Kế hoạch trục xuất người nhập cư trái phép của ông Donald Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ lập tức trục xuất đến 3 triệu người nhập cư không có giấy tờ, lớn hơn con số 2,5 triệu người mà ông Obama trục xuất trong 2 nhiệm kỳ - vốn đã nhiều hơn bất kỳ tổng thống nào trong lịch sử.

Tuy nhiên, cách thức mà ông Trump tuyên bố khác biệt đáng kể so với người tiền nhiệm Obama.

"Những gì chúng tôi sẽ làm là trục xuất những kẻ tội phạm, những kẻ có hồ sơ hình sự, các thành viên băng đảng, buôn lậu ma túy - con số có thể lên đến 2 hoặc 3 triệu - ra khỏi đất nước, hoặc họ sẽ bị tống giam" - ông Trump phát biểu trong chương trình "60 phút" của kênh truyền hình CBS. "Chúng tôi sẽ trục xuất họ khỏi Mỹ vì họ đang ở đây bất hợp pháp".

Hiện chưa rõ chính quyền của ông Trump sẽ biến kế hoạch này thành hiện thực như thế nào. Trump dường như đã dịu giọng về một số cam kết cứng rắn về nhập cư trong chiến dịch tranh cử của mình. Trên giấy tờ, kế hoạch trục xuất đến 3 triệu người nhập cư không có giấy tờ, theo các chuyên gia là không quan trọng nếu so với sự gia tăng từ con số 2,5 triệu người nhập cư bị trục xuất trong suốt 8 năm cầm quyền của ông Obama.

Tuy nhiên, cách thức mà tổng thống đắc cử nói công khai về việc trục xuất và những cố vấn mà ông bổ nhiệm vào đội ngũ chuyển giao quyền lực có thể đánh dấu một sự thay đổi của chính quyền hiện tại và sự xuất hiện trở lại các cuộc đột kích vào nơi làm việc và các khu vực dân cư với sự tham gia của "lực lượng đặc nhiệm" cảnh sát địa phương như dưới thời cựu Tổng thống George W.Bush.

"Ưu tiên của Tổng thống Obama là trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ nhưng là tội phạm. Câu hỏi hiện nay là chúng ta không biết ông Trump sẽ thực hiện điều này trong thực tế như thế nào" - Victoria M.DeFrancesco Soto, nhà khoa học chính trị hàng đầu tại Đại học Texas ở Austin nói. "Liệu ông ấy có động đến cả những người không phải là tội phạm nhưng về mặt kỹ thuật đang cư trú bất hợp pháp ở Mỹ hay không?".

Còn ông Terri Given, hiệu trưởng đại học Menlo ở Atherton, California, một nhà nghiên cứu về nhập cư cho biết thêm, sự khác biệt giữa ông Trump và Obama là về mức độ. "Chúng ta vẫn chưa biết con số chính xác mà ông Trump định trục xuất" - ông Given cho hay.

Trong cuộc phỏng vấn trên chương trình "60 phút", ông Trump không nói rõ kế hoạch trục xuất ngay lập tức từ 2 - 3 triệu được thực hiện ngay trong 100 ngày đầu nhậm chức hay trong một khoảng thời gian dài hơn. Ông Trump cho biết, một khi biên giới "an toàn", các nhân viên xuất nhập cảnh sẽ có "quyết định" về những người nhập cư không có giấy tờ còn lại trong nước. Trump cũng không nói chi tiết những nhân viên xuất nhập cảnh này sẽ thực hiện việc trục xuất như thế nào.

Tuy nhiên, những bài phát biểu về chính sách và các cố vấn mà ông Trump bổ nhiệm vào đội ngũ chuyển giao quyền lực đã cho thấy phần nào cách thức mà chính quyền mới sẽ thực hiện. Trong bài phát biểu hồi tháng 9, ông Trump đã vạch ra một số hành động, trong đó có cả việc xây một bức tường dọc biên giới Mỹ - Mexico, chấm dứt chiến thuật "bắt - thả", tăng gấp 3 lần nhân viên xuất nhập cảnh và bổ sung thêm 5.000 nhân viên tuần tra biên giới.

Sau bài phát biểu này, tờ Washington Post ước tính rằng chính sách của ông Trump sẽ đội chi phí cho lực lượng xuất nhập cảnh từ 51 tỉ USD lên 70 tỉ USD trong vòng 5 năm.

Trong đội ngũ chuyển giao của ông Trump có một số chính trị gia ủng hộ chiến thuật cứng rắn nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép. Người đứng đầu cơ quan đối ngoại Kansas, ông Kris Kobach, đề xuất đưa vào luật tiểu bang điều khoản bắt buộc trình giấy tờ hợp lệ. Thượng nghị sĩ Jeff Sessions của Alabama ủng hộ đề xuất này. Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich thúc giục ông Trump có hành động cứng rắn hơn về nhập cư.

Trong khi những đề xuất này có thể đội chi phí lên 4 lần so với hiện tại, nhưng số lượng người bị trục xuất cũng không tăng đáng kể so với thời ông Obama. Trong năm đầu tiên tại nhiệm của ông Obama, khoảng 360.000 người nhập cư không có giấy tờ (tội phạm và không phải tội phạm) đã bị trục xuất về nước mỗi năm.

Tuy nhiên, đến kỳ bầu cử năm 2012, chính quyền của ông Obama điều chỉnh ưu tiên trục xuất người nhập cư là tội phạm thông qua một quá trình được gọi là "Prosecutorial Discretion", nghĩa là châm chước và tha thứ được xử lý linh hoạt theo mỗi tình huống riêng biệt mà Luật Di trú trao cho các cơ quan thi hành luật được thực thi nhằm giúp đỡ những bậc cha mẹ đã từng phạm tội hình sự và đã có thể bị trục xuất khỏi nước Mỹ.

Theo một báo cáo năm 2015 của Hội đồng Di trú Mỹ, người nhập cư (hợp pháp và không có giấy tờ) ít có khả năng phạm tội nghiêm trọng hoặc bị bỏ tù hơn so với người bản địa, và tỉ lệ nhập cư cao thường đi kèm với tỉ lệ tội phạm bạo lực và tội phạm tài sản thấp. Theo chiến lược của chính quyền Obama, nhân viên nhập cư cũng không được khuyến khích trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ khác, chẳng hạn cha mẹ của các trẻ sinh ra tại Mỹ.

"Ngược lại, chính sách nhập cư của cựu Tổng thống George W.Bush có xu hướng phản ánh rằng, tất cả những người nhập cư trái phép ở Mỹ đều phải ý thức được việc mình có thể bị trục xuất bất kỳ lúc nào, vì nếu họ cảm thấy bị áp lực, họ có thể tự nguyện ra đi trước khi bị trục xuất" - tác giả Dara Lindarra của tờ Vox cho hay.

"Những người ủng hộ chiến lược này cho rằng đây là một phần rất quan trọng của việc duy trì luật pháp với tình trạng nhập cư trái phép. Có thể kể đến một số người ủng hộ chiến lược này như ông Kobach, đặc trách đối ngoại bang Kansas và thượng nghị sĩ Sessions.

Tuy nhiên ông Trump đã dịu giọng một số đề xuất nhập cư cứng rắn của mình. Ngoài việc tuyên bố các nhân viên nhập cư "quyết định" về người nhập cư không có giấy tờ và không phải là tội phạm, ông Trump cho biết bức tường ở biên giới Mỹ - Mexico có thể là nửa tường, nửa hàng rào. Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói rằng Trump và Đảng Cộng hòa không có ý định thành lập một "lực lượng trục xuất".

Tin bài liên quan

NHẬT MINH (Theo CSM)

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/the-gioi/ke-hoach-truc-xuat-nguoi-nhap-cu-trai-phep-cua-ong-donald-trump-612633.bld