“Karoshi”: Hệ quả nhức nhối của người Nhật “nghiện” việc

Trong nhiều thập kỉ qua, Nhật Bản từng ghi nhận nhiều trường hợp làm việc quá sức đến chết, hiện tượng được gọi là karoshi. Tuy nhiên, người Nhật chỉ thực sự chú ý đến vấn đề này thông qua những cảnh báo mới đây của Chính phủ và sự lên án trở lại từ dư luận.

Theo khảo sát gần đây của Chính phủ, 1/5 lực lượng lao động của nước này phải đối mặt với nguy cơ tử vong do làm việc quá sức. Thủ tướng Shinzo Abe xác nhận: Đây là lần đầu tiên “karoshi” được đưa vào nội dung của Sách Trắng (The Nation White Paper) của Nhật Bản. Trước đó, hàng trăm người tử vong và nhiều vụ kiện đã diễn ra xung quanh vấn đề này.

Cũng theo báo cáo này, 22,7% công ty được khảo sát giữa tháng 12/2015 và tháng 1 2016 cho biết một số nhân viên của họ làm việc hơn 80 giờ/tháng - ngưỡng đe dọa đến tính mạng của người lao động. Bên cạnh đó, khoảng 21,3% số nhân viên người Nhật làm việc 49 giờ hoặc hơn mỗi tuần, cao hơn 16,4% so với Mỹ, 12,5% với Anh và 10,4% với Pháp.

Một nguyên nhân quan trọng được cho là xuất phát từ truyền thống làm việc của người Nhật. Quan niệm về hình ảnh con người cần mẫn và chăm chỉ của người Nhật sau những năm 1970 đã ăn sâu vào tiềm thức. Tại thời điểm bùng nổ kinh tế gắn với những thành công vượt trội đó của nước Nhật, người lao động làm việc hơn 60 giờ/tuần.

Nhưng hệ quả khi mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống đã tác động ngược trở lại với người Nhật. Mỗi năm, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người làm việc quá sức cho đến chết. Trong bài diễn văn tháng 5/2014, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng: “Chúng ta cũng phải thay đổi tư duy khi đặt nặng việc dành thời gian cho công việc - khuynh hướng do đàn ông tạo ra”.

Thực vậy, trong những năm gần đây, báo chí và dư luận Nhật Bản đã có quan niệm khác trong việc chống lại lối mòn làm việc xưa cũ. Tháng 12/2015, Matsuri Takahashi - nhân viên trẻ của hãng quảng cáo lớn của Nhật Densu đã tự tử vì căng thẳng và quá mệt mỏi do thời gian biểu làm việc ngoài giờ quá nặng. Nhiều tuần trước khi Matsuri tự tử, cô đã chia sẽ trên mạng xã hội rằng: “Tôi muốn chết”, “Tôi hoàn toàn kiệt quệ về thể chất và tinh thần.”

Bà Yukimi Takahashi nói với các phóng viên sau cái chết của con gái tháng 7/2016

Mẹ của cô là Yukimi cho rằng: Cái chết của Matsuri chứng tỏ một số công ty đặt việc hoàn thành công việc lên trên lợi ích của người lao động. “Con gái tôi đã nói với bạn bè và đồng nghiệp rằng: Nnó chỉ có 10 giờ để ngủ trong một tuần. Điều duy nhất mà nó mong muốn là được ngủ” - Bà Yukimi nói trên đài TBS của Nhật Bản.

Trường hợp của Matsuri chỉ là một trong rất nhiều trường hợp “karoshi” ở Nhật Bản. Nguyên nhân của hầu hết vụ việc tương tự là do đau tim hoặc tự tử vì áp lực hoặc quá mệt mỏi vì công việc.

Dù karoshi đã trở thành vấn đề xuyên suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng Chính phủ Nhật Bản chỉ thông qua cơ chế luật pháp để kiểm soát vấn đề 18 tháng trước. Các mục tiêu cụ thể đã được đặt ra như giảm tỷ lệ lao động làm việc hơn 60 giờ/tuần xuống còn 5% vào năm 2020, trong khi con số này vài năm qua là 8-9%.

Chính phủ cũng cố gắng để các nhân viên thực sự được nghỉ phép theo Luật. Hầu hết công nhân Nhật Bản có 20 ngày nghỉ/năm, nhưng dường như họ không sử dụng hết một nửa số thời gian đó. Bởi theo quan niệm, việc nghỉ nhiều ngày trong năm như vậy được xem là dấu hiệu của sự thiếu tinh thần làm việc.

Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề karoshi không đơn giản mà một phần không nhỏ là do thói quen của chính người lao động. Ở Nhật Bản, người lao động có thói quen cố hữu là gắn bó “cả đời” với một công ty. Trong khi ở Mỹ, người ta sẵn sàng chuyển sang công ty có phúc lợi cao hơn và đầy đủ cho người lao động.

Hải Yến

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-suc-khoe/%e2%80%9ckaroshi%e2%80%9d-he-qua-nhuc-nhoi-cua-nguoi-nhat-%e2%80%9cnghien%e2%80%9d-viec