Kẻ đầu độc cá bè trên sông Chà Và lại là ông trời!

Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt trên sông Chà Và là do lượng mưa lớn, độ mặn và lượng oxi trong nước giảm đột ngột.

Chiều 17-10, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã họp về vụ cá chết hàng loạt trên sông Chà Và trong các ngày 10 và 11-10 vừa qua. Tuy nhiên, các phóng viên không được tham gia cuộc họp.

Cuối buổi họp, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có buổi trao đổi với các phóng viên xung quanh vụ việc trên.

Theo ông Cường, riêng trong đợt tháng 10, ước tính khoảng 254 tấn cá bị chết (chủ yếu là cá bớp và cá chim gần đến độ thu hoạch). Thống kê của sở NN&PTNT cho thấy có 90 hộ nuôi cá bị thiệt hại với tổng số tiền khoảng 29 tỉ đồng. “Hiện tình trạng cá chết vẫn xảy ra nhưng ít hơn, sở vẫn đang tiếp tục thống kê và báo cáo lên UBND tỉnh”, ông Cường thông tin.

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh BR-VT trả lời phóng viên

Về nguyên nhân khiến cho tình trạng cá chết hàng loạt, ông Cường cho biết qua nghiên cứu, đánh giá có thể xác định cá chết không phải do dịch bệnh mà có nhiều nguyên nhân khiến cho độ mặn và lượng oxi trong nước giảm mạnh. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do sự tác động của mưa lớn, mưa nhiều ngày liên tục dẫn đến lượng nước hòa tan từ đầu nguồn, từ các lưu vực tràn xuống kéo theo hàng loạt các chỉ tiêu tác động môi trường, ảnh hưởng đến khu vực vùng nuôi của người dân.

Ngoài nguyên nhân do điều kiện thời tiết, một nguyên nhân nữa là do mật độ nuôi ở các lồng quá dày, số lượng nuôi trong một lồng cũng nhiều, khi thủy triều lên, lượng oxi giảm cá cũng sẽ lờ đờ và chết.

Ông Cường cũng cho rằng người dân hiện nay nuôi cá không tuân thủ theo quy định, kỹ thuật cho phép, ỷ lại trong việc gần thu hoạch nên không giãn mật độ nuôi cá. “Cá chim, cá bớp là hai loại sống bề mặt nước, cần rất nhiều lượng oxi nhưng cấu trúc nuôi lại san sát, cá nuôi quá dày đặc khi mưa sẽ giảm lượng oxi rất nhanh”, ông Cường nói.

Theo ông Cường đánh giá, hoạt động xả thải tại cống số 6 cũng là một trong những nguyên nhân khiến lương oxi trong nước giảm đột ngột nhưng không phải là nguyên nhân chính khiến cá chết.

Đợt cá chết tháng 10 qua, thiệt hại ước tính 29 tỉ đồng

Vừa qua, người dân nuôi cá đã dùng dung dịch sera để test nhanh mẫu nước ở đầm chứa nước thải của các nhà máy chế biến hải sản và kết quả cho thấy mẫu nước chứa clorine. Ông Cường cho rằng theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, độ clorine cao nhưng vẫn ở ngưỡng cho phép và là clorine tự nhiên ở bất kỳ sông nào cũng có.

Ông Cường cho biết vụ việc cá chết lần này và vụ việc 33 hộ dân kiện các nhà máy chế biến hải sản xả thải khiến cá chết gây thiệt hại 18 tỉ đồng trong năm 2015 là hai việc hoàn toàn khác nhau. “Sự việc năm 2015 đã có các cơ quan chuyên môn đánh giá, thời điểm đó là do hoạt động xả thải của 14 doanh nghiệp xả thải, còn vụ việc lần này là khác nên không thể đánh đồng rằng chính việc công bố kết quả lần này sẽ tác động xấu tới vụ kiện”.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã khuyến cáo người dân không nên tiếp tục thả cá giống khi tình hình cá chết vẫn diễn ra.

UBND tỉnh BR-VT đã giao cho các cơ quan chức năng sớm có quy định để hỗ trợ nếu kết luận chính thức là do tác động của thiên tai.

Ngoài ra, giao cho UBND TP Vũng Tàu xác định các hộ đang vay ngân hàng để có chính sách giãn nợ cho bà con khôi phục sản xuất; các ngành chuyên môn nhanh chóng xác định thêm các địa điểm chuyển dịch các bè thường xuyên có hiện tượng cá chết, hướng dẫn kỹ thuật, đưa ra giải pháp do biến đổi khí hậu vào hỗ trợ người dân.

Bài, ảnh: Ngọc Giang

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/chinh-tri/ke-dau-doc-ca-be-tren-song-cha-va-lai-la-ong-troi-20161017175025046.htm