Kẻ bạo hành cháu bé đến chấn thương sọ não đã phạm tội giết người?

Dù có biện minh với bất cứ lý do nào, việc sử dụng bạo lực với cháu bé gần 1 tuổi là hành vi mất nhân tính và phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Liên quan đến vụ bé trai bị bạo hành dẫn đến chấn thương sọ não đang khiến dư luận bức xúc, PV Infonet có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Anh Thơm – Trưởng VPLS Nguyễn Anh – Đoàn LS TP Hà Nội.

Cháu bé bị bạo hành đến chấn thương sọ não.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, quá trình xác minh nhân thân cháu bé, cơ quan điều tra làm rõ, cháu bé chỉ còn 18 ngày nữa là tròn 1 tuổi, ở quận Ba Đình. Cháu bé tên Trần T.A. (SN 2016). Mẹ cháu T.A. hiện đang ở tù nên gửi con cho một người bạn tên Chi chăm nom, nuôi hộ.

Sau đó, Chi lại gửi cháu T.A. cho một người tên Hằng. Hằng chính là người đưa cháu bé vào Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cấp cứu. Căn cứ vào những vết thương trên người cháu bé và các yếu tố liên quan đến vụ việc, cơ quan điều tra xác định, đây là một vụ bạo hành trẻ em với tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Đến chiều 5/8, cháu bé này vẫn chưa có người thân đến trông nom. Bệnh nhi đang được các y bác sỹ của Bệnh viện Nhi Trung ương tận tình chăm sóc. Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, sau 3 ngày điều trị tích cực, đến đêm 5/8, tình trạng sức khỏe cháu T.A. chuyển biến theo chiều hướng xấu. Cháu bé sốt cao, co giật, sau đó rơi vào hôn mê.

Các bác sĩ nhận định, đây là hậu quả của vết thương dẫn tới chấn thương sọ não, xuất huyết não khá nặng. Đến trưa 6/8, cháu T.A. được chuyển từ khoa Cấp cứu sang khoa Hồi sức ngoại. Chiều 6/8, cháu bé vẫn đang hôn mê, đã phải thở ô-xy.

Từ những chứng cứ trên, luật sư Anh Thơm nêu quan điểm: “Dù có biện minh với bất cứ lý do nào cho việc sử dụng bạo lực với cháu bé gần 1 tuổi đều là hành vi mất nhân tính và phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc của pháp luật.

Trường hợp đối tượng bạo hành cháu bé trong tình trạng sử dụng chất ma túy thì vẫn phải chịu trách nhiệm về hậu quả đã gây ra theo Điều 14. Phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Ngoài ra, luật sư Anh Thơm cũng thông tin: “Xét thấy thương tích của cháu bé qua kết quả điều trị tại Bệnh viện đã bị chấn thương sọ não đẫn tới xuất huyêt não khá nặng, tính mạng cháu bé có những diễn biến xấu hôn mê và phải thở ô xy. Cơ chế hình thành chấn thương sọ não này nhiều khả năng do vật tác động với một lực tương đối mạnh gây ra.

Pháp luật buộc đối tượng phải nhận thức khi đánh cháu bé dù bằng tay vào vùng đầu cháu bé còn rất nhỏ như vậy sẽ dẫn tới tử vong. Đây là vùng trọng yếu trên cơ thể con người. Trường hợp cháu bé nếu không bị tử vong là do được cấp cứu kịp thời và được các Bác sỹ dùng mọi biện pháp y khoa can thiệp cứu tính mạng cháu”.

Cũng theo luật sư Anh Thơm, căn cứ Án lệ số 01/2016/AL về vụ án “Giết người” được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã xác định Tội cố ý gây thương tích chỉ khi đối tượng phạm tội tấn công vào chân, tay mà không tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể, là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân.

Như vậy, hành vi phạm tội của đối tượng sử dụng vũ lực đánh cháu bé đến chấn thương sọ não đã cấu thành Tội giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại điểm c, khoản 1 Điều 93 Bộ luật hình sự, với tội giết trẻ em có thể bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Sông Mã

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/ke-bao-hanh-chau-be-den-chan-thuong-so-nao-da-pham-toi-giet-nguoi-post233819.info