Kẻ gây ra thảm kịch Boston có thể là “con sói đơn độc”

Ngày 16/4, một ngày sau vụ nổ bom kép thảm khốc ở Boston, vẫn chưa có cá nhân hay tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm. Nhóm Taliban ở Pakistan, từng có lịch sử đe dọa chính quyền Mỹ, từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào. Còn các cuộc điều tra ráo riết hiện vẫn dậm chân tại chỗ, vì không có phát ngôn chính thức cụ thể nào hơn về vụ việc ngoài thông tin lọt lên báo giới rằng một du học sinh 20 tuổi người Ả rập Xê út đang nằm viện có bị cảnh sát thẩm vấn. Trong khi ấy, con số bị thương được công bố đã lên tới 176 người.

Được biết, các nhà điều tra đã thẩm vấn công dân Ả rập Xê út đang nằm điều trị ở một bệnh viện địa phương do vết thương ở chân sau vụ nổ, dù vết thương khá nặng song sẽ không gây chết người. Tuy nhiên, theo thông tin từ tờ Boston Global, có thể người này cũng chỉ đơn giản đang sợ hãi trước vụ nổ như bao nhiêu người khác nên mới cuống quýt chạy, nhưng đã bị những người xung quanh ngờ vực nên mới hô nhau bắt lại và trình báo cho cảnh sát. Ít nhất là đến giờ cảnh sát chưa hề công báo đã tạm giam hay đưa ra lời buộc tội chính thức bất cứ người bị tình nghi hay đã bị thẩm vấn nào. Tuy nhiên, với trường hợp của Mohammed Badawood, du học sinh 20 tuổi trên, được cảnh sát theo sát nút và không được tự ý rời khỏi bệnh viện. Người bạn cùng phòng khẳng định Badawood là một anh chàng tốt, rất khó tin là anh lại làm chuyện này.

Theo thông tin đăng tải trên một trang web của cơ sở cứu hỏa địa phương, đêm 15/4, Cục Quản lý cồn, ma túy, súng đạn (ATF) và nhiều cơ quan hành pháp khác đã bố trí lực lượng rà soát một chung cư cao tầng ở khu Ocean Drive ở ngoại ô Boston, được cho là nơi ở của Badawood. Nhiều túi vải lớn đã được di chuyển ra khỏi tòa nhà, nhưng không ai khẳng định là từ căn hộ nào. Cảnh sát không nói lý do cụ thể, chỉ cho biết vụ lục soát có liên quan đến vụ nổ bom. Hiện những thông tin khả dĩ mà công chúng được biết toàn từ những nguồn ẩn danh hay phân tích của các chuyên gia. Có thể thấy chính quyền đang rất cẩn trọng trong việc đưa ra bất cứ phát ngôn chính thức nào.

Dân biểu William Keating của bang Massachusetts - một thành viên của Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện Mỹ - trả lời phỏng vấn CBS tiết lộ hai quả bom phát nổ đã được giấu trong thùng rác và rõ ràng nằm trong một “mắt xích” tấn công đã được lên kế hoạch cụ thể. Hiện cảnh sát đang cho truy tìm một chiếc xe khả nghi đã vội vã rời khỏi hiện trường ngay trước vụ nổ.

NBC News cho biết, các thiết bị gây nổ được gói với các vòng bi vốn là một cách thức thủ công để tăng độ sát thương. Bác sĩ nói những người bị thương phần lớn bị thương do mảnh kim loại găm vào người, nhưng không nói rõ đó là kim loại tồn tại sẵn có trong môi trường hay do thùng rác bị xé nát văng tung tóe vào những người xung quanh. Do đó, khả năng những kẻ đánh bom nằm trong một tổ chức lớn như Al Qaeda hay các nhóm Hồi giáo cực đoan là khó có thể xảy ra, chuyên gia chống khủng bố Brian Jenkins cho hay.

Juan Zarate - nguyên cố vấn an ninh quốc gia về chống khủng bố dưới thời Tổng thống George W. Bush - nhận xét: Cuộc tấn công này có dấu hiệu cho thấy có bóng dáng của Al Qaeda nhưng cũng mang dấu ấn của một “con sói đơn độc”. Theo ông, vụ tấn công diễn ra vào ngày 15/4 (ngày Ái quốc kỷ niệm cuộc cách mạng Mỹ khởi nguồn từ Boston năm 1775) và 15/4 cũng là hạn chót nộp thuế thu nhập cá nhân trên toàn nước Mỹ cho thấy khả năng cao hơn rằng đây có thể là hành động của một cá nhân bất mãn hoặc của các tổ chức chống chính phủ trong nước.

Chuyên gia phân tích an ninh quốc gia Peter Bergen nhận định cuộc tấn công có thể đến từ “các phần tử cực đoan cánh hữu” bởi đối với các nhóm “yêu nước”, những gì liên quan đến nộp thuế hay kiểm soát súng ống đều có thể trở thành động cơ tấn công. Ông lấy dẫn chứng từ vụ phần tử cực đoan Anders Breivik đã nhắm vào tòa nhà chính phủ và một trại thanh thiếu niên mùa hè ở Na Uy cho thấy các cá nhân hoàn toàn có thể làm nên những chuyện tưởng như cần một nhóm hay tổ chức. Một số chuyên gia chú ý đến chi tiết cuộc tấn công nhằm vào cuộc đua marathon Boston năm nay vốn để tưởng niệm 26 nạn nhân của vụ nổ súng tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, bang Connecticut vào cuối năm ngoái - vốn được xem là giọt nước tràn ly buộc chính quyền Obama đề ra đạo luật kiểm soát súng.

Tuy nhiên, với sự cẩn trọng, không một chuyên gia nào loại bỏ khả năng có sự dính líu đến mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda hoặc một trong những tổ chức cực đoan nằm vùng của mạng lưới này. Nhiều chuyên gia cho rằng những quả bom lại không nhằm vào một tổ chức chính phủ, vốn là đích nhắm của các đối tượng bất mãn, và phong cách của cuộc tấn công cũng mang hơi hướng vùng Trung Đông. Kể cả ông Zarate cũng nhắc lại âm mưu đánh bom bất thành hệ thống tàu điện ngầm tại thành phố New York hồi năm 2009 và vụ đánh bom thất bại tại Quảng trường Thời đại ở New York năm 2010 của Al Qaeda.

Mặc dù Tổng thống Obama không hề dùng cụm từ “khủng bố” trong bài phát biểu hôm thứ hai (15/4) nhưng nhiều chính trị gia khác khi xuất hiện trước truyền thông đều đang nghiêng về giả thuyết này, song họ cũng hết sức thận trọng khi dùng các từ mang tính giả định hay nhận xét cá nhân. Đây được xem như một kiểu “đình công chính trị” đầu tiên kể từ vụ khủng bố 11/9, gợi lại quá khứ đau thương và mở ra những chỉ trích có thể về sự lỏng lẻo trong vấn đề an ninh của nước Mỹ. Điều này cho thấy một nhiệm kỳ trắc trở không chỉ về mặt kinh tế đang mở ra trước mắt ông Obama.

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/the-gioi-thoi-su/ke-gay-ra-tham-kich-boston-co-the-la-%e2%80%9ccon-soi-don-doc%e2%80%9d