Kế thừa cái tên tác phẩm

Trong cơn cao hứng của mình, nhiều nghệ sĩ dĩ nhiên cứ ngỡ mình đã sáng tạo được cái tên tác phẩm ưng ý, nhưng thực tế đã có người khác dùng từ lâu...

“Những người thích đùa” phần 3 không có truyện ngắn nào của Azit Nexin được sân khấu hóa

Trên Báo NNVN số ra ngày 22/7 có bài “ Bản quyền từ cái tên chương trình ” bàn chuyện Hội Sân khấu TP.HCM công khai phát đi văn bản ủng hộ việc nghệ sĩ Xuân Hương phản đối một chương trình trên sóng HTV7 - Đài Truyền hình TP.HCM lấy tên “Những người thích đùa”.

Lý do mà nghệ sĩ Xuân Hương và Hội Sân khấu TP.HCM nêu ra là, “Những người thích đùa” gồm những hài kịch ngắn đã gắn bó với thương hiệu Thanh Bạch - Xuân Hương từ năm 1997.

Thế nhưng, nhiều bạn đọc lại người thắc mắc, “Những người thích đùa” vốn của Azit Nexin, có phải do nghệ sĩ Xuân Hương sáng tạo đâu mà đòi bản quyền? Chính ê-kíp làm “Những người thích đùa” trên HTV7 cũng hỏi ngược lại nghệ sĩ Xuân Hương như vậy, và nghệ sĩ Xuân Hương đáp rằng: “Đúng là của Azit Nexin, nhưng văn học khác sân khấu, sao các bạn không lấy cái tên ấy trước tôi mà bây giờ mới lấy?”.

Đây là một vấn đề thú vị, xin được cùng công chúng phân tích giới hạn kế thừa tác phẩm.

Ngày 7/11/1982, nhà văn Thổ Nhĩ Kỳ - Azit Nexin đã viết một lá thư bày tỏ vui mừng vì sự có mặt của tập truyện ngắn “Những người thích đùa” tại Việt Nam.

15 năm sau, chương trình “Những người thích đùa” của Thanh Bạch - Xuân Hương được công diễn. Chương trình đầu tiên của “Những người thích đùa” chủ yếu sân khấu hóa những truyện ngắn hài hước của Azit Nexin.

Tuy nhiên, những phần tiếp theo của “Những người thích đùa” đều do Thanh Bạch - Xuân Hương tự tìm kiếm kịch bản từ các vấn đề thời sự nổi cộm.

Những tiểu phẩm như “Trò chơi chia sức” hoặc “Nhà thương nhà ghét” hoàn toàn không có trong nguyên tác của Azit Nexin. Vì vậy, bản quyền cái tên “Những người thích đùa” trên sân khấu Việt Nam hoàn toàn có thể xác lập bản quyền cho Thanh Bạch - Xuân Hương.

Cái tên tác phẩm, dù chuyển từ thể loại nọ sang thể loại kia, thì cũng đều cân nhắc bản quyền. Đạo diễn Trần Cảnh Đôn làm bộ phim về đề tài người giúp việc, rất thích cái tên loạt phóng sự “Kính thưa osin” của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nên đã mua bản quyền… cái tên để đặt cho bộ phim, dù nội dung bộ phim và nội dung phóng sự không giống nhau chút xíu nào.

Cái tên tác phẩm cần được bảo vệ, ngoài yếu tố tự tôn nghề nghiệp, còn khẳng định tầm vóc trí tuệ cũng như biên độ sáng tạo của nghệ sĩ. Trên thế giới có những cái tên tác phẩm mang đầy đủ tín hiệu nghệ thuật của một danh tác.

Tìm được cái tên tác phẩm tâm đắc như tìm được thương hiệu có khả năng chinh phục thị trường cho sản phẩm. Trong lịch sử nhân loại, có những tác phẩm mà sức quyến rũ nằm ngay ở cái tên. Ví dụ, “Hội chợ phù hoa” của Thackeray, “Hai vạn dặm dưới đáy biển” của Jules Verne hoặc “Cuộc chiến tranh giữa các hành tinh” của Wells.

Bên cạnh những cái tên tác phẩm quá xuất sắc, cũng phải tôn trọng những cái tên tác phẩm đã xuất hiện trước đó. Trong cơn cao hứng của mình, nhiều nghệ sĩ dĩ nhiên cứ ngỡ mình đã sáng tạo được cái tên tác phẩm ưng ý, nhưng thực tế đã có người khác dùng từ lâu.

Để tránh sự trùng lặp ấy, phụ thuộc vào khả năng bao quát sâu rộng của người biên tập. Có thể lấy trường hợp của nhà văn Hoàng Minh Tường, một cây bút chuyên trị đề tài nông thôn. Ban đầu tiểu thuyết “Thời của thánh thần” được Hoàng Minh Tường đặt tên là “Tốt qua sông”.

Khi mang đến NXB Hội Nhà văn xin giấy phép, biên tập viên Nguyễn Khắc Trường nói ngay: “Phải cân nhắc lại cái tên sách, có cuốn in ở NXB Quân đội Nhân dân đã lấy tựa đề “Khi con tốt sang sông”. Đặt tên cho cuốn sách, còn hơn cả tên khai sinh cho con mình, cực khó đấy. Truyện của ông lẽ ra phải đặt là “Những người khốn khổ”, hoặc “Con đường đau khổ”, tiếc là các cụ Vichto Huygô và Alếcxan Tôlxtôi đã đặt mất rồi…”. Cuối cùng, Hoàng Minh Tường chấp nhận đổi “Tốt sang sông” trở thành “Thời của thánh thần”.

Đặt tên tác phẩm rất khó, nhiều tác giả đã không ngần ngại kế thừa di sản của các bậc tiền bối. Nhà văn Nguyễn Đông Thức lấy cái tích “Ngọc trong đá” ở “Cổ học tinh hoa” để đặt cho tiểu thuyết của mình. Tính đến nay, những câu thơ trong Truyện Kiều được nhiều người kế thừa để đặt tên cho tác phẩm.

Ví dụ, “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng được lấy từ câu “Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương”, “Dẫu lìa ngó ý” của Nguyễn Thị Minh Ngọc được lấy từ câu “Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng”, “Tìm hoa quá bước” của Hoài Anh được lấy từ câu “Tìm hoa quá bước xem người chép kinh”.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/ke-thua-cai-ten-tac-pham-post171060.html