Kể chuyện Bác Hồ ra mặt trận (phần 2)

(VnMedia) - Nhìn lại lịch sử quân sự thế giới hiện đại, hiếm thấy những vị nguyên thủ quốc gia trực tiếp đi chiến trường. Riêng Bác Hồ chúng ta đã ra tận mặt trận, đi suốt chiến dịch Biên giới Thu đông năm 1950, cùng Bộ chỉ huy tiến hành một trấn chiến đấu lớn chưa từng có trước đó, giành thắng lợi mang ý nghĩa lịch sử, tạo ra một bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta…

Bác Hồ và các chiến sĩ quân báo trên đài quan sát trong chiến dịch Biên giới (1950) VnMedia đã giới thiệu với bạn đọc phần một của câu chuyện Kể chuyện Bác Hồ ra trận. Mời các bạn đón đọc phần hai. *** Sáng hôm sau, Bác đến Sở Chỉ huy, Cao Pha tháp tùng và đồng chí Chước - Tổ trưởng đài quan sát mang theo ống nhòm và bi đông nước hướng dẫn Bác đi. Bác xắn quần lên cao, chống gậy leo núi thoăn thoắt. Bác quan sát và hỏi kỹ những địa hình từ Đông Khê đến Thất Khê và Cao Bằng rồi xuống núi. Tại đây, anh Vũ Năng An đã chụp được bức ảnh Bác ngồi quan sát trận địa và bức ảnh này đã đi vào lịch sử, ghi dấu một giai đoạn đáng nhớ của cuộc kháng chiến chống Pháp và nó cũng trở thành biểu tượng truyền thống “Bác Hồ với ngành tình báo quân sự Việt Nam”. Từ đài quan sát này, Bác Hồ vừa đánh giặc vừa làm thơ, đã để lại cho đời mấy vần bất hủ: Huề trượng đăng sơn quan trận địa Vạn trùng vân ủng vạn trùng vân Nghĩa binh khí thế thôn Ngưu Đẩu Thề diệt sài lang xâm lược quân Được dịch là: Chống gậy lên non xem trận địa Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây Quân ta thế mạnh nuốt Ngưu Đẩu Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy. Ngày 16/9/1950, khi trận Đông Khê bước vào thời điểm giằng co quyết liệt nhất ở trung tâm, Bác bảo anh Cao Pha cho người đưa Bác lên đài quan sát đặt trên đỉnh núi của Sở chỉ huy để Bác quan sát trận quyết chiến cuối cùng ở cứ điểm lớn nhất của Đông Khê. Bác không ngăn được xúc động khi ta đã giành chiến thắng. Đông Khê bị tiêu diệt. Tin thắng trận lan nhanh khắp nơi. Ta bắt được nhiều tù binh địch, Bác bảo anh Cao Pha đưa Bác đi gặp tù binh. Anh Cao Pha rất lúng túng, lo ngại việc giữ bí mật và an ninh. Bác hiểu ý, liền gọi đồng chí bác sỹ đem bông, băng đến, băng bó từ đầu xuống má, băng bịt kín chòm râu, rồi bôi thuốc đỏ như một chiến sỹ bị thương. Trại trưởng tù binh lập tức chuẩn bị, ba sỹ quan tù binh, trong đó có viên đại úy đồn trưởng Đông Khê đứng dậy khi Bác bước vào. Bác nói tiếng Pháp: “Tôi tự giới thiệu là Việt Kiều ở Pháp, trước đây đã tham gia cùng nhân dân Pháp chống phát xít Đức. Nghe theo lời kêu gọi của Chính phủ Hồ Chí Minh, tôi về nước cùng đồng bào tôi kháng chiến. Còn các anh đến đây để làm gì? - Chúng tôi đến đây theo lệnh cấp trên. Tên quan ba trả lời. - Thực dân Pháp xâm lược Đông Dương, vậy các anh có biết mình là thực dân không? Bây giờ các anh bị bắt làm tù binh, phải tuân theo những quy định của trại. Nếu sau này các anh có thái độ tốt, tôi sẽ nghiên cứu cho các anh hồi hương. Các anh có ý kiến gì thì gửi lên tôi theo địa chỉ: “Nguyễn Thắng, cố vấn chính trị mặt trận – Bác nói tiếng Pháp rất chuẩn, lưu loát và hay quá. Ba tên tù binh trố mắt ngạc nhiên, đứng nghiêm và tuân lệnh. Trên đường về, Bác kể lại hôm lên mặt trận, gặp toán tù binh giải về trại, có một tù binh bị thương áo rách tươm, Bác đã cho áo. Đột nhiên, Bác hỏi: “Sao các chú cho lột giày của tù binh bắt đeo lên cổ? Đối với người phương Tây, không có giày họ đi lại rất khó khăn. Nếu có sợ tù binh chạy trốn thì chí ít cũng cho họ đi tất chứ!” Cả Bác và mọi người đều cười vui vẻ. Đúng như mưu lược của ta đã tiên liệu, sau Đông Khê thất thủ, binh đoàn cơ động tinh nhuệ Sác-tông-Lơ Pa-giơ kéo đến chi viện bị ta tiêu diệt. Thất Khê bị ta vây chặt. Địch vô cùng hoảng sợ bị tiêu diệt sinh lực nặng nề hơn nữa, lập tức rút bỏ cả Na Sầm, Đồng Đăng, Lạng Sơn, Đình Lập. Hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn hoàn toàn giải phóng. Bác vui như trẻ ra. Bác bảo anh Văn tổ chức cho Bác đi thăm đồng bào, bộ đội mới được giải phóng ở Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng. Từng đoàn bộ đội, dân công cùng đồng bào trước đây đi tản cư, nay gồng gánh trở về đông vui như đi hội. Tiếng cười, tiếng hát, tiếng chào hỏi xen lẫn tiếng hô vang khắp nơi: “Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm!”… Bác xúc động, đôi mắt long lanh, hòa chung niềm hạnh phúc với đồng bào, chiến sỹ. Chiến dịch kết thúc, Bộ chỉ huy triệu tập hội nghị tổng kết sơ bộ ở Lam Sơn (Cao Bằng). Cán bộ ta và bạn đến dự rất đông vui, thắm thiết tình hữu nghị Việt - Trung. Mọi người bỗng rất bất ngờ khi đồng chí cố vấn Trung Quốc Trần Canh xúc động và chân thành phát biểu: “Hồ Chủ tịch là lãnh tụ vĩ đại của Cách mạng Việt Nam, là lãnh tụ xuất sắc của Cách mạng thế giới, là người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc". Trong không khí thật thân tình, phấn khởi, Bác nói lời cuối cùng: “Trận này ta thắng to là nhờ công lao đóng góp của đồng bào, chiến sỹ ta rất lớn. Kháng chiến còn nhiều gian nan. Chúng ta phải sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới và đánh thắng lớn hơn nữa…” Tan hội nghị, lúc ra về anh Cao Pha tình cờ gặp Bác. Bác rút tặng anh Cao Pha một điếu thuốc lá thơm và ân cần căn dặn: “Trong chiến dịch công tác nắm địch có ưu và có khuyết cần phải được tổng kết nhưng phải giữ bí mật. Cách nắm địch mới khẩn trương chuẩn bị tốt cho các hoạt động quân sự tiếp theo…” Thắng lợi to lớn của Chiến dịch Biên giới lịch sử Thu Đông 1950 đã đẩy thực dân Pháp lún sâu thảm hại vào thế bị động chiến lược. Ngược lại, căn cứ địa và hậu phương của ta được mở rộng và liên thông với các nước bạn, không chỉ tạo cho ta thế và lực càng thêm vững mạnh, còn mang lại thời cơ lớn cho cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ra chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn phản công và tổng phản công địch. Kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Bác, kể lại câu chuyện Bác Hồ ra mặt trận không những nói lên ý chí quyết chiến quyết thắng cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mà nó còn có ý nghĩa khác quan trọng và cao đẹp hơn nhiều: “Bác Hồ ra mặt trận, đó là biểu tượng chân dung một con người suốt đời hy sinh cao cả, chỉ biết sống vì nước vì dân, không màng danh lợi cá nhân, khổ trước thiên hạ và sướng sau thiên hạ, hướng tất cả tâm hồn mình cho hạnh phúc của nhân dân và sự nghiệp cách mạng.” Học tập và làm theo tấm gương của Bác, mọi người chúng ta, nhất là cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ những người lãnh đạo chủ chốt các cấp hãy ghi sâu lời dạy của Bác “Dĩ công vi thượng” lên trên hết và trước hết trong việc tu dưỡng hàng ngày, nhất định chúng ta sẽ xây dựng được Đảng ta ngày càng vững mạnh hơn, đất nước và xã hội ta giàu mạnh, tiến bộ, đạo đức, văn minh như lòng Bác hằng mong muốn… Đại tá Hồ Ngọc Sơn

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=23&newsid=192528