'Kẻ hủy diệt' Nga mới trình làng có sức mạnh khủng khiếp

Các tên lửa RS-28 Sarmat mà hình ảnh mới chính thức được Nga công bố vào cuối tuần trước có thể được trang bị các đầu đạn siêu vượt âm. Các tên lửa này sẽ mang 16 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa và có tầm bắn lên tới 17.000 km.

Tên lửa Sarmat của Nga

Nga vừa mới thử nghiệm thành công đầu đạn siêu vượt âm dành cho ICBM, trong đó có hệ thống tên lửa tương lai Sarmat.

Một nguồn tin cho hay, một phương tiện mang như vậy có khả năng cơ động và bay với tốc độ lên tới gần 7.000 km/h. Tuy nhiên, các chuyên gia giải thích rằng, sắp tới, sẽ không cần một số lượng lớn các phương tiện mang như vậy vì ngay các tên lửa và đầu đạn hiện có trong trang bị của Nga cũng đối phó hiệu quả với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Nga đã tiến hành thành công vụ thử thứ hai đầu đạn siêu vượt âm dùng để trang bị cho các ICBM hiện có và tương lai, một nguồn tin tiết lộ hôm 28/10/2016. Theo nguồn tin, vụ phóng thử thành công diễn ra ngày 25/10/2016.

Vụ phóng ICBM RS-18B (ký hiệu của Tổng cục Tên lửa-pháo binh Nga (GRAU) thuộc Bộ Quốc phòng Nga là 15А30, còn NATO gọi là SS-19 Stiletto) được thực hiện từ khu vực trận địa phóng của Sư đoàn tên lửa 13 thuộc Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga (RVSN) đóng ở làng Dombarovsky, tỉnh Orenburg.

“Mục đích của lần phóng này là lần thử tiếp theo đầu đạn siêu vượt âm dùng để trang bị ICBM tương lai Sarmat”, nguồn tin nhấn mạnh và khẳng định, các vụ thử đầu đạn siêu vượt âm Objekt 4202 thành công trước đó diễn ra vào tháng 4/2016.

Phương tiện bay siêu vượt âm tương lai có khả năng bay với tốc độ 6 Mach (nhanh gấp 6 lần tốc độ âm thanh, tức là gần 7.000 km/h).

Đầu đạn siêu vượt âm có điều khiển 15Yu71 của ICBM được Liên hiệp NPO Mashinostroenia ở Reutov, ngoại ô Moskva được NPO Mashinostroenia bắt đầu phát triển muộn nhất là từ năm 2009, khi nó xuất hiện trong báo cáo năm của NPO Mashinostroenia. Từ ngày 18/3/2011, ông Pavel Aleksandrovich Sudyukov được bổ nhiệm làm Công trình sư trưởng và Phó Tổng giám đốc NPO Mashinostroenia phụ trách “Dự án 4202”. Năm 2012, trong các báo cáo của công ty có nêu “việc tái cấu trúc và trang bị lại cơ sở sản xuất và giá thử của xí nghiệp để tổ chức sản xuất đơn đặt hàng 42-02”.

Trong tương lai, các tên lửa RS-28 Sarmat mà hình ảnh mới chính thức được công bố vào cuối tuần trước có thể được trang bị các đầu đạn siêu vượt âm. Các tên lửa này sẽ mang 16 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa và bay qua quãng đường đến 17.000 km.

Tổng giám đốc NPO Mashinostroenia, ông Aleksandr Leonov trước đó đã cho biết, trong công ty này có Viện Nghiên cứu vật liệu composite Ural với cơ sở sản xuất riêng và đang nghiên cứu phát triển vật liệu phi kim loại, trong đó có vật liệu dựa trên các hợp chất carbon-carbon, dùng cho các kết cấu chịu tải trọng nhiệt độ cao trên các tên lửa siêu vượt âm.

Tên lửa Sarmat rời bệ phóng

Ngày 25/10/2016, trên trang web của NPK Mashinstroenia đăng tin về việc phóng tên lửa RS-18 do NPO Mashinostroenia phát triển từ khu vực trận địa phóng của binh đoàn tên lửa Yasenevo, tỉnh Orenburg đến trường thử Kura ở Kamchatka mà không nói rõ đó là nói đến “dự án 4202”.

Hệ thống phòng thủ tên lửa bất lực

Nếu Nga có phương tiện bay được biết đến với tên gọi “objekt 4202” có khả năng cơ động ở phương đứng và phương ngang với tốc độ siêu vượt âm thì nước Nga sẽ có cơ hội giải quyết vấn đề vượt qua thành công mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tương lai, cựu Tham mưu trưởng RVSN, Trung tướng Anatoly Skolotyanyi lý giải.

“Khác biệt cơ bản giữa xạ kích tên lửa phòng không và xạ kích chống tên lửa là ở chỗ, các kíp trắc thủ chiến đấu của hệ thống tên lửa phòng không bám theo mục tiêu gần như cho đến lúc kichr nổ phần chiến đấu của tên lửa phòng không có điều khiển, còn hệ thống tên lửa chống tên lửa thì bắn vào điểm bắn đón”, ông Skolotyanyi giải thích.

Theo chuyên gia này, nền tảng của phòng thủ tên lửa là dựa trê giả thiết về chuyển động đều của mục tiêu theo quỹ đạo đường đạn. Chính là theo đó mà hệ thống máy tính của hệ thống tên lửa chống tên lửa tính toàn điểm mà tên lửa chống tên lửa sẽ bay tới.

“Tuy nhiên, nếu như một đầu đạn của ICBM sẽ bay ở tốc độ siêu vượt âm, hơn nữa lại còn cơ động trên quỹ đạo bay, thì điều đó sẽ làm cho việc xạ kích chống tên lửa rất khó khăn, còn trong đa số các trường hợp là không thể. Hơn nữa, điều đó liên quan đến các trường hợp, khi việc đánh chặn mục tiêu ở ngoài khí quyền được thực hiện”, Tướng Skolotyanyi nhấn mạnh.

Vị tướng cho rằng, trong trường hợp sử dụng các đầu đạn cơ động, cả hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa (SPRN) mà Mỹ thì gọi là hệ thống cảnh báo tấn công tên lửa hạt nhân cũng sẽ gặp khó khăn lớn.

Thông thường, sau khi 2 lần “bắt” được mục tiêu, hệ thống SPRN “dựng” đường bay và xác định vị trí và thời gian rơi của đầu đạn. Tuy nhiên, nếu như mục tiêu bắt đầu thực hiện các thao tác cơ động không thể dự báo thì phải cần chế độ bám đầu đạn liên tục, còn việc xác định chính xác vị trí và thời gian đầu đạn rơi sẽ trở nên cực kỳ khó khăn.

Ngoài ra, Trung tướng Skolotyanyi còn cho rằng, các đầu đạn siêu vượt âm có thể bị phát hiện bởi các trạm radar ngoài đường chân trời.

“Chỉ cần 15 vũ khí siêu vượt âm là đủ”

Chắc chắn là báo chí Nga đã đưa tin về vụ thử tiếp theo của một vũ khí từng được tính toán phát triển từ thời Liên Xô, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu trung ương số 4, Bộ Quốc phòng Nga, TS KHKT, Thiếu tướng Vladimir Dvorkin nhận định.

“Thời đó và hiện nay, điều đó dĩ nhiên là một sản phẩm công nghệ cao vượt trước cái mà Mỹ đã và hiện đang có. Mục đích chính chắc chắn là ở chỗ phải “hạ” quỹ đạo bay của bản thân tên lửa và trang bị chiến đấu để đối phó với các phòng tuyến vũ trụ của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ đã được công bố theo chương trình Sáng kiến phòng thủ chiến lược SDI (còn gọi là Chiến tranh giữa các vì sao). Bộ phận tiên tiến nhất của phòng thủ tên lửa trên vũ trụ là hệ thống có tên Brilliant Pebbles (“Những viên cuội thông minh”). Thực ra, chương trình về các phòng tuyến vũ phòng thủ tên lửa của Mỹ đã bị đóng lại rồi”.

Theo Tướng Dvorkin, sau khi hoàn thành các thử nghiệm bay đối với phương tiện bay siêu vượt âm có khả năng được trang bị đầu đạn hạt nhân hay thông thường có độ chính xác cao, người ta sẽ phải quyết định về vấn đề quy mô triển khai vũ khí này.

Ông Dvorkin cho rằng, chắc chắn là có suy nghĩ hạn chế các vũ khí này ở số lượng đến 10-15 đơn vị, bởi vì, một là hệ thống phòng thủ tên lửa trên vũ trụ trong tương lai gần Mỹ sẽ vẫn chưa có. Hai là, như Vladimir Putin và Bộ Quốc phòng đã tuyên bố trước đó, các tên lửa chiến lược hiện có của Nga ngay bây giờ đã có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất.

Các dự án phát triển phương tiện siêu vượt âm tương tự cũng đang được Mỹ tiến hành. Các dự án siêu vượt âm trong khuôn khổ thực hiện khái niệm “Đòn đánh nhanh toàn cầu” (Prompt Global Strike - PGS) đang được nhiều lực lượng tiến hành nghiên cứu chế tạo: Máy bay X-43A do NASA, tên lửa X-51A - Không quân Mỹ, phương tiện bay AHW - Lục quân Mỹ, tên lửa ArcLight - Cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến DARPA của Bộ Quốc phòng và Hải quân Mỹ, phương tiện bay Falcon HTV-2 - DARPA và Không quân Mỹ. Người ta cũng nêu ra các thời hạn khác nhau cho sự xuất hiện của chúng: tên lửa - đến năm 2018-2020, máy bay - đến năm 2030.

Theo hãng tin quốc phòng Anh Jane’s, dẫn nguồn các quan chức giấu tên trong Bộ Quốc phòng Mỹ, năm 2015 Trung Quốc đã tiến hành vụ thử thứ 6 vũ khí siêu vượt âm WU-14. Đầu đạn siêu vượt âm của Trung Quốc đạt tốc độ 5M, theo các nguồn tin Lầu Năm góc.

Theo VND

Nhân Vũ -

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/ke-huy-diet-nga-moi-trinh-lang-co-suc-manh-khung-khiep-86196.html