùng căn cứ địa trong tương lai, góp phần đối phó hiệu quả với chiến tranh công nghệ cao.

NAM VIỆT

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/ke-thua-phat-huy-kinh-nghiem-xay-dung-atk-dinh-hoa-507830